Chiều trong vườn thư pháp chùa Huyền Không

Chùa Huyền Không Sơn Thượng tan trong non xanh và lá xanh. Dẫu đang còn tranh tre mộc mạc, nhưng thanh thoát, duyên dáng và thảnh thơi như lòng người ở đây. Đúng như nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh tâm sự: “Cảnh là tơ duyên của đời”. Đến Huyền Không Sơn Thượng cảm giác đầu tiên của tất cả du khách là thấy lòng mình ấm lại.

Đứng trước am Mây Tía nhìn xuống, trong tầm mắt 100 mét, là chiếc hồ do chùa đắp con đập nhỏ, ngăn dòng suối từ trên núi mà thành. Hồ không rộng, nép giữa vách núi hai bên, giống một tấm gương con của núi non hơn là một cái hồ, giống như một dụng ý của người làm ra nó. Bên phải hồ là nhà thư pháp. Đối diện với nhà thư pháp, bên trái hồ là một bãi thông nhỏ, một gò nổi gồ lên bên mép nước, vườn thông đang sức lớn này là vườn thư pháp. Thư pháp treo trên thân cây thông đang lớn.

Dọc đường từ am Mây Tía xuống nhà thư pháp là con đường quanh co bên sườn non, chốc chốc lại gặp bức thư pháp viết trên đá, hay treo dưới một mái tranh nho nhỏ, như hai trang sách mở ra, úp xuống giữ gìn những hàng thư pháp như rồng bay.
Không gian ấy và vườn thư pháp ấy dẫn du khách phút chốc lạc vào cõi thoát tục.
            “Con sông cuồn cuộn con sông chảy
            Cát bụi theo nhau cát bụi về
            Quay lại muốn tìm chân diện mục
            Chợt bóng mình hút giữa hoang khê”.

Nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh lang thang tìm nơi dừng chân. Ngay sau hoà bình 1975, một ngôi chùa lá được dựng ngay bên núi dưới chân đèo Hải Vân, bên ngoài chỉ có 3 chữ đơn sơ: Chùa Huyền Không. Ít lâu sau ngôi chùa ấy bị bỏ hoang. Nhà sư về Hương Hồ dựng chùa Huyền Không hạ. Khi chùa khang trang, du khách trong ngoài nước đã biết, tới đông, Sư Minh Đức giao chùa lại cho sư đệ Pháp Tông trông nom, ông tìm lên Đồng Chầm, vào một khe núi chỉ có đá và cây, ông chống gậy trúc ở đây, và lập nên chùa Huyền Không Sơn Thượng.
            “Xin trả chim đôi cánh
            Đôi cánh nhẹ bay xa
            Ta một mình lặng lẽ
            Một mình  ngắm mây qua”

Chiều trong vườn thư pháp chùa Huyền Không ảnh 1
Toàn cảnh trước chùa - Ảnh: khamphahue.com.vn

Cho đến bây giờ thì Huyền Không Sơn Thượng, dẫu còn đơn sơ, còn “hoang khê”, nhưng  đã là một địa chỉ văn hoá của Huế. Du khách ngồi với nhau, rung đùi ngâm nga:
            “Du khách đến Huyền Không quên cả lối về
            Quên cả  mình đang lạc giữa sơn khê
            Nhấp ánh trăng suông cùng mây gió
            Gặp chốn hư vô như gặp cõi đi về”.

Chiều nay, Festival dưới Huế đang nao nức đợi ngày Tế Nam Giao, bỗng tao nhân mặc khách ào lên Huyền Không Sơn Thượng. Tôi gặp cả Nguyễn Khắc Mai từ Hà Nội vào, Tiến sĩ Thanh Thanh, rồi Ngọc Lan từ Sài Gòn ra. Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh và sư Phước Thanh, trong bộ đồ vàng, nâu sồng nhà chùa, tay cầm quạt thong thả đi chào từng vị khách.

Trong vườn Thư pháp không có ghế ngồi chỉ có đá và chiếu hoa trải quanh vườn. Mỗi chiếu hoa là một nhóm bạn tâm tình, tôi gặp ở đây đủ cả những gương mặt thơ Huế thân quen: Văn Hữu Tứ, Phan Chi, Nguyệt Đình, Hà Khánh Linh, Đức Hiển, Lương Hà, Trần Kim Hồ, Ngô Minh, Linh Trai... Đôi mắt nào cũng vắng bóng sự cập rập đời thường, chỉ còn lại sự nồng ấm bạn bè:
Đúng là:
            “Biển sâu ngựa chạy bon bon     
            Thảnh thơi vô ngại đầu non thuyền chèo”

Tất cả thi sĩ Huế và tao nhân mặc khách ba miền hình như đều đắm mình trong cõi thiền:
            “Ôi ngạc nhiên bao lần
            Ngôn ngữ lạc miền hoang sơ
            Từ vô ngôn đến bây giờ
            Từ bây giờ đến bến bờ vô ngôn”

Mấy nữ sĩ đứng bên bức thư pháp gật gù tâm đắc với nhau:
            “Chữ chẳng là mây thăm phố chợ
            Dạo non xanh hương khói lơ thơ hòa khí bút”.

Giống như ở nơi non xanh này, trong không khí thoát tục này các nữ thi sĩ gặp lại chính mình: Sự thảnh thơi lang thang cùng nàng thơ.
            “Thơ lác đác dạo miền thơ cỏ ấy
            Gặp lại mình trên mỗi dấu vô vi”.

Đến giờ hẹn, du khách tập trung hết về ngôi nhà thư pháp bên bờ hồ. Hương trầm ngào ngạt khói xanh bay ra từ những lư trầm để trên bàn. Thì ra Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và chùa Huyền Không, nhân Festival Huế tổ chức một chiều “Nhàn đàm” thơ vọng cảnh chùa của các nhà thơ xưa”. Hèn chi có sự hội ngộ này.

Thư pháp ở chùa Huyền Không - Ảnh: khamphahue.com.vn


Trong hương trầm, một nhà sư tìm những bạn thơ của chùa, để tặng tập sách mang tên: “Tông thừa tụng” của 160 nhà sư đã làm thơ tả cảnh chùa. Tác giả các bài thơ trong tập sách này, toàn những người nổi tiếng: “Thiền sư Bồn Tịnh”, “Thiền sư Đạo Ngộ”, “Thiền sư Huệ Tịch Ngưỡng Sơn”...
Tôi giở một trang bất kỳ, gặp bài thơ của Thiền sư Huệ Phương:
            “Chẳng động mảy lông ngoài
            Lòng trong không hình bóng
            Suốt ba đời rong chơi
            Mười phương toàn giác mạn”.

Cứ đọc thơ cũng đủ thấy người đã ngộ ra cảnh đời và thoát tục, không còn lo nghĩ gì, đã trở về với miền giác ngộ.
Sau lời đề dẫn của Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, bắt đầu vào cuộc “nhàn đàm”. Ai thích gì nói nấy, chủ đề tập trung vào cảnh chùa. Người tìm một bài thơ mình thích rồi bình, người dãi bày cái tâm của mình đã lang thang rồi gặp tâm Phật, từ đấy, thấy cái triết lý của nhà chùa thật cao siêu. Cố gắng thoát năm căn, để tìm về nơi thảnh thơi.

Tôi tâm đắc với tâm trạng này:
            “Có thì có tự mảy may
            Không thì cả thế giới này cũng không
            Vầng trăng vằng vặc bên song
            Có chi có có không không mơ màng”.

Ý thức thiền, ở một phương diện nào đó cũng chung chữ nhàn với đời. Chữ “Nhàn” của chữ Nho, triết tự ra gồm chữ Môn và chữ Nguyệt, ý nói thảnh thơi, nhìn trăng qua cửa sổ, đó là nội hàm của chữ Nhàn.
Giống như Nguyễn Khuyến ngày nào đi thăm chùa, sự gặp gỡ này, ông đã trải lòng, bằng một câu thơ đằm thắm:
            “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đó
            Sư phụ nằm chung với khói mây”

Giáo lý của nhà chùa được người đời tán thưởng, đi theo, vì đã đi đúng với lòng người:
            “Cú pháp do tâm dẫn đầu
            Tâm chủ, tâm tạo bắc cầu đưa duyên
            Nói làm với tâm tốt hiền
            Như hình với bóng vui liền theo sau”.

Phật dễ hiểu khi 80 phần trăm dân Việt Nam đã theo đạo Phật. Sự hiến dâng xương máu cho cách mạng phật tử chiếm hàng đầu. Đạo Phật là nơi trú ngụ tin cậy của người Việt vậy. Ai cũng muốn tìm đến cõi Niết Bàn, điều đó không xa, thật gần bởi “Tâm người là tâm Phật”. Phật không xa xôi, mà ở tại lòng mình.
Càng về chiều, chùa Huyền Không Sơn Thượng càng đông khách. Các chiếu trải trong vườn thư pháp không hở một chỗ ngồi nào.

Có người hỏi: Tại sao Huyền Không Sơn Thượng heo hút thế mà lại thu hút được khách đông thế? Tôi lấy một câu thơ trong vườn thư pháp để trả lời:
            “Chợt phong vân ghé mái chùa
            Cỏ hoa ý đạo duyên xưa tầm lòng”

Trời đêm xuống từ từ. Khi đôi cánh đêm đen đã phủ lên rừng núi, chợt 500 ngọn đèn và 1000 ngọn nến chùa Huyền Không Sơn Thượng bừng sáng. Giống như ngày nối sang ngày, ở đây không còn đêm nữa. Rất giống lời trong trang thư pháp treo:
            “Chừ đi bảy dặm một hàng
            Lời như cát bụi lang thang đất này”.

Đến lúc phải chia tay, những bàn tay nắm lấy bàn tay, hò hẹn: “Chúng mình sẽ trở về với Huyền Không Sơn Thượng nhé”.
Chiều Huyền Không, một chiều rất thương, rất nhớ. Giống như câu thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh: “Ta cúi nhặt dấu chân trên cỏ” vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày