Chiêm ngưỡng đôi rồng gốm kỷ lục

(GN)-Hà Nội): Trong khuôn khổ Lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội”, chiều 16/9/2010 đã diễn ra lễ khánh thành tác phẩm đôi rồng gốm mô phỏng gốm thời Lý, đây là tác phẩm rồng gốm đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam.

 Chiều và tối 16/9/2010, tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội) đã tưng bừng khai mạc Lễ hội “Làng nghề, Phố nghề Thăng Long- Hà Nội”. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, giới thiệu cơ bản, khái quát về làng nghề - phố nghề - người nghề trong sự phát triển của Thủ đô ngàn năm tuổi. Trước giờ khai mạc, Lễ dâng hương các vị Tiên liệt và những người có công với đất nước, quê hương diễn ra trang trọng tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Đài liệt sĩ Bắc Sơn, Đền thờ núi Nùng. Sau đó, lễ tế các tổ nghề được các nghệ nhân Hà Nội thể hiện với nghi thức thành kính trang trọng tại Công viên Bách Thảo, cùng với màn biểu diễu trống hội của làng trống Đọi Tam, Hà Nam.

langnghe_1.jpg

 Vào lúc 17 giờ 30, đã diễn ra nghi thức cắt băng khánh thành tác phẩm đôi rồng gốm mô phỏng rồng thời Lý. Đôi rồng gốm khổng lồ đã hiện ra rực rỡ, khoe vẻ đẹp tinh xảo được kết tinh bởi những tài hoa của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. Tác phẩm có kích thước dài 35m, cao 8,6m được lắp ghép bởi 6500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4500 chiếc cốc. Hình dáng và mọi hoạ tiết trên thân rồng tuân thủ theo đúng phong cách rồng thời nhà Lý, màu men trên thân gốm sử dụng chất liệu men xanh ngọc – chất men phổ biến của gốm thời Lý làm cho toàn bộ tác phẩm long lanh huyền ảo. Khi tấm vải che phủ rồng được mở ra, cũng là lúc đôi rồng phun hoa lửa thật ấn tượng, khiến người xem rầm rộ vỗ tay tán thưởng. Nhân dịp này, Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam đã trao cho tác phẩm danh hiệu: đôi rồng gốm cao và dài nhất Việt Nam . Ông Lê Đức Kế - chủ nhiệm chương trình xây dựng tác phẩm rồng gốm và nghệ nhân Nguyễn Văn Bình - người thực hiện tác phẩm đã nhận bằng chứng nhận kỷ lục từ ông Lê Trung Tín đại diện cho Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam.  Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cho biết “Là một nghệ nhân, tôi đã có ý tưởng làm công trình này, được cả làng nghề Bát Tràng ủng hộ, được các doanh nhân giúp đỡ cho đến hôm nay đã hoàn thành. Toàn bộ công trình làm trong thời gian rất ngắn, chỉ có khoảng 2 tháng. Đây là tấm lòng của tôi cùng các đồng sự ở làng gốm Bát Tràng để dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

langnghe_2.jpg
langnghe_3.jpg
rong thang 2.jpg
langnghe_5.jpg

 Hơn 200 gian hàng của Hà Nội và 48 tỉnh, thành phố đã tụ hội về Công viên Bách thảo để cùng khoe tài, khoe sắc những tinh hoa của các làng nghề. Trong không gian của triển lãm, khu trưng bày nghề của các làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội xưa và nay đã được tái hiện công phu và đặc sắc. Vốn nổi tiếng là vùng đất :Khéo tay, hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”, dù hôm nay đã có nhiều thay đổi, nhưng mỗi tên phố của Hà Nội đều gợi nhớ đến những sản phẩm độc đáo của đất trăm nghề. Những phố nghề: Hàng Nón, Hàng Đồng, Hàng Mã, Lãn Ông, Hàng Quạt đều được tái hiện. Mỗi dãy phố được tạo dựng có độ dài 50m với biển tên phố treo trên cột điện, có nhà mô phỏng nhà cổ Hà Nội và các nghệ nhân thao diễn nghề trong đó. Du khách đến lễ hội cũng sẽ được tham quan các khu trưng bày 5 làng gồm gốm Bát Tràng đang thịnh phát ngày nay ở thủ đô: dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, mỹ nghệ Sơn Đồng, mây tre đan Phú Vinh. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng sẽ trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân đã xác lập kỷ lục như: Tác phẩm khảm ốc "Thiên đô chiếu" của Trần Bá Nam; "Phố gốm" của tác giả Trần Mạnh Tuấn; "Quạt mây" của nghệ nhân Dương Văn Mơ; Bình hoa sen mây lớn nhất của Nguyễn Phương Quang…

langnghe_6.jpg
rong thang  1.jpg

 Hòa chung không gian Hà Nội 36 phố phường, có đủ các 9 không gian đặc trưng văn hóa nghề truyền thống tiêu biểu của cả nước với các nét kiến trúc, văn hóa, bản sắc của từng vùng. Vùng núi Tây Bắc phác họa ruộng bậc thang, nhà sàn, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ, seo giấy, nhuộm vải... Không gian văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng với những cây đa, bến nước, sân đình và các sản phẩm làng nghề trứ danh như: tranh Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, gốm Bát Tràng…Không gian văn hóa làng nghề vùng Bắc Trung Bộ tái hiện kiến trúc nhà rường độc đáo, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Không gian văn hóa làng nghề vùng Nam Trung Bộ với những sản phẩm làng nghề truyền thống như: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, điêu khắc gỗ, đá của Đà Nẵng, đèn lồng của phố cổ Hội An… Vùng Tây Nguyên cũng được tái hiện không gian văn hóa với kiến trúc nhà Rông và sản phẩm thủ công của người Ê Đê, Gia Lai, Ba Na. Du khách cũng được thưởng lãm các nghề mây tre lá, thêu ren, điêu khắc gỗ, gốm của vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng các sản phẩm từ cây dừa. Đặc biệt, Trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc đoàn Quảng Nam còn trưng bày một bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi”...

 Trong khuôn khổ lễ hội, có triển lãm ảnh Làng nghề, phố nghề Hà Nội xưa và nay trưng bày hơn 100 bức ảnh sẽ giới thiệu những hình ảnh làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội xưa và nay tới khán giả. Cùng với đó, trong lễ hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn: Triển lãm; Hội thi sản phẩm thủ công và cúp 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội; Hội thi nấu cơm và trò chơi dân gian; Lễ hội áo dài; Liên hoan các trò chơi dân gian; Hội thi nặn tò he, cùng với các buổi hội thảo, ẩm thực làng Việt và nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, múa rối nước… Đặc biệt kết thúc Lễ hội, lần đầu tiên Nhà nước sẽ phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chuyên ngành thủ công mỹ nghệ, đồng thời sẽ trưng bày sản phẩm, tác phẩm tiêu biểu của những nghệ nhân được phong tặng trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Với sự hoành tráng quy mô cả về không gian và đa dạng các hoạt động, “Lễ hội làng nghề, phố nghề” đã xứng tầm là một hoạt động mở màn cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.      

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày