Chùa lớn chùa nhỏ không quan trọng

maichua.jpg

Mái chùa - Ảnh minh họa

Kể chuyện thầy tôi ở quận 12, TP.HCM. Thầy trụ trì một ngôi chùa bé tí, do Sư bà truyền lại. Trải gần 30 năm, chùa có xây thêm vài phòng ốc để các thầy khác về ở, nhưng rồi tất cả đều dột nát, nứt nẻ. Tường nứt, mái tole mỗi lần mưa là quý thầy ngồi dậy cuốn mùng chờ mưa tạnh. Trời nắng thì nóng như lò bánh mì vì mái thấp lè tè. Thầy tôi phải lăn xuống nền gạch mà ngủ cho bớt nóng. Căn phòng của thầy đúng một cái giường bề ngang 8 tấc, một cái bàn làm việc, và một cái tủ lạnh nhỏ. Nhưng mỗi tháng thầy vẫn tổ chức được buổi khám bệnh từ thiện. Dân các tỉnh đổ lên đông kinh khủng, đến 3.000 người trong mỗi kỳ. Thuốc men thì các bác sĩ cũng cho những loại phổ thông thôi, nhưng có lẽ vì đức độ của thầy nên người ta uống thuốc vào là bớt bệnh.

Tiếng lành đồn xa, người ta thuê xe 50 chỗ từ tỉnh kéo lên đông như vậy. Chùa phải nấu cơm luôn cho họ ăn. Chật hẹp quá sức, người ta cũng vui lòng. Nhưng thầy phải giảm lại, mỗi kỳ khám chỉ nhận 1.000 bệnh thôi. Và vì chùa muốn sập luôn rồi, nên nhân đó mà thầy đập ra xây lại. Giờ chùa khang trang hơn, đủ chỗ cho 1.000 người khám bệnh, ăn uống, và còn khoảng 500 người đến niệm Phật, tụng kinh Pháp hoa mỗi tháng. Như vậy, chùa to để làm việc thiện, để giúp người tịnh dưỡng thân tâm. Giờ ai mà đến chắc chắn sẽ xuýt xoa. Bởi tuy gói gọn trong 800m2 và trang trí vừa phải, nhưng chắc chắn bị gom vào nhóm “chùa giàu”.

Một thầy khác ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp. 20 năm trước tôi về thì chùa chỉ là một mái lá, tới mùa nước nổi thầy trò lội lõm bõm trong nhà vì nước lên tới chân giường, cá bơi tung tăng. Càng ngày Phật tử về chùa càng đông vì đức độ của thầy, nên thầy phải xây lại chùa cho mọi người có chỗ sinh hoạt, có chỗ ngồi ăn cơm, có chỗ đi vệ sinh chứ. Xây xong, thầy cất một cái chòi lá ngoài vườn, thầy thích ngủ và ngồi thiền ở đó, vẫn giữ nếp sống khổ hạnh. Quanh năm suốt tháng thầy đi làm từ thiện, ở đâu có người nghèo là có mặt thầy, nào cất nhà tình thương, nào đi bệnh viện, nào học bổng cho học sinh…Về Đồng Tháp hỏi thầy T.Q là ai cũng nể và mến.

Qua vài thí dụ kể trên, tôi nghĩ chùa to hay chùa nhỏ cũng không phải là vấn đề cho chúng ta thành kiến. Chúng ta cần xét xem chùa đó to để làm gì, có cống hiến được gì cho cuộc đời hay không. Chùa to thì việc cũng to, phải cân xứng như thế. Còn chùa nhỏ mà không làm được việc gì thì cứ nhỏ, không sao cả. Có những ngôi chùa chỉ một vị sư ở, quyết tâm tu hành để giải thoát, thì chẳng cần xây to. Hoặc những ngôi chùa mà vị sư không có khả năng hoạt động Phật sự thì cũng không cần phải to. Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà ta thương “chùa nghèo” như thế và ghét “chùa giàu” như những câu chuyện tôi đã kể, thì có phải oan lắm không? Thực tế cũng có những chùa to nhưng nội dung hoạt động không đúng Chánh pháp, hoặc vị trụ trì không đủ phẩm hạnh cho người ta kính phục. Nhưng chúng ta cũng không nên quơ đũa cả nắm, rồi xa lánh, biết đâu ta đã bỏ sót cái duyên gặp một vị chân tu.

Tôi gặp chùa nào cũng không để ý nhiều đến hình thức, mà thường lắng nghe, quan sát, tìm hiểu về hoạt động và chất tu của chư Tăng trong đó. Nếu chất tu nhiều, thì phước báu đến, Phật tử sẽ cúng dường để xây dựng khang trang. Nếu hoạt động có ích cho đời, phước báu cũng đến, khiến người ta chăm lo cho chùa khang trang. Những nơi như vậy không cần miệng lưỡi dụ dỗ, không cần chiêu trò mê tín để thu hút người dân. Những kiểu chiêu trò tuy có rực sáng lên, nhưng rồi sẽ lụi tàn vì tổn phước. Còn nơi chân chính thì phước báu lâu bền. Thời gian sẽ trả lời, và nhân quả là điều chắc chắn.

Cuối cùng, ai là người con Phật thì sẽ mong xây được cái chùa trong mỗi trái tim. Chùa này không hình tướng nhưng là cái chùa bền vững nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày