Đức Pháp chủ GHPGVN đảnh lễ xá-lợi Bồ-tát Thích Quảng Đức

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng dâng trầm cúng dường trước xá-lợi xương và tượng thân tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng dâng trầm cúng dường trước xá-lợi xương và tượng thân tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 10 tháng Tư-Quý Mão (28-5-2023), Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN đã đến đảnh lễ xá-lợi Bồ-tát Thích Quảng Đức tại tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.

Dịp này, Đức Pháp chủ cũng đã đến Tượng đài Bồ-tát (ngã tư Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) dâng hương tưởng niệm.

Xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức tôn thờ tại tháp Đa Bảo

Xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức tôn thờ tại tháp Đa Bảo

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và chư Thượng tọa Phụ tá, Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM và Q.3 tháp tùng.

Tại tháp Đa Bảo và tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã thành kính dâng hương, trầm cúng dường, cùng đại chúng tụng Bát-nhã tâm kinh, Tứ hoằng thệ nguyện, truy tán công hạnh Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cho đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự, nơi hiện tôn thờ xá-lợi xương của Bồ-tát Thích Quảng Đức và bộ kinh Pháp hoa mà sinh thời ngài thường hành trì.

Tại không gian tôn thờ xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức tại bảo tháp Đa Bảo

Tại không gian tôn thờ xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức tại bảo tháp Đa Bảo

Pháp nạn Phật giáo 1963 bắt đầu ở Huế, với lệnh triệt hạ cờ Phật giáo - một biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo - vào đầu mùa Phật đản Phật lịch 2507 (1963), đỉnh điểm là vụ thảm sát 8 Phật tử trước Đài Phát thanh đúng tối ngày rằm tháng Tư năm Quý Mão (8-5-1963).

Ngay sau biến cố này, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp bất thường và kết quả là ra Bản Tuyên ngôn năm điểm đòi hỏi những quyền căn bản và tối thiểu của tín đồ Phật giáo. Tuyên ngôn được gởi đến Phủ Tổng thống họ Ngô. Từ đó, phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm lan rộng, rầm rộ ở Sài Gòn.

Hòa thượng trì tụng Tứ hoằng thệ nguyện

Hòa thượng trì tụng Tứ hoằng thệ nguyện

Chính phủ Ngô Đình Diệm càng ra tay đàn áp Tăng Ni Phật tử một cách nặng nề, phong trào càng lan rộng lớn, tỏ rõ quyết tâm bảo vệ Chánh pháp của Tăng Ni, Phật tử trong tinh thần vô úy, bất bạo động. Chùa chiền bị phong tỏa, nhiều vị tôn túc Tăng Ni, Phật tử bị bắt bớ, giam cầm, thân nhân của họ bị khủng bố…; nhiều cuộc biểu tình của giới Phật giáo ở Huế, Sài Gòn bị đàn áp dữ dội… Trước thế cuộc ngả nghiêng, Phật giáo có nguy cơ tiêu vong, Hòa thượng Thích Quảng Đức - Bồ-tát hóa thân đã âm thầm viết tâm thư phát nguyện được vị pháp thiêu thân.

Sự kiện tự thiêu của Ngài để bảo vệ Chánh pháp và cầu nguyện hòa bình, qua truyền thông, lập tức đã gây chấn động thế giới, làm thay đổi cục diện ở Việt Nam sau đó. Sau khoảng 15 phút an nhiên thiền định trong biển lửa, nhục thân của Ngài đã được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ.

Đức Pháp chủ GHPGVN trước không gian tôn thờ xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức trong bảo tháp Đa Bảo

Đức Pháp chủ GHPGVN trước không gian tôn thờ xá-lợi xương Bồ-tát Thích Quảng Đức trong bảo tháp Đa Bảo

Nhục thân Bồ-tát đã được cung thỉnh về thiêu tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn), theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro, thì lạ lùng thay, quả tim vẫn còn. Quả tim lại được đưa trở lại lò thiêu với ngọn lửa trên 4.000 độ, trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không cháy, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách huyền diệu, lạ thường. Chư Tăng Ni, Phật tử và những người chứng kiến, thêm một lần nữa, kính lễ trong niềm xúc động không nói nên lời. Chư tôn đức trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã hội ý và quyết định cung thỉnh Trái tim bất diệt của Bồ-tát trở về chùa Xá Lợi để tôn thờ.

Qua bao gian nguy, Trái tim bất diệt của Bồ-tát vẫn được gìn giữ nơi tôn nghiêm ở chùa Xá Lợi, rồi tôn thờ tại Việt Nam Quốc Tự. Sau đó được gởi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn, và hiện nay cũng đang được bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh phía Nam theo văn bản bàn giao - ký gởi 11 giờ trưa ngày 26-4-1991, từ đó đến nay được bảo quản trong tinh thần là bảo vật thiêng liêng không chỉ của Phật giáo mà của cả dân tộc.

Được biết, sắp tới đây, Đức Pháp chủ và phái đoàn chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN sẽ vào Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh phía Nam để đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức đang được bảo quản nơi đây.

Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức sáng 28-5-2023

Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức sáng 28-5-2023

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày