Chùa sắc tứ Khải Đoan - mạng mạch Phật giáo tỉnh Đắk Lắk

Chùa Khải Đoan được xây dựng vào năm 1951 trong thời kỳ chín mùi của phong trào chấn hưng Phật giáo, giai đoạn thống nhất Phật giáo 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Hưởng ứng việc hoằng dương chánh pháp, đem đạo vào đời, mang ánh sáng đạo Phật đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh, Đoan Huy Hoàng Thái hậu xây dựng chùa Khải Đoan trên cao nguyên Buôn Ma Thuột hiến cúng cho Tổng hội Phật giáo Trung phần. Bấy giờ, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trị sự Trưởng Tổng hội Phật giáo Trung phần tiếp nhận và công cử Hòa thượng Thích Đức Thiệu thay mặt tổng hội trông coi xây dựng. Về phía Hoàng triều, đức Từ Cung đặt cử thứ phi Mộng Điệp theo dõi việc tôn tạo.

thiep 1.jpg
thiep 2.jpg


Thiệp thỉnh chư tôn đức dự lễ khánh tạ lạc thành chùa Sắc tứ Khải Đoan

Chùa tọa lạc trên khu đất rộng hơn 7 mẫu 8 sào. Kinh phí xây dựng ban đầu do đức Từ Cung hỷ cúng, thêm vào đó là công đức của bá tánh thập phương. Năm 1953, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan”.

Khải Đoan là 2 chữ  đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa này.

Từ đây hội Phật giáo Đắk Lắk được thành lập, trải qua nhiều giai đoạn, từ Hội Phật học đến GHPGVNTN, ngày nay Khải Đoan là trụ sở của Phật giáo tỉnh Đắk Lắk nên dân gian quen gọi là chùa lớn hay chùa tỉnh.

Xuyên suốt hơn nửa thế kỷ, Khải Đoan kế tục 6 đời trụ trì: trụ trì đầu tiên là ngài Thích Đức Thiệu, kế tiếp đời trụ trì có các ngài Thích Từ Mãn, Thích Thiện Nhơn, Thích Quảng Hương, Thích Quang Huy. Đương kim trụ trì đời thứ 6 là Thượng tọa Thích Châu Quang, trưởng tử của Hòa thượng Thích Đức Thiệu.

 Khải Đoan luôn giữ vai trò Trung tâm Phật giáo tỉnh. Trụ sở Hội Phật học tỉnh Đắk Lắk đầu tiên đặt tại đây với người hội trưởng lúc ấy là cụ Hoàng Trọng Quang (thường gọi là cụ Hường). Kế đến, các đời hội trưởng có thầy Thích Đức Thiệu, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Nhơn, Thích Viên Đức, Thích Thuyền Ân.

Sau 1963, Phật giáo miền Nam thống nhất sinh hoạt các giáo phái, các hội Tăng-già và hội Phật học, Khải Đoan lại tiếp tục sứ mạng của mình là trung tâm sinh hoạt giáo hội tỉnh với các nhiệm kỳ chánh đại diện gồm thầy Thích Minh Đức, Thích Đức Thiệu, Thích Nguyên Thanh, Thích Quán Tâm, Thích Toàn Anh, Thích Định Hương, Thích Quang Huy, Thích Giác Dũng.

Năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đến nay, Khải Đoan vẫn gắn với văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà.

Việc hoằng hóa luôn được chư tôn đức quan tâm nên tổ chức Gia đình Phật tử được hình thành và nhiều khóa tu liên tục được tổ chức tại chùa Khải Đoan.

thiep 3.jpg
thiep 4.jpg


Thiệp mời lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, Phật tử... dự lễ

Tất cả những vị trụ trì chùa Khải Đoan đều có tâm nguyện xả thân cho đạo pháp để mạng mạch Phật pháp được trường tồn nên không nề khó nhọc, hy sinh.

- Như HT.Thích Đức Thiệu rời Buôn Ma Thuột để đi xây dựng cơ sở Phật giáo tại Pleiku, Kon Tum, Đà Lạt…

- Đại đức Thích Quảng Hương (Chánh đại diện Phật giáo Đắk Lắk, trụ trì chùa Khải Đoan) đã phát nguyện tự thiêu với tâm niệm tác động tâm thức của toàn thế giới nhằm thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên Hợp Quốc sớm đến miền Nam Việt Nam, chứng kiến tại chỗ chính sách bất công tàn bạo của Ngô Đình Diệm.

- HT.Thích Quang Huy luôn quan tâm đến những ngôi chùa miền hẻo lánh, đi giáo hóa vùng sâu vùng xa, thăm các trại phong…Trước phút viên tịch, Hòa thượng luôn nhắc nhở chúng đệ tử: “Nên giữ một tinh thần đoàn kết, hòa hợp sau lưng giáo hội để duy trì mạng mạch đạo pháp, nên tập một nếp sống thanh tịnh an hòa”. Hòa thượng còn mong mỏi các cơ sở của Giáo hội sẽ được nhà nước quan tâm trao trả, xin giúp đỡ cho những vùng kinh tế mới có những mái ấm tinh thần dù mái tranh vách lá để Phật tử có nơi lễ bái cầu nguyện…

Về mặt văn hóa, Khải Đoan là ngôi chùa được vua ban hiệu cuối cùng của triều Nguyễn, là ngôi chùa đầu tiên có mặt tại Đắk Lắk của tổ chức Phật giáo. Khải Đoan là cái nôi Phật giáo Tây Nguyên - từ đây hàng trăm ngôi chùa trong tỉnh được hình thành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày