Nhìn về câu chuyện của chùa Bồ Đề, xin hãy xem đó như là một vết thương của thời "lỗi đời, lỗi đạo".
Thông tin một bảo mẫu chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) bị công an bắt vì tội buôn bán trẻ em đang khiến dư luận thấy sốc, thấy phẫn nộ. Nhưng xin đừng ai quên vì sao mà lại có những đứa trẻ chùa Bồ Đề, chúng không phải từ trên trời rơi xuống.
>> Bài học kinh nghiệm từ vụ việc chùa Bồ Đề
Những cháu nhỏ nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề (Hà Nội)
“Chúng ta đang sống ở thời mạt pháp”, nhiều người đã cay đắng nói như vậy khi đọc những tin tức ở mục “Pháp luật” hay “Vụ án” có liên quan đến chùa chiền và các vị Tăng Ni. Nào là sư giết và phi tang xác bạn gái, nào là sư về làng đòi ô tô… và mới đây nhất là bảo mẫu chùa Bồ Đề bị bắt vì buôn bán trẻ.
Chùa Bồ Đề - một ngôi chùa nổi tiếng đã lâu vì đã có quá nhiều bài báo viết về nó, như một thiên đường của tình thương, nơi che chở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi khi cuống rốn còn tươi dòng máu mẹ, những cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà. Cũng là nơi chứa đựng mọi bi kịch của thế gian.
Nhưng dần dần mọi chuyện không còn như trước nữa. Trẻ quá đông dẫn đến sự chăm sóc thiếu chu đáo, bắt đầu có tiếng xì xào về tiền bạc quyên góp của các vị Phật tử có lòng từ tâm, sư trụ trì lên tiếng xin không nhận hiện vật, chỉ nhận tiền cứu trợ… đã khiến cho hình ảnh “ngôi chùa thiên đường” bắt đầu có gợn.
Và cho đến mới đây, chị Trang, một bảo mẫu trong chùa bị bắt vì tội buôn bán trẻ. Như một giọt nước làm tràn cốc, và dư luận lại càng phẫn nộ, lại càng đổ xô vào lên án hành vi này. Chùa Bồ Đề vì thế mà lại khoác thêm một tiếng xấu.
Nhưng xin bạn đọc hãy nghĩ mà xem, vì đâu mà có tất cả những câu chuyện đau lòng này, nếu không phải vì “đời” đã làm tội tình cho “đạo”? Nếu những đứa bé đáng thương ấy không bị cha mẹ chúng chối bỏ, đem bỏ đi như một món đồ vô thừa nhận sống chết chẳng ai hay. Nếu những bậc già cả không bị con cháu đuổi ra khỏi nhà, lang thang ốm đói, thì nhà chùa có phải mở lòng ra mà hứng đỡ tất cả những thứ phế phẩm của sự lỗi đạo của cuộc đời đó hay không?
Trước khi lên tiếng “mắng mỏ” thời “mạt pháp”, trước khi lên án ngôi chùa - một biểu tượng rất đẹp đẽ của đạo Phật, xin mỗi người chúng ta hãy thư thả vài phút giây mà soi chiếu tận lòng mình.
Qua báo chí, tôi đã đọc thấy rất nhiều bi kịch của những đứa bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề, có đứa vì bệnh tật hiểm nghèo, có đứa vì mẹ nó là gái mới lớn lỡ dại, nhưng ông bà nó quyết không mở lòng thương, quyết bắt con mình đem cháu đi cho, đi bỏ ở đâu thì bỏ, để còn lấy chồng. Những bi kịch như thế, hỏi có đáng đau lòng, đáng phẫn nộ hơn câu chuyện đang xảy ra hôm nay hay không?
Tôi không bênh vực cho bảo mẫu Trang, cũng là người mẹ của vài đứa con nhỏ, chuyện sai chị gây nên thì chị ta phải chịu hậu quả trước pháp luật. Nhưng bảo mẫu Trang cũng chỉ là một mắt xích trong cái chuỗi sai vì sự lỗi đạo của cuộc đời. Cha mẹ lỗi đạo làm cha mẹ, con cái lỗi đạo làm con cái. Vì thế xin đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu chị Trang.
Hãy nghĩ mà xem, nếu hệ thống an sinh xã hội của chúng ta ưu việt hơn, thì liệu một ngôi chùa, dù lòng Phật từ bi như hải hà, có phải mở cửa để hứng hậu quả của mọi bi kịch cuộc đời vậy không?
Nếu các vị lãnh đạo quận huyện, thành phố thực sự có tâm, đến thăm các cháu, thấy điều kiện ăn ở quá chật chội, quá mất vệ sinh, quá không đảm bảo, thì có nên dùng tiền ngân sách trích ra xây dựng một cơ sở chăm nuôi đúng chuẩn, đưa các cháu về đó. Chẳng có dân nào mà không ủng hộ quyết định này. Chỗ rơi rớt của những công trình xây dựng bị lãng phí, những nhà vệ sinh tiền tỷ, những vỉa hè tiền tỷ, giá mà rớt được về những chỗ này một ít thì sẽ không có bi kịch hôm nay. Là tôi cứ ước ao như thế.
Nhìn về câu chuyện của chùa Bồ Đề, xin hãy xem đó như là một vết thương của thời lỗi đời lỗi đạo. Khi những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, cuống rốn còn chưa rụng, đã bị vứt ra đời như một món đồ bỏ đi, thì tất có người sẽ xem đứa trẻ như một món hàng mà đem bán nó. Cha mẹ chúng còn không thương nổi chúng, thì ai thương giùm chúng đây?
Vì thế tôi mong trước khi thốt ra một lời lên án những chuyện xấu đang xảy ra ở chùa Bồ Đề, xin tất cả mọi người hãy tĩnh tâm một chút, để nghĩ về việc người đời chúng ta phải sống sao cho đúng đạo. Để đừng có thêm nữa những đứa bé đỏ hỏn bị cha mẹ bạc tình mang đến bỏ ở chùa, đừng có những bậc cha già mẹ héo bị con cái vô đạo đuổi ra khỏi nhà.
Điều ấy có ý nghĩa hơn ngàn vạn lời oán trách, xỉ vả.