Chữa lành nghiệp sắc tộc tại Mỹ

GN - Sau hơn 150 năm chế độ nô lệ được xóa bỏ, bi kịch về nghiệp sắc tộc của nước Mỹ vẫn tiếp tục.

a 1.jpg

Larry Ward, giảng viên cao cấp Phật học tại Mỹ nói: “Nếu thật sự hiểu được nghiệp hoạt động ra sao, chúng ta mới có thể ngăn cản nó. Bánh xe luân hồi của nhận thức về phân biệt chủng tộc này bắt đầu trước khi tôi sinh ra. Tương tự, nó bắt đầu trước khi bạn sinh ra. Dấu vết của nó hiện rõ theo thời gian và sợi dây kết nối giữa loài người”.

Đây không phải là tình trạng không thể hóa giải mà là di sản của tâm trí, lời nói, và hành vi của con người. Nhận thức về phân biệt chủng tộc của chúng ta và nỗi khổ đau cùng những nhầm lẫn xáo trộn mà nó mang lại không cần thiết phải tiếp diễn. Khoảnh khắc này trong lịch sử xã hội bắt buộc ta phải dấn thân vào con đường tìm hiểu, học hỏi và thực tập để chuyển hóa nghiệp lực của chúng ta.

Tôi suy ngẫm về bánh xe, một phát minh từ xa xưa có tính thực tiễn vĩ đại. Hình hài của nó xuất hiện xuyên suốt lịch sử con người trong mỹ thuật, văn hóa, khoa học và truyền thống tâm linh. Nó mang lại một hình ảnh và phép ẩn dụ đầy quyền năng cho con đường tâm linh của nhân loại. Trong truyền thống đạo Phật, bánh xe là biểu tượng chính của con đường Bát chánh đạo về chữa lành và chuyển hóa để dẫn đến tự do. Nhưng bánh xe này cũng miêu tả hành động lặp lại của khổ đau gọi là luân hồi, nguyên nghĩa Phạn ngữ chỉ trải nghiệm trôi lăn, bị kẹt trong vòng khổ đau không dứt.

Sơ đồ nghiệp lực về phân biệt chủng tộc

Sơ đồ này là bản đồ bánh xe luân hồi của nghiệp phân biệt sắc tộc. Chữ “nghiệp” hiện giờ bắt nguồn từ chữ karma của tiếng Sanskrit và kamma của tiếng Pali, nghĩa là hành động. Bất kỳ loại hành động có chủ ý nào, dù là trong đầu, qua lời nói, hay qua hành vi của cơ thể, đều gọi là nghiệp. Nghiệp bao quát tất cả trong “ý, khẩu, thân” (suy nghĩ, ngôn từ, và hành động).

Sơ đồ nghiệp lực này cho thấy tác động của chủ ý đến các hiện tượng như thế nào trong một vòng tròn liên kết của biểu hiện, gieo nhân, quả báo, và tiếp diễn. Nếu bạn là người giàu trí tưởng tượng, bạn có thể hình dung việc này liên quan đến cuộc sống của bạn ra sao.

Nghiệp ở đây nghĩa là sức mạnh rõ ràng của ba thứ: ý, khẩu, thân (ý định, lời nói, hành động) hình thành phẩm chất của trải nghiệm từng cá nhân và tập thể. Trong Phật giáo, nghiệp hoàn toàn không phải là thuyết định mệnh. Chính Đức Phật chuyển hóa từ nghĩa cổ xưa “nguyên nhân và kết quả” thành nhận thức thực tế về điều gì là quan trọng đối với chủ ý của chúng ta.

a 3.jpg

1. Bánh xe nghiệp khởi chạy bởi ý. Vòng tròn này bắt đầu từ việc ta định làm gì, rồi hiện diện trong suy nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta.

Khi thực hành về việc có ý thức hơn đối với những ý định khởi lên trong đầu mình, tôi học được một điều đáng sợ: não của chúng ta được thiết kế để sử dụng năng lượng cần thiết sao cho ít nhất để làm một việc gì đó. Tôi không chỉ nói về việc đánh răng, lái xe hay tập thể dục, tôi nói về những thứ sâu hơn. Trừ phi ta quyết định một cách sáng suốt rằng mình sẽ không sống một cách vô hồn, hầu hết chúng ta sống qua ngày mà không suy nghĩ quá sâu sắc về những động lực thúc đẩy hành động của ta.

