NSGN - Chùa Thanh Thủy (Kiyomizu-dera,清水寺) tọa lạc tại núi Otawa, nằm về phía Đông thành phố Kyoto. Đây là ngôi cổ tự thuộc tông Hossō (Pháp Tướng tông), một tông phái tương đối nhỏ của Phật giáo Nhật Bản được Dosho (Đạo Chiêu, 道昭, 629-700 TL) thành lập vào năm 657. Hossō là một trong những tông phái tồn tại lâu dài nhất ở Nhật Bản và khá hưng thịnh khi Nara là thủ đô của nước này. Tông phái này tiếp tục tồn tại ở Nhật Bản cho đến ngày nay, trong khi nó đã suy tàn ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngôi chùa được đặt tên là Thanh Thủy (Kiyomizu: dòng nước trong) bởi do vị trí tọa lạc của nó gần một dòng nước trong xanh từ núi Otawa chảy xuống. Ngôi chùa này do thầy Enchin (Viên Trân, 円珍, 814-891) thành lập vào năm 798 nhờ vào sự bảo trợ của Sakanoue no Tamuramaro (758-811), một vị tướng quân nổi tiếng của Nhật. Theo truyền thuyết, Enchin mơ thấy một vị nữ thần sắc vàng bay từ ngọn núi Otawa xuống sông Yodogawa. Khi đến đó tìm hiểu sự việc, ông gặp một ông lão đang ngồi trên một khúc gỗ. Ông lão nói với Enchin rằng ông đã dành 200 năm qua để niệm Bồ-tát Quán Thế Âm (Kannon).
Ông lão muốn Enchin hãy ngồi lên chỗ của ông để ông có thể lên núi một lát. Ông cũng nói với Enchin rằng khúc gỗ mà ông đang ngồi trên đó là một vật liệu tốt có thể dùng tạc một bức tượng Quán Thế Âm. Enchin chờ khá lâu nhưng không thấy ông lão quay trở lại. Mong gặp lại ông lão nên Enchin trèo lên một ngọn núi gần đó và nhìn thấy một đôi giày nằm trên đỉnh đồi. Enchin chợt nhận ra rằng ông lão không ai khác hơn chính là Bồ-tát Quán Thế Âm, và đôi giày để lại cho biết “ông lão” đã quay về trú xứ của mình. Enchin vội vàng quay trở lại khúc gỗ, quyết định tạc nó thành bức tượng Quán Thế Âm như lời vị Bồ-tát đã đề nghị.
Hai mươi năm trôi qua, nhưng Enchin vẫn không biết làm thế nào có thể tạc một bức tượng thích hợp từ khúc gỗ này. Cuối cùng, một ngày nọ, có một vị tướng quân tên là Tamuramaro vào khu rừng để săn một con hươu cho người vợ đang mang thai của ông (người ta tin rằng máu của hươu có thể giúp cho việc sinh nở được dễ dàng). Sau khi săn được một con hươu, ông gặp Enchin ở trong rừng. Enchin bèn thuyết giảng cho ông về sự quý giá của đời sống vạn loài và lòng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm. Hối hận vì đã sát hại con hươu và cảm kích với tâm thành của Enchin, Tamuramaro phát nguyện thực hành theo giáo huấn của Enchin và phụng thờ Bồ-tát Quán Thế Âm. Ông quyết định tháo dỡ căn nhà của mình để dùng nó kiến tạo một ngôi chùa gần bên một thác nước. Với sự giúp đỡ của Tamuramaro, Enchin đã hoàn thành việc tạc tượng và tôn trí bức tượng đó trong ngôi chùa mới mà về sau trở thành chùa Thanh Thủy.
Cũng theo truyền thuyết, sau khi cúng dường xây chùa xong, Tamuramaro tham gia vào một cuộc viễn chinh bình định những cư dân bản địa ở miền Bắc Nhật Bản. Nhờ việc làm này, hoàng đế đã ban cho ông một ngôi nhà đẹp. Tamuramaro sau đó cũng đã cúng dường ngôi nhà này cho chùa. Thật khó để xác định được tính chân thực của những truyền thuyết liên quan đến chùa Thanh Thủy, vì ngôi chùa nguyên thủy đã nhiều lần (ít nhất năm lần) bị hỏa hoạn thiêu rụi. Vào cuối thế kỷ XVI, Toyotomi Hideoshi, người đã thống nhất Nhật Bản, đã dành nhiều thời gian ở chùa và để lại đây một số vật thể, mà nhiều trong chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi chùa phát triển vào đầu thế kỷ XVII, nhưng rồi với một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hầu hết những kiến trúc nguyên thủy. Những thiệt hại nhanh chóng được khắc phục, và hầu hết những tòa kiến trúc được kiến tạo lại và hoàn thành vào năm 1633. Những kiến trúc hiện tại nói chung có niên đại từ thời kỳ này, ngoại trừ một số ít kiến trúc thoát khỏi trận hỏa hoạn nằm ở mạn Tây của ngôi chùa.
Vào thời đế chế Mạc phủ Togukawa, những người cai trị đã cho khôi phục lại những công trình kiến trúc và nghệ thuật, đặc biệt vào thời Tokugawa Iemitsu. Hiện quần thể này bao gồm 15 công trình kiến trúc khác nhau, và hầu hết đều được làm bằng gỗ. Điểm đặc biệt nhất của chùa Thanh Thủy là ngôi đại điện và tiền sảnh lớn của nó. Tiền sảnh này được dựng trên 168 trụ cột gỗ và trông rất ấn tượng. Trong ngôi chánh điện thờ những bức tượng Thiên thủ thiên nhãn nhỏ. Ngôi tháp ba tầng là một trong những công trình kiến trúc nổi bật khác tại quần thể chùa Thanh Thủy. Kiến trúc hiện tại có niên đại vào năm 1633. Ở góc Đông nam của mái tháp, ta có thể thấy tượng một con rồng mà nó được xem là thủy thần trong việc bảo vệ ngôi tháp tránh khỏi hỏa hoạn. Lầu chuông được xây dựng vào năm 1596 và được trùng tu lại vào năm 1999, tuy là một công trình nhỏ, nhưng trông khá ấn tượng.
Bởi vì lịch sử và địa điểm tọa lạc của mình, chùa Thanh Thủy từ lâu đã là một địa điểm chiêm bái và tham quan nổi tiếng của người Nhật, và cũng là một trong những ngôi chùa đẹp ở Kyoto thu hút nhiều khách du lịch mỗi năm. Chùa Thanh Thủy được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.