Chùa Sắc tứ Tam Bảo - Kiên giang

Địa điểm: Phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá; Thành lập năm: Cuối thế kỷ 18; Người sáng lập: Bà Dương Thị Oán; Hệ phái gốc: Bắc Tông; Năm trùng tu: 1915, 1917, 1961, 1972, 1997 đến 2001; Điện thoại: 077.3862439.
chùa tam bảo thành phố rạch giá

Vào thập niên cuối thế kỷ 18, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (cư dân địa phương gọi là Bà Hoặng) đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ tiểu sử của bà Dương Thị Oán cũng như những vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa mà chỉ biết rằng, trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có một thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban Sắc tứ cho chùa vào năm 1803 và từ đó, được gọi là chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Nhà văn Sơn Nam trong quyển Hồi ký (tập 1 : Từ U Minh đến Cần Thơ) của ông kể lại rằng bà Dương Thị Oán giàu có nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương đã cho Nguyễn Ánh, khi đang trốn chạy Tây Sơn, những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt và có thể từ công ơn này mà sau này vua Gia Long đã ban Sắc tứ cho chùa Tam Bảo.

Đến năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo và 2 năm sau, Ngài cho đại trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc còn được lưu lại đến ngày nay. Năm 1917, công trình trùng tu hoàn tất. Hòa thượng Trí Thiền tiếp tục trụ trì cho đến năm 1941. Thời gian gần 30 năm trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo của Ngài là quãng thời gian ngôi chùa có nhiều sự kiện lịch sử nhất vì thế cư dân địa phương còn gọi chùa Tam Bảo là chùa Ông Đồng.

Sinh năm 1882 trong một gia đình nông dân tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Năm 30 tuổi, Ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Vĩnh Thùy tại chùa Hòn Quéo (huyện Hòn Đất) và năm sau, về trụ trì chùa Tam Bảo. Đầu thập niên 1930, Hòa thượng Trí Thiền tham gia phong trào Chấn hưng Phật giáo tại kỳ và trở thành một vị cố vấn có tên tuổi trong giới Phật giáo thời bấy giờ. Chính trong thời gian này, ông hội ngộ Sư Thiện Chiếu, một nhà sư có học vấn sâu rộng, tư tưởng tiến bộ theo chủ nghĩa Mácxít. Ngài rất tán đồng lập trường tiến bộ của Sư Thiện Chiếu và xem như một người đồng chí.

Thiền sư Thiện Chiếu, ngoài thế danh là Nguyễn Văn Sáng, còn có một tên khác là Nguyễn Văn Tài và một bí danh là “Xích Liên “ (Bông sen đỏ), sinh năm 1898 tại Gò Công. Năm 8 tuổi, Ngài theo hầu ông nội là Thiền sư Huệ Tịnh (trụ trì chùa Linh Tuyền, Gò Công) để vừa học Phật pháp, vừa học chữ Nho. Năm 1923, Ngài về trụ trì chùa Linh Sơn (Sài Gòn ) và sau đó, cộng tác với Hội Nam kỳ Nghiên Cứøu Phật Học trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo do Thiền sư Khánh Hòa chủ trương. Tuy nhiên, một thời gian sau, Ngài bất đồng chánh kiến với tổ chức này và đến năm 1936, Ngài đến Rạch Giá gặp Hòa thượng Trí Thiền đề nghị cùng thành lập một tổ chức Phật giáo thực sự tiến bộ. Thế là, Hội Phật Học Kiêm Tế được thành lập tại Rạch Giá và  chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa của Hội. Chánh tổng lý của Hội là Hòa thượng Trí Thiền, hai phó tổng lý là Hòa thượng Bửu Ngươn (trụ trì chùa Thập Phương) và Hòa thượng Bửu Thành (trụ trì chùa Phước Thạnh). Tạp chí Tiến Hóa ra số đầu tiên vào đầu năm 1938 do Phan Thanh Hà (Sư Pháp Linh) làm Chủ bút và Chủ nhiệm là ông Đỗ Kiết Triệu. Tên gọi Phật Học Kiêm Tế đã nêu bật ý hướng của những người chủ trương : ngoài việc tìm hiểu Phật pháp còn thực hành kinh bang tế thế. Tên gọi Tiến Hóa cho thấy lập trường tiến bộ của tạp chí. Thực vậy. Trong những số báo của Tiến Hóa (xuất bản mỗi tháng một kỳ), người ta tìm thấy những bài viết đề cao chánh pháp, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân trí… Linhhồn của tạp chí Tiến Hóa là những bài viết xuất sắc mang đậm quan điểm Duy vật biện chứng của Sư Thiện Chiếu và Sư Pháp Linh. Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai… Thời gian này, Hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa là những công cụ hợp pháp để Hòa thượng Trí Thiền, Thiền sư Thiện Chiếu và các cộng sự thực hiện nhiệm vụ chấn hưng đạo pháp và tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1940, chùa Tam Bảo là địa điểm liên lạc của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Thế rồi, tháng 6-1941, do bị chỉ điểm từ Sa Đéc, Mật thám Pháp ập vào khám xét chùa Tam Bảo, bắt Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân cùng số tài liệu và vũ khí tự tạo. Khi bị bắt và tra tấn tại chỗ, sư Thiện Ân đã đạp đổ một cái bàn trên đó chất đầy tạc đạn. Tạc đạn nổ khiến tên chánh mật thám Sa Đéc chết ngay tại chỗ và làm bị thương một tên lính khác. Sư Thiện Chiếu trốn thoát được, Hòa thượng Trí Thiền bị Tòa Đại hình của Thực dân Pháp kết án 5 năm đày Côn đảo, còn Sư Thiện Ân bị kết án tử hình Năm 1943, Ngài tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và hy sinh trong ngục tối ngày 26.6 AL, thọ 62 tuổi.