Hầu hết mọi người đều biết thay đổi thói quen là một điều khó. Bao nhiêu thứ ta làm là theo thói quen? Nghiên cứu của các nhà sinh học thần kinh và nhà tâm lý học tìm hiểu về sự hình thành của thói quen cho thấy: 40 - 95% hành vi con người, cách mà ta suy nghĩ, phản ứng với cảm xúc, những gì ta nói, và cách ta hành động, đều nằm trong hạng mục thói quen. Vì vậy khi nói về những suy nghĩ và hành động huân tập ăn sâu bén rễ, dù ta cho rằng ý định của ta tốt đẹp đến đâu, khi không có tầm nhìn sâu và nhu cầu để thay đổi, cùng quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện điều đó, và hành động tương ứng, khoảng 50% số lần ta làm sẽ theo thói quen.

2. Trạm đến thứ hai trong vòng tròn này là biểu hiện. Những ý định của ta được thể hiện ra, dù là cố ý hay trong vô thức. Nghiên cứu cho thấy, hầu hết những hành vi của ta đều là vô thức. Suy ngẫm về điều này rất đáng sợ, nhưng ta phải làm vậy. Khi nói đến thói quen của chúng ta về vấn đề kỳ thị sắc tộc, ta phải thừa nhận và biến những gì là vô thức thành có ý thức, để chúng ta có thể đặt ra những chủ ý mới đầy trí tuệ hơn với tư cách cá nhân và tập thể. Chúng ta phải tỉnh thức thôi.

3. Trạm đến thứ ba là truyền đi (hay gọi là gieo nhân - lời người dịch). Biểu hiện của những ý định vô thức của ta được phân tán ra ngoài thế giới thông qua hành động, lời nói, và cả vào bên trong theo suy nghĩ và cảm xúc. Ta biểu hiện cái gì, ta truyền cái đó đi. Chúng ta thông truyền những thứ trong đầu dù có muốn hay không. Ta giao tiếp cả bằng ý thức và vô thức, hữu ngôn và vô ngôn.

Một điều quan trọng nữa, chúng ta giao tiếp qua xung động. Con người giao tiếp trước khi có ngôn ngữ ra sao? Qua cảm nhận. Bạn có bao giờ bước vô một căn phòng, và khi mở cửa ra thì ôi trời, bạn biết là có người đã ở đây một lúc trước, và họ thì không mấy vui vẻ chưa? Ta có sự nhạy cảm này, nếu ta không để nó biến mất thông qua việc tiến hóa, cảm giác này là cảm giác khi ở gần nhau. Các tế bào thần kinh phản chiếu của chúng ta kích hoạt, xây dựng sự đồng cảm và thấu hiểu. Về mặt thần kinh và tiến hóa, ta biết ta có thể ở bên nhau vì chúng ta được tạo ra là những sinh vật xã hội.

4. Trạm đến kế tiếp trong vòng tròn này là quả báo. Quả báo không có nghĩa là phán xét cuối cùng. Quả báo nghĩa là hậu quả bây giờ của một hành động trước, bởi vì nghiệp nghĩa là “hành động”. Tính từ thời nay dùng mô tả một người thấy rõ sự bất công là “tỉnh ngộ”; phẩm chất giác ngộ trước sự khổ đau là thứ mô tả chính xác về Đức Phật: Bậc Giác ngộ. Nếu ta không tỉnh giác, quả báo của chúng ta sẽ không đến theo dạng giác ngộ.

5. Trạm cuối cùng theo sau quả báo là tiếp diễn (luân hồi). Đây là một quá trình tự nhiên. Nếu như bạn không can thiệp và không di chuyển bánh xe qua một con đường mới, bánh xe nghiệp sẽ cứ lăn. Điều này đúng với sự tiến hóa hiện đại về kỳ thị sắc tộc. Ta thấy dòng chảy đau lòng cứ lặp đi lặp lại: người da đen bị xử tử vô tình dưới bàn tay của nhà nước, hoặc như nô lệ trong việc đưa người da đen và da nâu vào lao động ký quỹ trong khu liên hợp công nghiệp nhà tù.

Nghiệp tiết lộ rõ cách mà ý thức của chúng ta tiếp tục xoay vòng như thế nào: khởi tạo, tuyên truyền, nuôi dưỡng và hệ thống hóa phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. Nhưng mọi bánh xe đều có một trục duy trì động lượng, sự chuyển động về phía trước và sức mạnh tích lũy của nó. Giống như các nhân vật trong Phù thủy xứ Oz, với lòng dũng cảm, sự minh bạch và trái tim, chúng ta đang đi trên hành trình tiến vào trung tâm của trục, một không gian bí mật mà từ đó chúng ta có thể chữa lành và chuyển hóa khổ đau của nhận thức về phân biệt chủng tộc.

Thực hành: mở ra nền tảng chống phân biệt sắc tộc

Đây là một hoạt động phản chiếu để hiểu cách mà nghiệp lực của nạn phân biệt chủng tộc tại đất Mỹ chen vào cuộc sống của bạn như thế nào.

Tìm một nơi yên tĩnh mà bạn có thể dừng hết mọi thứ để phản ánh trong chánh niệm. Bạn có thể nói, viết, suy nghĩ và suy ngẫm về những câu hỏi này. Nếu bạn chọn viết, hãy ghi lại những suy nghĩ của bạn trong nhật ký để có thể đọc đi đọc lại. Bạn có được hiểu biết gì khi đi sâu vào kho lưu trữ suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của mình về sắc tộc? Một số câu hỏi gợi ý cho bạn:

- Câu chuyện về tên của bạn được đặt ra sao?

- Từ khi nào mà bạn bắt đầu thấy sự khác biệt về vẻ bên ngoài của người khác?

- Câu chuyện nào về chủng tộc và màu da mà bạn nghe khi đang trưởng thành?

- Bạn dùng câu từ nào để miêu tả sự khác biệt trong chủng tộc?

- Cơ thể bạn phản ứng với hoạt động này ra sao?

- Cơ thể bạn phản ứng với những ký ức đó ra sao?

- Hạt giống về sắc tộc nào đã trồng khi bạn nhìn lại cuộc sống của mình? Hạt giống nghĩa là suy nghĩ, ngôn từ, hành động, và sự kiện ở lại với bạn, trong ý thức và trong vô thức.

- Hạt giống nào lành mạnh? (tránh xa phân biệt chủng tộc, tham lam, và vọng tưởng)

- Hạt giống nào không lành mạnh? (dẫn đến phân biệt chủng tộc, tham lam, và vọng tưởng)

- Hiện giờ, hạt giống nào có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn?

- Ưu tiên nào của bạn trong việc thay đổi ý thức phân biệt chủng tộc trong bạn?

Larry Ward
Bội Trân
(dịch và biên tập từ Lion’s Roar)/Báo Giác Ngộ

Về tác giả Larry Ward

Larry Ward là một giảng viên cao cấp Phật học da màu tại Mỹ. Được truyền cảm hứng từ Martin Lurther King và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông cùng với Tiến sĩ Peggy Rowe là đồng sáng lập học viện Hoa Sen - the Lotus Institute để thực hành lối sống bất bạo động, hàn gắn, xây dựng hòa bình và nền tảng tâm linh cho cá nhân và cộng đồng.

a 2.png
Ông từng có khoảng 25 năm sống và làm việc tại hơn 20 quốc gia. Larry Ward tiếp xúc lần đầu tiên với Phật giáo vào năm 1977 ở Ấn Độ, nhưng phải đến năm 1991 khi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì Phật giáo mới trở thành trọng điểm đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Larry Ward được thọ giới tại Làng Mai vào năm 1994. Ông đã tháp tùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các sứ mệnh kiến tạo hòa bình tại Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v… và trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày