GN - Cách đây vài tháng, báo chí rộ lên thông tin về cổng tam quan mới được xây dựng tại chùa Bổ Đà và đưa lên ý kiến của một số chuyên gia phê phán công trình này.
Tường đất cổ chùa Bổ Đà
Cổ đến mức không thể cổ hơn được nữa
Nghe địa chỉ ở tận tỉnh Bắc Giang, tưởng xa xôi, nhưng không ngờ từ Hà Nội đi chùa Bổ Đà thật gần. Qua cầu Nhật Tân, đi hết Nội Bài là đã đến huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh. Từ đây, men theo bờ đê sông Cầu, xuống bến đò Gầm, sang sông đã nhìn thấy dãy núi Bổ Đà. Bổ Đà Sơn là dãy núi nhỏ chỉ dài chừng 2.000m, tọa lạc phía Bắc sông Cầu. Qua làng Tiên Lát Hạ, chạm vào khu rừng cây cổ thụ xanh ngút ngát, lộ ra chiếc cổng nhỏ thó, cũ kỹ phủ đầy rêu phong ẩn dưới tán cây rậm rạp. Đó chính là cổng vào chùa Bổ Đà. Con đường nhỏ dẫn từ cổng thứ nhất vào cổng như bước dẫn du khách vào miền cổ tích, nhờ hai bờ tường đất phủ đầy rêu.
Đẹp đến độ “buốt mắt”, chính là những bức tường cổ xưa bằng đất, bao quanh thành nhiều lớp trong khuôn viên chùa, khiến cho ta có cảm giác được đi vào một “cấm thành”. Tường ở đây được làm bằng đất nện theo lối trình tường, cao từ 1,5 - 2 mét, dày chừng nửa mét. Tuy bằng đất, nhưng chạm tay vào thấy mặt tường không bở, mà rắn như đá. Nghe kể, người xưa dùng đất sỏi son ở núi Bổ Đà đem trộn với rơm rạ, cho vào khuôn gỗ dày giã nhuyễn tới khi khô thì dỡ khuôn. Từng lớp đất được chồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành những khối tường cao vững chắc. Trải qua hàng trăm năm, những lớp tường đất vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cây cỏ rêu xanh mọc bám đầy càng tô thêm sự cổ kính, tưởng đến đá, đồng cũng khó bền lâu được đến thế.
Tôi đã đi hầu khắp các ngôi chùa cổ ở miền Bắc, nhiều ngôi chùa có lịch sử, tuổi đời cao hơn, nhưng dường như không một ngôi chùa nào còn giữ được kiến trúc, vẻ đẹp cổ xưa một cách “nguyên bản” như ở chùa Bổ Đà. Cổ đến mức tưởng như không thể cổ hơn được nữa. Kiến trúc chùa Bổ Đà cũng khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc. Chùa chính tuy cũng có bình đồ hình vuông với gần một trăm gian liên hoàn, nhưng không phải kiểu “nội công ngoại quốc” mà là “nội thông ngoại bế”. Nối hai bên từ thượng điện xuống nhà Tổ không phải hai dãy hành lang hở bày hệ thống tượng La-hán như thường thấy, mà là các gian nhà kín liên tiếp nhau. Đứng ở bất kỳ góc sân nào, nhìn lên cũng thấy lô nhô hàng chục mái ngói cao thấp của rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như gỗ, gạch nung, ngói, tiểu sành… Bao quanh chùa chính là lớp trình tường đất hình vuông, ngăn cách với khu nhà Tăng, nhà khách, gác kinh, gác chuông, gác trống... Lối đi từ khu nhà này sang khu nhà khác đều có những cổng cổ, khiến ta cảm giác chùa rất đồ sộ. Toàn bộ công trình lại được bao quanh bởi lớp tường đất bình đồ hình vuông rộng lớn, mỗi mặt đều có 2 cổng mở ra ngoài. Như vậy, với 4 mặt thành, chùa có tới 8 cổng tạo thành hình đồ bát quái. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784 m2 được phân ra làm ba khu: khu vườn 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp 7.784m2.
Chùa Bổ Đà lưu giữ 2 kỷ lục của Phật giáo: Chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam và Bộ mộc bản ván in kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Vườn tháp chùa Bổ Đà có hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ, lưu giữ xá-lợi, tro của hơn 1.200 nhà sư tu hành qua nhiều thời kỳ. Có những ngôi tháp lưu giữ tro cốt của hàng chục nhà sư. Được biết, nơi đây từng là một trong những trung tâm lớn của dòng thiền Lâm Tế nên hàng năm đến kỳ “kiết hạ an cư”, có rất đông các vị Tăng Ni, tín đồ ở nhiều vùng khác nhau tập trung về đây tham thiền học đạo. Những người tu học trong sơn môn, sau khi viên tịch, được an táng tại vườn tháp. Chùa Bổ Đà còn bảo lưu được kho ván in kinh đồ sộ với khoảng 2.000 tấm, khắc trên gỗ thị. Kinh được khắc nổi bằng những nét chữ Hán đầy tinh xảo. Theo Đại đức Thích Thanh Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà, phần lớn mộc bản kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng. Mộc bản khắc các bộ kinh: Chư kinh nhật tụng, Sa-di, Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy, Hộ quốc kinh, Trực chỉ quy nguyên, San bổ thụ giới đàn tăng tập, Giới đàn Ni, Thiền Lâm Bảo Huấn, Thủy lục chư khoa, Vạn thiện đồng quy, Phật tâm luận, Hộ pháp luận, Phạm võng lược sớ, Khóa hư lục, Dược Sư đề cương, Di Đà sớ sao, Kinh Dược Sư, Tây phương hợp luận.
Một trong những cổng cũ của chùa Bổ Đà
Đại đức Thích Thanh Vinh cho biết, chùa Bổ Đà được khởi dựng từ thế kỷ XI. Thuở ấy, nơi đây có 2 vợ chồng tiều phu (tên gọi Minh Đà) chuyên sống bằng nghề bổ củi. Một hôm vợ chồng vác búa lên núi đốn củi, nhìn thấy một gốc cây thông già, bèn lấy búa bổ vào gốc cây thì kỳ lạ thay có một đồng tiền bằng vàng nảy ra. Minh Đà liền bổ liên tiếp nhiều nhát nữa, thì thấy 32 đồng tiền vàng lần lượt rớt xuống. Thấy sự kỳ lạ, ông liền quỳ xuống, khấn: Nếu như linh ứng cho xin mụn con trai, sẽ xây chùa tô tượng, sớm tối khói hương thờ phụng Phật. Quả nhiên sau đó, vợ chồng ông sinh được một người con trai. Họ bèn dựng một am tranh thờ Phật, sớm tối đến tụng niệm khói hương. Trải qua thời gian bảy thế kỷ, ngôi chùa trở nên hoang tàn. Đến đầu thế kỷ XVIII, có nhà sư Nguyễn Đình Cấp, đi vân du tại Hương Tích và Phổ Đà ở Trung Quốc. Khi trở về Việt Nam, đến trang Tiên Lát, thấy thế đất đẹp, liền mở mang xây dựng ngôi chùa tại đây, đổi tên thành chùa Bổ Đà. Tiếp đến đời Lê Bảo Thái, vào năm 1720 có ông Phạm Kim Hưng từ quan về quê ở ẩn. Một hôm lên chùa Bổ Đà lễ Phật ngắm thấy phong cảnh tĩnh mịch, sơn thủy hữu tình, liền xin cụ Nguyễn Đình Cấp cho xuống tóc quy y Phật, sau đó bỏ tiền ra mua nửa quả núi xây dựng chùa Tứ Ân dưới chân núi Bổ Đà. Ngôi chùa được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, nhưng thêm nhiều công trình quy mô bên ngoài với các lớp trình tường vây quanh, lối xuất nhập ra vào có 8 cửa theo kiểu bát quái. Sư Phạm Kim Hưng được triều đình sắc phong: Đại Sỹ Quốc Tứ Hảo Tiết Như Thị Hòa Thượng, pháp tự Tính Ánh Tổ Sư. Sư đã dày công, khai sơn phá thạch, khắc ván in kinh, khai trường thuyết pháp, đào tạo Tăng Ni và sáng lập ra sơn môn Bổ Đà.
Quần thể chùa Bổ Đà, ngoài chùa chính tọa lạc dưới chân núi, còn có ngôi chùa cổ Bổ Đà sơn (còn có tên là Quán Âm tự) và am Tam Đức tọa lạc trên đỉnh núi, đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Tam quan mới ở chùa Bổ Đà
Vì vào chùa hiện vẫn theo lối đi cũ với nhiều lớp cổng cổ, nên khi đi vào không qua tam quan. Chỉ đến khi tham quan xong nội tự, ra sân trước chánh điện chùa, đứng sát bức tường phía trước nhìn xuống dưới, chúng tôi mới nhìn thấy một cổng tam quan bề thế, vừa mới được xây dựng xong. Cổng tam quan nằm tọa lạc bên ngoài lớp tường đất, tức là ở bên ngoài mặt bằng của ngôi chùa hiện tại. Công trình này thẳng hướng chính giữa chánh điện chùa, tuy có vẻ chưa ăn nhập với kiến trúc chùa cổ, nhưng cảm nhận của người viết là không xâm phạm, không phá vỡ các kiến trúc cổ.
Đầu năm 2018, nhiều báo chí đã lên tiếng phê phán công trình tam quan này. Báo Dân Trí dẫn lời TS.Nguyễn Hồng Kiên - chủ biên cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích”, cho rằng: “Việc không có tam quan là một giá trị đặc biệt độc đáo của chùa Bổ Đà. Đặc điểm này ở chùa Bổ Đà và một số ngôi chùa khác là nét độc đáo không chỉ về kiến trúc, mà cả về tôn giáo tín ngưỡng”. Báo này cũng viết, “Nhiều chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc - di sản cũng tỏ ra bất bình cho rằng, đây là một di tích quốc gia đặc biệt nên việc xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia bảo tồn di tích và cơ quan quản lý”. Báo Dân Việt cũng cho rằng, đã là di tích quốc gia đặc biệt, thì việc xây dựng, trùng tu, mở mang phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới được phép thi hành.
Vào tháng 3-2018, tôi cùng PGS.Đặng Văn Bài tham gia một chuyến công tác điền dã tại vịnh Hạ Long. Tôi có đem chuyện tam quan chùa Bổ Đà ra hỏi PGS.Đặng Văn Bài. Ông Bài nêu quan điểm: “Chùa nào cũng có tam quan. Nói việc chùa Bổ Đà không có tam quan là nét độc đáo là nói bừa. Tôi được biết, xưa kia người ta đã định xây tam quan, nhưng vì thiếu gỗ nên sau đó hủy bỏ không dựng nữa. Việc xây tam quan chùa Bổ Đà nằm trong dự án trùng tu, kiến thiết, bảo tồn và phát huy giá trị chùa Bổ Đà đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phê duyệt từ trước khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, nên đúng thẩm quyền, không sai quy trình”.
Cổng tam quan chùa Bổ Đà vừa xây dựng xong
Đại đức Thích Thanh Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho hay, các tài liệu cổ lưu giữ tại chùa có ghi, ngay từ khi thiết kế xây dựng chùa, các nhà sư đã có quy hoạch xây dựng cổng tam quan. Các nhà sư khi xưa đã đánh dấu vị trí xây cổng tam quan bằng việc trồng một cây đa phía trước, cây đa hiện có niên đại hơn 300 năm và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đến những năm đầu thế kỷ XX, các nhà sư tu tập tại chùa cùng Phật tử đã từng tiến hành xây dựng tam quan cho chùa Bổ Đà. Khi đó, bè gỗ dùng để xây dựng tam quan về đến khu vực Đáp Cầu đã bị va vào đá, vỡ bè, một phần gỗ trôi xuôi được trục vớt và dùng để xây chùa Đáp Cầu (Bắc Ninh), một phần lớn gỗ được vớt lên xây cổng tam quan của chùa Yên Ninh (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Không đem được gỗ về chùa, nên việc xây dựng tam quan của chùa Bổ Đà đành bỏ dở. Hiện tại chùa Yên Ninh cũng có tấm bia đá, nội dung ghi rõ cổng tam quan của chùa Yên Ninh được xây dựng theo thiết kế của các nhà sư tại chùa Bổ Đà và chính từ những khối gỗ lẽ ra là để xây dựng tam quan chùa Bổ Đà.
Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Giang, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng tam quan chùa Bổ Đà đã được Bộ VH-TT&DL ký duyệt từ năm 2016. Năm 2017, chùa mới chính thức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Vì công trình được xây dựng theo vốn xã hội hóa nên mãi đến cuối năm 2017 mới huy động được vốn để thực hiện. Vị trí xây cổng trước đây là một khu vườn bị bỏ hoang, không có ai qua lại, cách biệt hẳn với các công trình trong. Và nhân tiện việc xây cổng họ cũng có ý định cải tạo cảnh quan khu vườn cho đẹp lên. Công trình này không ảnh hưởng gì đến tường bao hoặc nền móng di tích cũ.
Nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quần thể di tích chùa Bổ Đà, năm 2018, UBND huyện Việt Yên và ngành văn hóa tỉnh dự kiến sẽ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng xong quy hoạch tổng thể khu di tích trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở pháp lý để phát huy vai trò quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, đưa di tích thành điểm thu hút mạnh mẽ khách du lịch văn hóa - tâm linh. Quy hoạch sẽ có nhiều hạng mục: khu di tích chùa Bổ Đà; khu đền thờ Thạch Linh Thần Tướng; khu đất dự phòng xây dựng điểm du lịch giải trí và nghỉ dưỡng; khu xây dựng đài Vọng cảnh; khu xây dựng tháp Cửu phẩm liên hoa; khu vực tổ chức lễ hội; khu vực cắm trại, dã ngoại và quần thể cây xanh... Từ nay đến năm 2020, huyện Việt Yên cũng sẽ bổ sung quy hoạch khu đất dự phòng thu hút đầu tư phát triển du lịch xung quanh khu vực chùa Bổ Đà; đầu tư xây dựng khu nhà quản lý và dịch vụ tại chùa Bổ Đà; xây dựng sân khấu biểu diễn và khu trung tâm tổ chức sự kiện tại khu sân vận động phía trước chùa. Huyện Việt Yên cũng huy động nguồn xã hội hóa và đầu tư của nhân dân để xây dựng các điểm phục vụ ăn uống với quy mô 1.000m2 tại khu chùa Bổ Đà; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông đến chùa Bổ Đà.
Chu Minh Khôi