GNO - Sáng nay, 31-3 (4-3-Đinh Dậu), tại chùa Thiền Tôn 2 (số 360 đường số 30 Lương Định Của, Q.2, TP.HCM) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 81 Tổ Hiển Kỳ (Thích Hiển Kỳ) viên tịch.
HT.Thích Tắc Lãnh thay mặt cho HT.Thích Tắc An cung tuyên tiểu sử Tổ Hiển Kỳ
HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT.Thích Viên Giác, UVTT HĐCM; HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Tắc An, Thành viên HĐCM, Trưởng tông phong Thiên Thai Giáo Quán Tông; HT.Thích Thiện Tánh, Phó chủ tịch HĐTS cùng chư tôn đức HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM; chư tôn đức môn đồ pháp quyến, Phật tử các giới về tham dự.
Tại buổi lễ, HT.Thích Tắc Lãnh, Trưởng ban điều hành tông phong Thiên Thai Thiền Giáo Tông đã cung tuyên tiểu sử Tổ Hiển Kỳ.
Thay mặt cho chư tôn đức chứng minh, HT.Thích Trí Quảng đã có lời đạo từ tán dương công hạnh của Tổ Hiển Kỳ trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam và đưa Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới.
HT.Thích Trí Quảng ban lời đạo từ
HT.Thích Lãng Huỳnh dâng lời cảm tạ
Thay mặt môn đồ đệ tử, HT.Thích Lãng Huỳnh dâng lời cảm tạ tới toàn thể chư tôn đức Tăng Ni về tham dự buổi lễ.
Trong không khí trang nghiêm chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM thành kính dâng nen tâm hương tưởng niệm lễ húy nhật lần thứ 81 cố Trưởng lão HT.Thích Hiển Kỳ viên tịch cùng chư tiền bối hữu công đối với đạo pháp và dân tộc.
Cũng trong buổi lễ, TT.Thích Lệ Trang đã cùng chư tôn đức trong Ban Kinh sư và Phật tử các giới cử hành khóa lễ tụng kinh nhân lễ húy nhật của Tổ Hiển Kỳ.
Chư tôn đức Tăng Ni thành kính dâng hương tưởng niệm nhân buổi lễ
Và đảnh lễ Tổ
Được biết, Tổ Hiển Kỳ thế danh Trần Quốc Lượng tự Trần Quốc Ngởi, xuất thế năm Quý Hợi (1863), quê ở làng Rạch Quau, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Hòa thượng là đệ tử nối pháp với Đại sư Đế Nhàn thuộc dòng Thiên Thai Giáo Quán Pháp Hoa tông đời thứ 19 chi phái Cao Minh Tự. Thuở thiếu niên, ngài rất có nhiều thiện căn, với chí hướng tu hành lúc tuổi đời còn rất trẻ, 11 tuổi đã ăn chay trường.
Trong khoảng cuối thế kỷ thứ 19, các vị Lão sư Lưu Đạo Nguyên, Trương Đạo Dương thường qua lại giữa Trung Quốc và Sài Gòn - Gia Định để truyền bá đạo Minh Sư. Duyên lành hội đủ, Hòa thượng đảnh lễ cầu xin xuất gia học đạo với Lão sư Lưu Đạo Nguyên và được ban cho pháp danh là Đắc Chân - lúc đó vừa tròn 12 tuổi. Từ đó Hòa thượng theo các vị Lão sư tu học và được đưa về Thanh Sơn Đạo Quán Thuần Dương cung tại Hồng Kông tiếp tục thực hành theo Đạo Minh Sư.
Trong thời gian này ngài rất tinh tấn nên được các bậc đồng tu kính trọng. Các vị Đại lão sư tại Thuần Dương Cung Đạo Quán lần hồi liễu đạo thoát hóa. Hòa thượng được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Tổ sư làm Trưởng môn phái Đạo Minh Sư Hồng Kông - Trung Quốc. Đạo Minh Sư là Đạo Tiên, giáo lý pha lẫn ba tôn giáo: Khổng, Lão, Phật giáo, do đó ngài có nhân duyên điều kiện đọc tụng tiếp cận kinh điển Phật giáo.
Tổ xem kinh Phật lâu ngày bỗng nhiên tỏ ngộ lời Phật dạy, Tổ biết đường lối tu tiên không đạt đến kết quả giải thoát và thấy chỉ chứng quả A-la-hán của đạo Phật mà đã vượt thoát sanh tử, huống chi quả vị Vô thượng Bồ-đề. Mấy mươi năm hành trì theo tôn chỉ đạo Tiên, nay tỏ ngộ đạo Phật, Tổ băn khoăn giữa 2 ranh giới của dòng tư tưởng, nhất là hiện đang giữ chức vị trong Đạo Minh Sư. Cuối cùng, ngài mạnh dạn quyết định bỏ Tiên về Phật.
Năm 1922, Hòa thượng đến Quán Tông Giảng Tự - núi Tứ Minh, huyện Cẩm, tỉnh Triết Giang đảnh lễ Đại sư Đế Nhàn - vị cao Tăng thời bấy giờ, cùng thời với Hư Vân lão Hòa thượng, Đại sư Thái Hư… cầu quy hướng Phật giáo. Đại sư Đế Nhàn hoan hỷ thế phát xuất gia, đặt pháp danh là Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ, đồng thời cung thỉnh Thập sư truyền Sa-di, rồi Tỳ-kheo Bồ-tát giới, chính thức bước vào Tăng đoàn của Phật giáo.
Sau khi trở về Hương Cảng, Hòa thượng cải đổi Thuần Dương Cung Đạo Quán thành Thanh Sơn thiền viện. Từ đây, Hòa thượng ngày đêm tịnh tu và dạy đệ tử tham cứu tu tập yếu chỉ tam quán của Đại sư Đế Nhàn truyền thọ và chuyên trì pháp môn niệm Phật theo truyền thống “Thai Tịnh” của tông môn (nghĩa là kết hợp pháp chỉ quán của Tông Thiên Thai và pháp môn Tịnh Độ nên gọi là Thai Tịnh).
Từ năm 1924 đến 1935 vì muốn tất cả thiện tín xa gần hiểu được chân lý Phật đà, Hòa thượng đã cung thỉnh chư vị Pháp sư: Phật Khả, Kỷ Tu, Quán Thanh, Diệu Tham, Bảo Tịnh, Phật Thọ… về đạo tràng Thanh Sơn thăng tòa thuyết pháp, nhờ đó mà hàng vạn chúng sanh được triêm ân pháp nhủ.
Hòa thượng là người văn hay chữ tốt, lúc sinh thời, ngài thường kết giao các thiện tri thức uống trà đàm đạo, ngâm vịnh, thi phú… được kết thành sách: “Thanh Sơn thiền viện đại quán”. Sách gồm có: Hiển Kỳ trụ trì sự lược nhiều tài liệu nói về chùa Thanh Sơn và gần 100 bài thơ khen ngợi cảnh quan chùa Thanh Sơn cùng những lời dạy của ngài đối với Tăng chúng.
Sau khi ổn định việc tu hành truyền bá Phật pháp tại thiền viện Thanh Sơn, Hòa thượng muốn cho các tín hữu, môn đệ Minh Sư tại Việt Nam hướng về đạo Phật, Tổ viết: “Tôi đầy đủ nhân duyên, được tiếp cận giáo lý Phật đà, hiểu thấu lời Phật dạy, giáo lý của Đức Phật có thể đưa chúng sanh thoát khỏi cảnh đau khổ chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh, nên bỏ Tiên về Phật, các vị cố gắng tìm phương tiện sang đây để được lãnh thọ giới pháp của Phật”.
Từ năm 1928 đến 1935, có 7 vị môn đệ từ Việt Nam đến đạo tràng Thanh Sơn thọ pháp, nhờ đó mà Tông Thiên Thai được phát triển tại Việt Nam, hiện nay có hàng trăm ngôi chùa tu tập truyền bá Tông chỉ “Thai Tịnh” trong cả nước.
Tổ Hiển Kỳ tôn trí tại Tổ đường chùa Thiền Tôn 2
Hạnh nguyện viên thành, cơ duyên giáo hóa quần sanh đã mãn, ngày mùng 4-3-Bính Tý (26-3-1936), ngài an nhiên thị tịch tại chùa Thanh Sơn (Trung Quốc), trụ thế 74 năm; đệ tử xuất gia, tại gia rất nhiều tại Hương Cảng (Trung Quốc), trong đó có 7 vị đệ tử người Việt truyền bá tông chỉ Thiên Thai Pháp Hoa tại Việt Nam.
Tổ là người đầu tiên trong đạo Minh Sư bỏ Tiên về Phật, đắc đạo giải thoát, Tổ chẳng ngại gian khó, nơi đất khách quê người trải thân hành đạo, đào tạo Tăng tài, tiếp dẫn hậu lai.
V.G