Sư Thiện Ân (thế danh Trần Văn Thâu) là một Đảng viên Cộng sản. Trong thời gian hoạt động bí mật tại chùa Tam Bảo, Ngài phụ trách cất giấu tài liệu, vũ khí và bố trí nơi ăn, ở cho các cán bộ cách mạng đến liên hệ công tác. Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Aân được công nhận là Liệt sĩ.

chùa tam bảo thành phố rạch giá

Trốn thoát được về Sài Gòn, Sư Thiện Chiếu tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1942, Ngài bị bắt, bị tra tấn đến bại xuội và bị đày đi Côn đảo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngài tham gia Tỉnh ủy Gò Công và tập kết ra Bắc năm 1955. Năm 1956, Ngài sang Trung Quốc làm Tổ trưởng Ban Phiên dịch Nhà xuất bản Ngoại văn tại Bắc Kinh. Năm 1961, Ngài về Hà Nội, công tác tại Viện Triết học (Ủy Ban Khoa Học Xã Hội) và qua đời tại đây năm 1974, thọ 76 tuổi.

Sau khi Hòa thượng Trí Thiền bị đày ra Côn đảo, chùa Tam Bảo không có trụ trì cho đến năm 1956 và từ 1957 đến 1995, các đời trụ trì là Thượng tọa Tâm Chơn (1957 – 1962), Hòa thượng Bổn Châu (1962 – 1970), Hòa thượng Thiện Đạo (1970 – 1974), Hòa thượng Bổn Châu (1974 – 1995). Hòa thượng Bổn Châu thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40 có thế danh là Trần Văn Bạch, sinh năm 1922 trong một gia đình trung nông có truyền thống yêu nước trọng đạo tại huyện Cái Bè (Tiền Giang). Năm 1945, khi bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngài trực tiếp tham gia phong trào kháng chiến tại quê nhà. Sau Hiệp định Genève, năm 1957, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam trong 2 năm vì là người kháng chiến cũ không chịu hợp tác. Năm 1959, sau khi được trả tự do, Ngài xuất gia tại chùa Vạn Thọ (Sài Gòn) và dự khóa Như Lai Sứ Giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Ấn Quang. Năm 1962, Ngài được cử về trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo đến năm 1970 và lần thứ hai từ 1974 đến 1995. Trong thời gian trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo trước ngày Giải phóng, Ngài cùng Cư sĩ Trịnh Văn Minh thường xuyên vận động tài chính mua lương thực, thuốc trị bệnh tiếp tế cho Quân Giải phóng qua ngã huyện Gò Quao. Sau ngày Giải phóng, Ngài là Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kiên Giang phụ trách công tác tôn giáo và là Đại biểu HĐND tỉnh suốt nhiều nhiệm kỳ. Năm 1981, hưởng ứng công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, với tài tổ chức của Ngài, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang là một trong số những Tỉnh hội đầu tiên của cả nước và trong 3 nhiệm kỳ liền từ 1981 đến 1993, Ngài là Phó Trưởng ban TT Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang phụ trách Phật giáo Bắc Tông. Năm 1993, Ngài lâm trọng bệnh và viên tịch; 2 năm sau đó, thọ 73 tuổi đời, 32 tuổi đạo. Bảo tháp của Ngài được tôn tạo tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Nổi tiếng là một người có tài làm thơ  và có nhiều bài viết về Phật pháp được đăng trên báo trước và sau ngày Giải phóng với bút danh Trần Trung Nghĩa, khi lâm trọng bệnh, Ngài đã viết một bài thơ xem như đó là những lời cuối cùng của một con người đã hết lòng vì đạo vì đời:

Nhâm Tuất sinh ra giữa chợ đời
Cái Bè huyện ấy vốn quê tôi
Thế danh thường gọi Trần Văn Bạch
Mẹ Giỏi, cha Lưu cùng một nơi

Nóp giáo lên đường theo tiếng gọi
Trường kỳ chiến đấu chẳng hề lui
Tù đày Năm Bảy, tu Năm Chín
Về trụ chùa này tuổi Bốn mươi

Sắc lệnh Như Lai bổ sứ về
Tứ phương đạo pháp phá tà mê
Tam thời chuyển pháp hoằng khai đạo
Bảo tạng huyền thâu tứ diệu đề

Tự tại thần thông qua bến giác
Bút thần đưa kẻ vượt sông mê
Ký tên bút hiệu Trần Trung Nghĩa
Lưu dấu pháp danh Thích Bổn Châu

Phật bổ về đây tu ở đây
Công phu công quả dạ nào sai
Tam ngươn vọng bái về Linh thứu
Tứ quí hằng lo phụng tổ thầy

Rạch Giá trụ trì Tam Bảo tự
Hoằng khai chánh pháp đức Như Lai
Tế nhơn lợi vật tâm hằng giữ
Phật bổ về đây tu ở đây

Mấy chục năm qua phụng tổ thầy
Đạo đời nặng gánh dạ nào phai
Đắng cay thuận nghịch lòng không nản
Dạ chắc bền gan chí chẳng lay

Giả từ bổn đạo ở nơi đây
Hãy gắng lo tu sẽ gặp thầy
Bên đạo bên đời vai gánh nặng
Công tròn quá mản trở về Tây

Lúc sống ít nhiều cũng có sai
Xin cùng tất cả thảy ai ai
Thân này sai phạm chi chi đó
Mong được thứ tha lỗi những ngày

Địa ngục thiên đường cũng tại tâm
Khổ đau chìm đắm bởi mê lầm
Não phiền dứt bỏ Bồ đề hiện
Chẳng nhọc Tây phương chạy kiếm tầm (1993)

Sau khi Hòa thượng Bổn Châu viên tịch, Trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo từ năm 1995 đến nay là Đại đức Thiện Chơn (thế danh Lâm Văn Minh). Sinh năm 1962 trong một gia đình sùng tín Phật pháp tại huyện Châu Thành (Kiên Giang), năm 23 tuổi, thầy xuất gia tại chùa Tam Bảo với Hòa thượng Bổn Châu và tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học năm 1995. Cũng trong năm này, Đại đức Thiện Chơn được bổ nhiệm trụ trì chùa Tam Bảo và hiện nay, là Chánh Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Rạch Giá, Đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên MTTQ thị xã, Ủy viên MTTQ phường, Ủy viên Hội Chữ Thập Đỏ phường Vĩnh Lạc.. Sau khi về trụ trì, Đại đức Thiện Chơn đã bắt đầu cho trùng tu chùa Tam Bảo như trùng tu Chánh điện (1997), Hậu Tổ (1998), Tây lang (1999), xây cất dãy xá cho chư Tăng ni an cư kiết hạ (2000) và Đông lang (2001) Nếu vào những năm từ 1955 đến 1980, chùa Tam Bảo là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt thì từ 1981 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang  và là nợi sinh hoạt Phật sự của tỉnh. Năm 1988, được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa của quốc gia. Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh Kiên Giang với lối kiến trúc còn nguyên trạng suốt 80 năm qua. Trong chùa còn lưu giữ được những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ như toàn bộ các bao lam trên Chánh điện được chạm trổ tinh vi theo dạng “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”,  “Song Phụng Triều Châu”, “Bát Tiên”… với màu sơn son thếp vàng còn rực rỡ, quần thể tượng gỗ Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm Thế Chí… đạt trình độ cao.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày