Cho con một mái ấm

Nhân Ngày Gia đình VN (28-6), người viết đề cập đến chuyện “Con thương-Con ghét” và những hệ lụy của nó như một điển hình để mỗi người trong gia đình cần nhìn lại chính mình, thức tỉnh và soi sáng cho nhau nhằm thiết lập một mái ấm hạnh phúc.

wwwgdinh.jpg

Gia đình - Ảnh minh họa

Con thương - Con ghét

Nhà có hai cô con gái tuổi xấp xỉ nhau. Cha mất sớm, người mẹ trải qua nhiều năm tháng khó khăn vất vả để nuôi hai chị em ăn học thành tài. Cả hai lớn lên đều thông minh, xinh đẹp.
Với hai cô con gái, người mẹ đã thể hiện cách cư xử khác nhau với chúng ngay khi còn nhỏ. Đây cũng là mầm mống cho sự rạn nứt, xung đột trong con cái về sau. Cô chị là người có năng lực giỏi giang nhưng hiền lành, sống hướng nội, ít chú ý đến đời sống vật chất. Còn cô em luôn được mẹ cưng chìu nên sẵn tính ương bướng, dễ nóng nảy, luôn lấn át chị.


Khi lớn lên, cô em luôn giành quyền quyết định mọi việc trong nhà. Từ mua sắm lớn nhỏ trong nhà đều do cô em chọn lựa, định đoạt. Và mặc nhiên, cô em ngày càng lớn tiếng gắt gỏng với chị mỗi khi gặp chuyện không vừa ý. Thậm chí, được hậu thuẫn của mẹ, cô em càng lộng hành can thiệp sâu đến tình cảm riêng tư của chị bằng lối cư xử thiếu nhã nhặn, kém tôn trọng. Chỉ vì mẹ và em cùng không đồng tình việc cô chị kết thân với một chàng nhà nghèo, đông anh em.
Sau sự kiện ấy, cô chị càng thu mình vào thế giới riêng, ít trò chuyện với mẹ và càng ít trao đổi cùng em gái. Rồi tự bao giờ cô chị trở thành chiếc bóng, sống lặng lẽ bên mẹ và em. Với tâm hồn nhạy cảm, cô chị như càng nhận ra sự thiên vị rõ rệt trong đối xử của mẹ dành cho hai chị em, khiến cô mặc cảm như người thừa trong nhà. Dần dần, tuy cùng một nhà nhưng cô chị tách hẳn khỏi sự thân cận gia đình, lầm lì ít nói hơn và hàng đêm chỉ còn biết tìm đến bạn bè.
Từ cô gái ngoan hiền, cô chị trở thành thành viên nổi trội đắc lực nhất trong các cuộc vui thâu đêm của nhóm. Phong cách sống của cô chị dần thay đổi. Trong mắt của gia đình, cô chị bỗng trở thành đứa con gái trắc nết, ham vui nhưng dường như cô cũng không còn muốn quan tâm đến những thành kiến xung quanh. Cô chị muốn phản kháng lại gia đình bằng thái độ hờ hững và im lặng, trốn tránh tất cả việc nhà, suốt ngày nhốt mình ở phòng riêng để giấu đi nỗi thất vọng về mối tình không thành. Thời gian sau, cô chị hầu như ở bên ngoài gia đình nhiều hơn ở nhà, khiến cho mẹ cô và em càng có lý do phàn nàn và trách mắng.


Bầu không khí nặng nề càng làm tăng khoảng cách gia đình khi mẹ không thèm đoái hoài gì đến, mặc cô chị đi về sớm khuya. Cô em thì tha hồ “chỉnh sửa” chị mà mẹ không hề lên tiếng nhắc nhở. Ngày giỗ bố, cô em hào phóng chi phí đắt đỏ cho lễ giỗ nhưng buộc chị làm theo mọi tính toán, sắp bày tùy tiện của mình. Khi yêu cầu không được chị đáp ứng làm chị em phát sinh mâu thuẫn.

Nhìn cuộc sống dư dả vật chất của ba mẹ con mà thấy tiếc và xót xa. Ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi nhưng không có chút hơi ấm của gia đình, hiếm hoi những tiếng cười hạnh phúc. Phải chăng chính cách cư xử “con thương-con ghét” của người mẹ đã góp phần đẩy cô em đến lối sống ích kỷ, luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, và cô chị vốn nhu mì, khéo nấu nướng trước đây trở nên sa đà vào những cuộc vui vô bổ, sống bất cần bên những tiệc nhậu thâu đêm như một cách trốn tránh nỗi niềm cô đơn thăm thẳm.

“Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”


Giờ đây cô chị không còn đủ niềm tin, luôn bất mãn nghi ngờ với mọi người, để ngoài 30 rồi mà không màng cả việc lập gia đình. Ngoài giờ làm ở công ty, thời gian còn lại cô dành cả cho bạn bè. Bạn bè là nguồn vui sống hiện tại của cô, là nơi để cô trút bỏ bao ẩn ức bực dọc mà chỉ có bạn bè cô hiểu thấu. Cô chị luôn rời khỏi nhà và sẵn sàng giúp đỡ, chi tiêu rộng rãi khi bạn bè cần đến. Những điều mà mẹ cùng đứa em gái ngang ngạnh chẳng bao giờ hiểu được, họ chỉ biết quy kết cô chị vào tội “hư thân”, “khôn nhà dại chợ”… Lẽ dĩ nhiên người mẹ và cô em chẳng bao giờ hiểu hết được nguyên nhân. Bởi ở nơi đó, bên những cuộc vui vô bổ ấy, gia đình không hề biết rằng vẫn còn có tiếng nói ủi an, sẻ chia của bè bạn; vẫn còn sự lắng nghe chân thành trước những trắc ẩn của cuộc tình duyên trắc trở. Mẹ và cô em đâu biết rằng nơi đó chính là điểm tựa mà gia đình từ lâu đã không còn hơi ấm để cô chị mong muốn được trở về.


Nhìn đời sống mất định hướng và nỗi tổn thương quá lớn trong tâm hồn của cô chị, ai cũng chạnh lòng. Mọi việc bắt đầu từ sự thiếu vắng tình thân, cảm thông và chia sẻ của gia đình. Phải chi người mẹ ấy bớt đi sự thiên vị trong ứng xử? Phải chi cô em biết kiềm chế, tránh làm tổn thương chị thì đã không có những hệ lụy này? Phải chi, cô chị mạnh mẽ hơn để tìm một giải pháp tích cực thay vì tìm quên trong men rượu?


Vẫn biết đó là duyên nghiệp của cả gia đình. Nhưng nếu mỗi người đều biết tỉnh thức thì có thể chuyển hóa, làm lại từ đầu. Hơn ai hết, việc gắn kết gia đình, quan tâm giáo dục con cái đúng mức vẫn là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Hiểu và thương sẽ là chất liệu gắn kết mọi thành viên lại với nhau, giúp gia đình thành chốn bình yên để trở về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày