Chú Ðại bi và kinh Từ bi

NSGN - Trong cả hai truyền thống Phật giáo Nam và Bắc truyền đều có Đại tạng kinh, cất giữ những lời Phật dạy và những lời các Thánh đệ tử giảng giải làm kim chỉ nam cho đời sống tu tập hướng đến giác ngộ giải thoát.

Bên cạnh đó, có những bản kinh được đem ra trì tụng hàng ngày, gọi là kinh nhật tụng, và phần lớn những bản kinh này đều có tính chất parittam, tức những hộ chú, là những lời cầu nguyện, nhằm tạo thêm năng lượng được bảo bọc, che chở, hộ trì của Tam bảo, khiến cho hành giả an tâm tu trì. Trong những bài kinh ấy, chú Đại bi, trong truyền thống Bắc truyền và kinh Từ bi, trong truyền thống Nam truyền được hầu hết các Phật tử thuộc lòng và trì tụng hàng ngày như là cách thực tập mở rộng tâm từ bi, đồng thời cầu mong có được cuộc sống như ý muốn. Chúng tôi xin giới thiệu hai bản kinh này để bạn đọc đối chiếu và so sánh phương pháp thực tập rải tâm từ bi giữa hai truyền thống Phật giáo.

img_1482.jpg

Chú Đại bi

1- Duyên khởi

Một thời, Đức Thích Tôn ngự tại núi Potalaka, nơi cung điện của Bồ-tát Quán Thế Âm cùng với Đại chúng Bồ-tát, Thanh văn, Trời, Người. Bấy giờ, Bồ-tát Quán Thế Âm bạch Thế Tôn rằng: “Con có Đại bi tâm chú và bây giờ muốn tuyên thuyết, hầu khiến cho các chúng sinh được an lạc, tiêu trừ tất cả bệnh, được trường thọ và nhiều sự lợi ích; diệt trừ hết thảy nghiệp ác trọng tội, lìa khỏi chướng nạn, trong tất cả pháp được thanh tịnh và các công đức đều tăng trưởng; thành tựu hết thảy mọi căn lành, xa lìa tất cả những việc sợ hãi, và mau chóng thành tựu đầy đủ tất cả các điều mong cầu. Kính mong Thế Tôn từ mẫn hứa khả”1.

Được Đức Thích Tôn hứa khả, Bồ-tát Quán Thế Âm cho biết, vô lượng ức kiếp thuở quá khứ, có Đức Phật xuất hiện ở thế gian hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai, vì thương xót tất cả các chúng sinh, vì muốn cho họ an vui và được sự lợi ích lớn nên đã tuyên thuyết Quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi tâm tổng trì. Vừa nghe qua tâm chú này, Bồ-tát Quán Thế Âm từ ngôi Sơ địa đã siêu vượt lên ngôi Bát địa. Từ đó về sau, ở vô lượng đạo tràng và trong vô lượng pháp hội của chư Phật, Bồ-tát lại có thể nghe và đích thân thọ trì thần chú này, tâm sinh thêm hoan hỷ, hớn hở vô cùng và được siêu việt vô số ức kiếp sinh tử vi tế. Từ đó đến nay, Bồ-tát thường trì tụng, chưa từng xao lãng, vì mục đích cứu khổ cứu nạn chúng sinh.

2- Phát nguyện

Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ dạy những ai muốn thọ trì thần chú Đại bi, trước hết phải nên phát nguyện. Nguyện nhanh chóng biết tất cả pháp, nguyện sớm mở mắt trí tuệ, nguyện nhanh chóng độ các chúng sinh, nguyện sớm được phương tiện lành, nguyện mau chóng ngồi thuyền trí tuệ, nguyện sớm vượt ra biển khổ, nguyện nhanh đắc Giới định đạo, nguyện sớm lên núi tịch diệt, nguyện nhanh vào nhà vô ngã, nguyện sớm đồng thân Pháp tính.

Đặt biệt, với tình thương rộng lớn sẵn có nơi tự tính lại được trang bị bởi Đại bi tâm đà-la-ni, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín nam, Thanh tín nữ, đồng nam, hay đồng nữ hãy nên phát nguyện dấn thân:

"Nếu con đi vào núi đao, núi đao tự gãy nát,

Nếu con đi vào dầu sôi, dầu sôi tự khô cạn,

Nếu con đi vào địa ngục, địa ngục tự tiêu tan,

Nếu con đi vào ngạ quỷ, ngạ quỷ tự no đủ,

Nếu con vào cõi Tu-la, ác tâm tự điều phục.

Nếu con đi vào bàng sinh, tự đắc đại trí tuệ".2

Rõ ràng, thần chú Đại bi thật sự có năng lực thúc đẩy hay nâng đỡ chúng sinh vượt lên trên chính mình, thoát khỏi sự kìm hãm, trói buộc bởi cái tôi nhỏ bé, tầm thường để vươn lên thành tựu chúng sinh với đại nguyện dấn thân đầy đại hùng, đại lực, đại từ bi! Lời phát nguyện ấy đủ làm đại địa rung động, cung ma nghiêng đổ, tà kiến bị xô lệch.

3- Lợi ích

Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi tâm đà-la-ni3, những ai trì tụng thần chú này sẽ được 15 điều sinh tốt và thoát khỏi 15 điều chết xấu.

Mười lăm điều sinh tốt là: 1. Sinh ra ở quốc độ nào cũng gặp được những người lãnh đạo quốc gia tốt, 2. Thường sinh ở những quốc gia văn minh, 3. Sinh ra gặp thời đại tốt, 4. Thường gặp bạn lành, 5. Các căn đầy đủ, 6. Đạo tâm thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Quyến thuộc có ân nghĩa và hòa thuận, 9. Tài vật ẩm thực luôn phong phú, 10. Luôn được người khác cung kính trợ giúp, 11. Tài bảo của họ chẳng bị người cướp đoạt, 12. Mọi sự cầu mong đều được toại ý, 13. Trời rồng thiện thần thường hộ vệ, 14. Mọi nơi sinh ra đều thấy Phật nghe Pháp, 15. Khi nghe Chánh pháp liền liễu ngộ nghĩa thú thâm sâu.

Mười lăm điều chết xấu là: 1. Chết do đói khát khốn khổ, 2. Chết do đánh đập lao tù, 3. Chết do oan gia kẻ thù, 4. Chết do quân trận tương tàn, 5. Chết do hổ sói thú dữ, 6. Chết do rắn độc bọ cạp, 7. Chết do nước dìm lửa đốt, 8. Chết do trúng phải thuốc độc, 9. Chết do trúng ngải làm hại, 10. Chết do điên cuồng loạn trí, 11. Chết do núi lở cây ngã, 12. Chết do ác nhân trù ếm, 13. Chết do tà thần ác quỷ, 14. Chết do ác bệnh ngặt nghèo, 15. Chết do tự sát tự tử. Những ai trì tụng thần chú Đại bi thì chắc chắn thoát khỏi 15 loại chết xấu này.

Theo kinh Thiên thủ thiên tí Quán Thế Âm Bồ-tát đà-la-ni thần chú4, quyển thượng, nếu ai trì tụng chú này 108 biến thì mọi phiền não, tội chướng, ngay cả trọng tội ngũ nghịch, cũng đều được tiêu trừ, được thân khẩu y thanh tịnh.

4- Bản thể của thần chú

Đại bi tâm đà-la-ni nghĩa là thần chú của tâm đại bi, tâm thương yêu lớn. Bồ-tát Quán Thế Âm khẳng định “Đây là tâm đại từ bi, tâm bình đẳng, tâm vô ngã, tâm không nhiễm trước, tâm quán không, tâm cung kính, tâm khiêm tốn, tâm không tạp loạn, tâm không chấp trước bởi cái thấy, và tâm hướng về Đạo vô thượng”.5

Kinh Từ bi

1- Duyên khởi

Vào lúc mùa mưa sắp đến, có một nhóm 500 Tỳ-kheo sau khi được Đức Phật ban dạy những đề mục hành thiền, họ ra đi tìm nơi thích hợp để thực hành. Trong cuộc đi bất định ấy các ngài đến một khu rừng vắng vẻ yên tĩnh và quyết định ở lại đó hành thiền nhằm mục tiêu giải thoát.

Các vị thọ thần sống trên cây cảm thấy bất tiện nên tìm cách làm cho chư Tỳ-kheo không còn ở được và phải ra đi. Đêm đêm các vị thọ thần làm đủ cách để quấy phá không cho chư Tăng ở yên hành thiền. Họ đã biến hóa ra những hình ảnh ghê sợ, những âm thanh rùng rợn và các mùi hôi thối để làm nản lòng các thầy.

Chư vị Tỳ-kheo thấy khó mà an trụ tâm trong tình trạng như vậy nên trở về chùa bạch lại sự việc với Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy chư Tăng bài kinh Metta Sutta (kinh Từ bi) và khuyên các vị này trở lại ngay địa điểm trước rồi cùng đọc lên bài kinh này khi vào rừng. Chư Tăng làm theo lời dạy.

2- Lợi ích

Khi chư vị Tỳ-kheo thực tập trì tụng kinh Từ bi, những tư tưởng từ ái an lành được ban rải ra, thấm nhuần bầu không khí trong toàn khu rừng. Các vị thọ thần ở khắp nơi trong rừng nghe kinh cảm thấy thanh bình an lạc, phát tâm kỉnh mộ chư Tăng, và kể từ đó thay vì quấy nhiễu làm trở ngại, đã tận tình hộ trì và nâng đỡ chư Tăng.

Trong thời gian ba tháng an cư kiết hạ, tất cả chư vị Tỳ-kheo trong nhóm đều chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Bài kinh Metta Sutta này vừa có tính cách bảo hộ, vừa là một đề mục hành thiền. Phần đầu bài kinh mô tả những phẩm hạnh mà người mong tìm tình trạng an lành cho mình cần nên trau giồi, và phần sau là phương pháp thực hành tâm từ, được giải thích cặn kẽ.6

3- Nội dung

Nội dung kinh Từ bi được ghi chép trong kinh Tập (Sutta Nipata, 143-152) của Tiểu bộ kinh, được nhiều bậc tôn túc như Hòa thượng Tâm Châu, Hòa thượng Minh Châu… dịch ra tiếng Việt. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu kinh văn này trong nghi thức tụng niệm của Phật giáo Nguyên thủy:

Hiền nhân cầu an lạc
Nên huân tu pháp lành
Có nghị lực chơn chất
Ngay thẳng và nhu thuận
Hiền hòa không kiêu mạn
Sống dễ dàng tri túc
Thanh đạm không rộn ràng

Lục căn luôn trong sáng
Trí tuệ càng hiển minh
Tự trọng không ái luyến
Theo quyến thuộc thân bằng
Không làm việc ác nhỏ
Mà bậc trí hiền chê
Nguyện thái bình an lạc
Nguyện tất cả sinh linh
Tràn đầy muôn hạnh phúc

Với muôn loài chúng sinh
Không phân phàm hay thánh
Lớn nhỏ hoặc trung bình
Thấp cao hay dài ngắn
Tế thô không đồng đẳng
Hữu hình hoặc vô hình
Ðã sinh hoặc chưa sinh
Gần xa không kể xiết
Nguyện tất cả sinh linh
Tràn đầy muôn hạnh phúc

Ðừng làm hại lẫn nhau
Chớ khinh rẻ người nào
Ở bất cứ nơi đâu
Ðừng vì niệm sân si
Hoặc hiềm hận trong lòng
Mà mong người đau khổ
Hãy mở rộng tình thương
Hy sinh như từ mẫu
Suốt đời lo che chở
Ðứa con một của mình
Hãy phát tâm vô lượng
Ðến tất cả sinh linh
Từ bi gieo cùng khắp
Cả thế gian khổ hải
Trên dưới và quanh mình
Không hẹp hòi oan trái
Không hờn giận căm thù

Khi đi đứng ngồi nằm
Bao giờ còn tỉnh thức
An trú chánh niệm này
Phạm hạnh chính là đây
Ai từ bỏ kiến chấp
Khéo nghiêm trì giới hạnh
Thành tựu được chánh trí
Không ái nhiễm dục trần
Không còn thai sinh nữa.

Nhận định

1- Nhận định chung

Trong truyền thống Phật giáo Nam truyền, chư vị tôn túc xưa đã cẩn trọng lựa chọn ra những bản kinh và xếp vào các loại kinh bảo hộ, trong đó có những kinh quan trọng được gọi là Minh hộ kinh, hoặc Hộ chú (Paritta sutta). Những Paritta sutta này được khuyến khích chư Tăng học thuộc lòng để tụng niệm hồi hướng công đức cho thí chủ khi họ có hữu sự, hoặc thực hiện trong các nghi lễ cầu nguyện cho đất nước thoát khỏi tình trạng bệnh dịch, mất mùa, đói khát, thiên tai, chiến tranh... Một số Minh hộ kinh (Paritta sutta) được các Phật tử tụng niệm hàng ngày nhằm chống lại những hiểm nguy và tai họa, dù chúng tự nhiên hay siêu nhiên, bất ngờ xảy ra trong cuộc sống.

Cùng ý nghĩa đó, Phật giáo Bắc truyền cũng có những bản kinh mang tính chất bảo hộ như thế và thường đi chung với những bài thần chú, như kinh Dược sư có Dược sư quán đảnh chơn ngôn, Vô lượng thọ có Vãng sinh quyết định chơn ngôn…

Khác biệt rõ nhất giữa hai truyền thống là những bản kinh Hộ chú của Phật giáo Nam truyền đều được dịch ra Quốc ngữ của mỗi nước và ai cũng hiểu được ý nghĩa của nó, trong khi các thần chú của Phật giáo Bắc truyền chỉ được phiên âm từ Phạn ngữ ra Quốc ngữ của mỗi quốc gia và hầu hết không ai hiểu được ý nghĩa bản kinh nói gì.

Một điểm chung giữa hai truyền thống là mỗi Hộ chú (Paritta sutta) hay Thần chú, Chơn ngôn có một công năng đặc trưng. Chẳng hạn chú Vãng sinh nhằm bạt trừ hết thảy nghiệp chướng, trọng tội để được sinh về cảnh giới an lành. Hộ chú Angulimala paritta phải được tụng trong trường hợp sinh khó7. Chú Tiêu tai cát tường nhằm tiêu diệt mọi tai nạn, đem đến an lành. Hộ chú Khandha paritta8 đề phòng việc rắn cắn và nhiễm độc…

2- Nhận định về chú Đại bi và kinh Từ bi

Thần chú Đại bi tâm, Mahākāruṇikacitta-dhāraṇī, tức thần chú của tâm đại bi vô ngại, hay đơn giản là thần chú của tình thương lớn. Một thứ tình thương lớn đến nỗi, nếu chỉ có đôi tay bé nhỏ thì không làm sao che chở, nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt chúng sinh đang bị gông cùm, xiềng xích trong vũng lầy tăm tối vô minh sinh tử luân hồi kia cho hết được, nên cần phải có ngàn tay, hay nhiều ngàn tay mới khả dĩ độ tận chúng sinh, đem đến an vui hạnh phúc; nếu chỉ có đôi mắt nhỏ bé thì không làm sao có thể nhìn thấy, nhìn rõ, nhìn khắp mọi ngõ ngách lầm than, cơ cực, khổ đau của chúng sinh đang bị trôi lăn trong đêm dài tăm tối sinh tử cho hết được, nên cần phải có ngàn mắt, hay nhiều lần ngàn mắt mới khả dĩ thấy hết nỗi khổ của chúng sinh. Do đó, thần chú Đại bi còn có tên là Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm đại bi tâm đà-la-ni, Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát đại thần chú. Đó là thần chú căn bản biểu hiện công đức nội chứng của Bồ-tát Quán Thế Âm, thần chú làm phương tiện thi thiết tâm từ bi rộng lớn, tròn đầy, không chướng ngại khi đi vào đời làm lợi lạc chúng hữu tình.

Kinh Từ bi cũng được xem như thần chú bảo hộ (paritta), là phương pháp tu tập phát triển tâm từ bi. Điều này cho thấy, để bảo hộ bản thân mình trước những hiểm nguy, người con Phật chỉ dùng một thứ ‘vũ khí’ duy nhất là TÂM TỪ BI. Khi tâm từ biến mãn mười phương thì không gì có thể làm tổn hại mình được. Các Tỳ-kheo trải qua mùa an cư bình an và đều chứng quả Thánh nơi khu rừng đã từng bị ma quỷ, ly mị, vọng lượng ám hại nhờ thực tập rải tâm từ bi theo chỉ dẫn của Đức Thế Tôn trong kinh Từ bi là một minh chứng sống động vậy.

Cho nên, nếu tụng thần chú, dù là thần chú Đại bi, hay kinh Từ bi mà tâm của mình không có một chút tình thương đối với đồng loại, không từ niệm đối với chúng sinh thì thần chú không thể phát huy sức mạnh nhiệm mầu, không thể làm cho mình tai qua nạn khỏi, không thể bảo hộ mình trước những hiểm nguy, ách nạn...

Một điều đáng chú ý nữa là, khi tu tập phát triển tâm từ bi, hướng tâm đến các loài chúng sinh để ban rải tình thương hay cầu nguyện, thì tình thương ấy, lời cầu nguyện ấy phải là tình thương chân thật, lời cầu nguyện trên nền tảng của sự thật, phát sinh từ chân tâm: “Đây là tâm đại từ bi, tâm bình đẳng, tâm vô ngã, tâm không nhiễm trước, tâm quán không, tâm cung kính, tâm khiêm tốn, tâm không tạp loạn, tâm không chấp trước bởi cái thấy, và tâm hướng về Đạo vô thượng.” Mở đầu các bản kinh Hộ chú cũng ghi: “Như lời chân thật này/ Đại sư Vô thượng dạy”. Như vậy, bản chất của thần chú là chân ngôn. Chân ngôn là lời nói chân thật, không hư dối, là phương tiện để diễn đạt chân lý. Một thứ chân lý “từ bi diệt hận thù/ là định luật ngàn thu”9.

Đọc tụng thần chú hàng ngày là cách sống nương tựa vào chân lý, sống với sự thật. Chẳng hạn khi mình đọc tụng chú Đại bi mở đầu bằng câu “Đại bi tâm đà-la-ni”, thì có nghĩa là con xin “duy trì, giữ gìn cái tâm tràn đầy yêu thương,” tức là tập sống, dù “Ở bất cứ nơi đâu/ Ðừng vì niệm sân si/ Hoặc hiềm hận trong lòng/ Mà mong người đau khổ/ Hãy mở rộng tình thương/ Hy sinh như từ mẫu/ Suốt đời lo che chở/ Ðứa con một của mình”.

Chính cách sống, cách tu tập này mà chúng ta bảo hộ được bản thân, gia đình và xã hội thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn; không những thoát khỏi sự tấn công các thế lực tà mị, ma quỷ, mà còn miễn nhiễm với mọi ô nhiễm của cuộc đời.

Nguyên Hùng

_______________

(1) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060, p.0106b18.
(2) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060, p.0106c14.
(3) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060. (4) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1057a.
(5) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060, p. 0108a11.
(6) Theo chú giải của Narada Maha Thera trong cuốn Đức Phật và Phật pháp.
(7) Trung bộ II, 103, và Trường bộ.
(8) Luật tạng Pāli, Vin II, 109-110.
(9) Pháp cú, kệ 225.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày