GNO - Sáng qua, 18-10, chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) lần đầu tổ chức lễ hội hoa cúc tại bản tự.
Mặc dù trời mưa nhưng đã có hàng nghìn người về tham dự lễ hội
Theo đó, mở đầu là chương trình khai mạc với nghi thức thiền hành, lấy nước từ giếng Thiền về chánh điện để dâng cúng Phật. Đây là một trong những nghi thức thiêng liêng, đặc biệt trong “Lễ hội hoa cúc”, dịp để chư tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử bày tỏ lòng kính ngưỡng trước những sự vi diệu của thiên nhiên dành tặng cho mảnh đất địa linh nằm trong quần thể danh thắng Yên Tử.
“Lễ hội hoa cúc” được ban tổ chức chùa Ba Vàng xây dựng gồm các nội dung: trình diễn thư pháp gồm Chân - Hành - Thảo - Triện - Lệ, bài thơ Hoa cúc của tam tổ Huyền Quang, triển lãm thư pháp các bài thơ thiền chùa Tam Tổ Trúc Lâm... Sau đó các thư pháp gia tặng chữ cho quan khách và Phật tử. Ngoài ra còn có dâng lục cúng, biểu diễn trình cắm hoa cúc, các nghi thức pha trà hoa cúc cúng Phật, cầu quốc thái - dân an, thi cắm hoa cúc trưng bày tại vườn La Hán, trình diễn thư pháp, thưởng thức thiền trà hoa cúc, ngâm thơ thiền, nghe giảng pháp, chiếu phim về Đức Phật, xem biểu diễn tuồng, chèo...
Bên cạnh đó lễ hội còn dựng lại hình ảnh những gánh hàng rong, mô phỏng công việc giản dị, chân quê qua những đôi quang gánh trên vai của người chị, người mẹ..., bày biện các đồ ăn thức uống dân dã như: bỏng ngô, khoai mì luộc, chè lam, ổi găng...
Nghi thức hành thiền lấy nước từ giếng Thiền về chính điện để dâng cúng Phật
Hơn 80 loài hoa cúc được sưu tập trong lễ hội
“Lễ hội hoa cúc” lần này, chư Tăng chùa Ba Vàng đã cất công sưu tập hơn 80 loài hoa cúc của các miền đất nước để sắp đặt nhiều không gian khác nhau trong khuôn viên của chùa.
Lễ hội lấy tên "hoa cúc" là bởi trong thơ ca Tam Tổ Trúc Lâm thường có hình ảnh hoa cúc, mang những triết lý riêng", ĐĐ.Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng cho biết. Đồng thời, thầy cũng cho hay, lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 9-9 âm lịch hàng năm, nhân Tết Trùng Cửu (*).
Tâm Hạnh
___________________
(*) Có nhiều điển tích về ngày Tết này:
Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: "Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết.
Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn... Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.
Sách "Phong Thổ Ký" lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước DL), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn... Tục ấy thành lệ.
Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước DL), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.
Cổ thi có câu: "Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao". "Đăng cao" là lên chỗ cao. "Trùng cửu" và "Đăng cao" đều do điển tích trên.
(Theo Wikipedia)