Chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức

Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh tư liệu
Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh tư liệu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 19-4-Quý Mão (6-6-2023), chư vị giáo phẩm đại diện GHPGVN đã đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Q.1, TP.HCM) thăm, đảnh lễ xá-lợi Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức nhân 60 năm ngày ngài vị pháp thiêu thân.

Phái đoàn do Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng dẫn đầu; cùng đi có Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự.

Bồ-tát Thích Quảng Đức lúc đang viết Lời nguyện tâm quyết, bày tỏ ý nguyện tự thiêu bảo tồn Chánh pháp và cầu nguyện hòa bình, chuyển hóa nhân tâm

Bồ-tát Thích Quảng Đức lúc đang viết Lời nguyện tâm quyết, bày tỏ ý nguyện tự thiêu bảo tồn Chánh pháp và cầu nguyện hòa bình, chuyển hóa nhân tâm

Tham dự phái đoàn còn có các vị giáo phẩm Phó Chủ Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Đào Như; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng II T.Ư và đại diện môn đồ pháp phái tổ đình Quán Thế Âm, di tích cuối cùng của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

Tiếp đón phái đoàn GHPGVN có bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên T.Ư Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo của Ngân hàng, Chi nhánh phía Nam.

Phát biểu trước khi vào lễ Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Đức Pháp chủ thay mặt GHPGVN bày tỏ niềm xúc động mỗi khi vào đây để đảnh lễ xá-lợi đặc biệt mà Bồ-tát Thích Quảng Đức đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử và đất nước Việt Nam.

Ngài cảm ơn bà Thống đốc và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm đặc biệt đối với xá-lợi Trái tim bất diệt của Bồ-tát; gửi lời tri ân lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giữ gìn một cách an toàn xá-lợi thiêng liêng trong thời gian qua.

Dịp này, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chia sẻ về hành trạng tu hành của Bồ-tát Thích Quảng Đức và nói thêm về năng lực tâm linh do sự tu tập mà có được, vượt lên mọi suy nghĩ và sự tác động thông thường của con người, thể hiện rõ nhất là sự an nhiên tĩnh tọa trong biển lửa của Bồ-tát Thích Quảng Đức 60 năm về trước.

Bồ-tát Thích Quảng Đức tự mình bật ngọn lửa vị pháp thiêu thân - Ảnh: Malcolm Browne/AP

Bồ-tát Thích Quảng Đức tự mình bật ngọn lửa vị pháp thiêu thân - Ảnh: Malcolm Browne/AP

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu, cũng bày tỏ sự xúc động vào ngày 19 tháng Tư âm lịch hàng năm, các vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN đều vào đảnh lễ xá-lợi Trái tim bất diệt của Bồ-tát mà Ngân hàng được vinh dự được giao trách nhiệm gìn giữ.

Chư vị giáo phẩm phái đoàn GHPGVN và lãnh đạo Ngân hàng trong lễ phục trang nghiêm, đã vào căn phòng đặc biệt tôn trí trang nghiêm, dâng hương, đảnh lễ, tụng Bát-nhã tâm kinh và Tứ hoằng thệ nguyện tưởng niệm vị Bồ-tát đã vị pháp thiêu thân trong phong trào tranh đấu bất bạo động phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 tại miền Nam Việt Nam.

Căn phòng lưu giữ xá-lợi Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức được dành một phòng riêng, thiết trí thành phòng thờ tôn nghiêm, có di ảnh và hộp chứa xá-lợi với dấu niêm phong, hai bên có câu đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng ngài.

(Do các quy định nghiêm ngặt của Ngân hàng, nên không thể chuyển hình ảnh tôn nghiêm này đến quý bạn đọc mà phải tạm mô tả như vậy).

Ngài vẫn an nhiên tĩnh tọa trong biển lửa - Ảnh tư liệu

Ngài vẫn an nhiên tĩnh tọa trong biển lửa - Ảnh tư liệu

Theo đó, mùa Phật đản năm Phật lịch 2507 (1963), trước tình trạng Tăng Ni, Phật tử bị bắt bớ, giam cầm, thân nhân của họ bị khủng bố, Phật giáo có nguy cơ tiêu vong, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã viết tâm thư phát nguyện được vị pháp thiêu thân.

Ngày 20-4-Quý Mão (1963), tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng của Sài Gòn lúc bấy giờ, nay là giao lộ Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), ngài đã an nhiên trong biển lửa.

Sự kiện tự thiêu của ngài để bảo vệ Chánh pháp và cầu nguyện hòa bình, qua truyền thông, lập tức đã gây chấn động thế giới, làm thay đổi cục diện ở Việt Nam sau đó.

Sau khoảng 15 phút an nhiên thiền định trong biển lửa, nhục thân của ngài đã được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ.

Tình trạng bắt bớ, giam cầm, đàn áp Tăng Ni, Phật tử năm 1963

Tình trạng bắt bớ, giam cầm, đàn áp Tăng Ni, Phật tử năm 1963

Nhục thân Bồ-tát đã được cung thỉnh về thiêu tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn), theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro, thì lạ lùng thay, quả tim vẫn còn.

Quả tim lại được đưa trở lại lò thiêu với ngọn lửa trên 4.000 độ, trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không cháy, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách huyền diệu, lạ thường.

Chư Tăng Ni, Phật tử và những người chứng kiến, thêm một lần nữa, kính lễ trong niềm xúc động không nói nên lời. Chư tôn đức trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã hội ý và quyết định cung thỉnh Trái tim bất diệt của Bồ-tát trở về chùa Xá Lợi để tôn thờ.

Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và chư tôn đức tưởng niệm, dự tang lễ Bồ-tát Thích Quảng Đức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) - Ảnh tư liệu

Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và chư tôn đức tưởng niệm, dự tang lễ Bồ-tát Thích Quảng Đức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) - Ảnh tư liệu

Qua bao gian nguy, Trái tim bất diệt của Bồ-tát vẫn được gìn giữ nơi tôn nghiêm ở chùa Xá Lợi, rồi tôn thờ tại Việt Nam Quốc Tự. Sau đó được gởi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn, và hiện nay cũng đang được bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh phía Nam theo văn bản bàn giao - ký gởi 11 giờ trưa ngày 26-4-1991.

Hàng năm, vào ngày trước ngày ngài vị pháp thiêu thân, chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN đã vào đây để đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức, vị Bồ-tát của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, biểu tượng cho phong trào tranh đấu bất bạo động của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam năm 1963 lịch sử.

Hiện nay, tại Việt Nam Quốc Tự, trung tâm hành chánh - văn hóa - tâm linh, trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, có tháp Đa Bảo - công trình kỷ niệm Pháp nạn 1963, tôn tạo tượng, thờ xá-lợi xương của Bồ-tát cùng các pháp bảo mà ngài hành trì lúc sinh tiền.

8 giờ ngày mai, 20 tháng Tư-Quý Mão (7-6-2023), đồng loạt tại Hà Nội, Huế và TP.HCM sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Riêng tại Việt Nam Quốc Tự - TP.HCM, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng chư vị giáo phẩm hai Hội đồng và Tăng Ni, Phật tử sẽ tham dự lễ tưởng niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày