GN - Có những chú chim được thả đi và bắt lại nhiều lần nên không còn sức bay nữa. Như các đồng loại đáng thương của mình, nó nằm đó và chờ bị bắt lại, để rồi lại được bán cho những người tới mua để phóng sinh...
Muôn kiểu đánh bắt chim
Những ngày đầu năm, nhất là rằm tháng Giêng, đi dạo quanh các chùa Phổ Quang, Giác Lâm (Q.Tân Bình), Vĩnh Nghiêm (Q.3), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), Phật Cô Đơn (Q.Bình Chánh), Ngọc Hoàng (Q.1)... trên địa bàn thành phố dễ bắt gặp cảnh người bán, người mua chim phóng sinh rất sôi động.
Để có được chim cung cấp cho các chủ bán hàng, người bắt chim đã không từ một phương thức nào để bắt được chúng như dùng keo, bẫy lồng, bẫy lưới, nhiều con sau khi bị bắt đi bắt lại nhiều lần quá đuối sức và chết đi sau khi phóng sinh hoặc có lúc chết trước khi được phóng sinh.
Bẫy chim bán cho Phật tử phóng sinh
Theo một người bạn nuôi chim chia sẻ, để bắt chim phóng sinh, bây giờ người ta hay dùng nhất là bẫy lồng và bẫy lưới để đánh bắt. Chim được bắt ngay trong khuôn viên các chùa, còn ngay sát các chùa có nhiều cây to thì người bắt đặt bẫy bắt lại những con chim sau khi được phóng sinh.
Dẫn tôi lân la mấy quán café vỉa hè dưới các tán cây mà dân bẫy chim hay đặt bẫy lồng trên những cây xanh được trồng dọc tuyến đường Hoàng Sa bên kênh Nhiêu Lộc (Q.1), anh Trinh, ngụ phường Tân Định, Q.1 cho biết, trên dọc tuyến kênh này có ông B., ngụ phường Tân Định, Q.1 chuyên đặt bẫy lồng bắt chim bán cho các chủ vựa chim tại Lăng Ông Bà Chiểu (gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh). Trung bình mỗi ngày ông B. đặt gần 200 chiếc lồng.
Mồi bẫy bắt chim cũng khá đơn giản, chỉ cần cơm nguội, thóc hay gạo, bánh mì khô được đặt vào các khay nhựa trong các bẫy lồng với một con chim mồi trong đó. Với mỗi lồng có thể một ngày được một hai con, 200 lồng thấp nhất cũng phải được 200-300 con. Số chim này bán sỉ cho các chủ vựa 5.000 đồng/con, bắt được bao nhiêu có người tới tận nơi thu. Đặc biệt vào các ngày lễ, Tết nhu cầu mua chim của người dân nhiều, có ngày ông thu vài triệu đồng.
Có cung sẽ có cầu
Trong vai người đi mua và cần đặt một số lượng chim lớn để chuẩn bị cho gia đình phóng sinh ngày rằm, chúng tôi gặp chị Nga, người có thâm niên chuyên bán chim phóng sinh cho người đi lễ tại Lăng Ông Bà Chiểu gần 10 năm nay để đặt hàng.
Qua trao đổi giá cả, chị Nga cho biết, vào dịp đầu năm này, nhu cầu của người dân đi lễ mua chim rất nhiều nên giá 10.000 đồng/con, còn vào ngày thường thì 7.000-8.000 đồng/con, muốn mua bao nhiêu cũng có, nếu đặt nhiều sẽ có người mang tới tận nơi, chỉ cần cho số điện thoại để liên hệ.
Chim phóng sinh bi hành hạ trong lồng
Sau một hồi dạo quanh Lăng Ông Bà Chiểu, chúng tôi nhận thấy có khoảng gần 10 người bán chim phóng sinh tại đây, chủ yếu là chim sẻ và chim nhạn. Trong những chiếc lồng chật hẹp có con thì gãy cánh, con một chân, con mù mắt, con gần trụi hết lông và những con lờ đờ yếu đuối không thể đứng nổi…
Khi có khách hàng, người bán sẵn sàng thò tay vào nắm đầu cả đám chim lôi ra ngoài và đếm đếm, tính tiền, mặc cho lũ chim hoảng loạn và đầy đau đớn vì bị bóp nghẹt. Những con chim khi bẫy song được nhốt chung vô lồng có những con bị thương hoặc chết do giẫm đạp nhau trong lồng sắt, người ta liền quăng vào góc chân cầu thang ở lăng, chùa.
Một người bán vé số gần Lăng Ông Bà Chiểu cho biết, người bán chim thường làm vậy (hành hạ lũ chim) để khi được phóng sinh, chim không thể bay xa, hoặc không cất nổi cánh. Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này lại bắt lại những con chim đã yếu không bay nổi nhốt vào lồng để bán cho khách khác.
Chim thả ra khỏi lồng đã chết vì kiệt sức
Phóng sinh động vật từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là hành động đầy tính nhân văn trong các ngày lễ, rằm của Phật giáo đối với những người Phật tử. Thế nhưng việc mua bán chim, bắt chim nhiều lần, hành hạ chim khiến cho những nét đẹp ấy đã không còn giữ nguyên được những giá trị ban đầu. Sự biến tướng đó trở thành một công nghệ để kiếm tiền của người bắt và người kinh doanh chim phóng sinh.