Chứng nhận tuổi già và miên man tháng 7

GNO - Năm 16 tuổi tôi không còn sống chung với gia đình nữa. Tôi vẫn luôn nhớ nghĩ trong tâm mình về tuổi già của ba mẹ. Cả hai gắn bó cùng mấy sào đất cát miền Trung với mùa lúa, mùa sắn nên nhìn dáng vẻ già hơn trước tuổi.

Tôi vẫn an tâm rằng ba mẹ vẫn còn trẻ tuổi, thế mà một lần về thăm nhà gần đây tôi chợt giật mình. Trên bức tường được quét vôi lại, bên cạnh những bức ảnh cũ xưa là hai bằng chứng nhận của ba mẹ tôi. Không phải bằng chứng nhận gì lớn lao mà chỉ là hai chứng nhận của hội người cao tuổi.

tuoi gia.jpg


Mong ba mẹ mãi thanh thản với tuổi già - Ảnh minh họa từ internet

Tôi đoán ba mẹ chắc cũng mới nhận nó đây thôi. Tôi thầm nghĩ như vậy để mong rằng ba mẹ mình vẫn còn trẻ. Không biết ngày ba mẹ nhận nó về thì tâm trạng thế nào, phải chăng là rất vui hay man mác nỗi buồn như tôi?

Tôi miên man với những nghĩ ngợi bất định ấy. Ngày chính thức là thành viên của hội người cao tuổi, chắc rằng những thành viên mới sẽ vui vì mình cũng sống tới cái tuổi “thọ” chứ không phải bất hạnh như những người chỉ “hưởng dương” hay như kẻ “tóc còn xanh”. Có nó, ít ra thì bản thân sống vẫn có sự quan tâm của xã hội chứ không phải chỉ một mình một bóng.

Bằng chứng nhận người cao tuổi là sự quan tâm, yêu thương, gắn kết giữa con người với nhau.

Với tôi, khi biết ba mẹ là thành viên hội người cao tuổi thì tôi thấm một nỗi buồn lênh láng ở đáy tâm hồn. Có chứng nhận nghĩa là ba mẹ đã già, đã “tới tuổi”; nghĩa là cái ngày mà  ba mẹ rời bỏ chốn Ta-bà này cũng sớm hơn; là cái ngày tôi sẽ không còn có người để lâu lâu gọi điện về hỏi thăm sức khỏe. Cũng có nghĩa là cái ngày anh chị em tôi sẽ sớm cài cành hoa hồng trắng khi mỗi mùa Vu lan trở về đang đến, rất gần...

Suốt chặng đường dài trở về thành phố, tôi cố quên đi cái bằng chứng nhận ấy. Nó như nỗi đèo bòng trĩu nặng làm bánh xe thêm chậm lại. Dọc con đường gió sông thoảng mùi lúa và mùi đất, con cò nghiêng cánh về phía mênh mông tôi trở lại với ý thức vô thường. Đời ai trẻ mãi không già, đời ai không hơn một lần khóc quấn khăn tang?

Chỉ mong ba mẹ ngày ngày an vui khỏe mạnh để nhìn cái chứng nhận hội người cao tuổi đến lúc giấy ố vàng, nét mực phai. Tôi sẽ thực tập nhiều hơn nữa tri kiến và cảm nhận vô thường để đến ngày cha mẹ khuất bóng khỏi phải bàng hoàng hụt hẫng.

Có lẽ hơn một người như tôi vẫn luôn nặng lòng với câu ca dao:

Đêm đêm ngồi thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Tôi biết không có ba mẹ nào “sống đời” với con bằng hình hài tứ đại mà chỉ có con cái mới sống với máu mủ của mẹ cha. Hơi thở, nhịp tim, nụ cười, giọng nói, vóc dáng, màu da… là của ba của mẹ. Sống cho một kiếp sinh tử. Kiếp ấy, ông bà đã đến và đã đi; kiếp ấy, ba mẹ đã đến và sẽ đi; kiếp ấy, ta sẽ không khác ngoài ba mẹ…

Những miên man của cuộc đời hay là tiếng mõ câu kinh đang thổn thức trong tôi. Một ngày dù trần gian này vắng bóng ba mẹ nhưng vẫn còn hơi ấm tình thương ở trong tôi, trong cõi nhân thế này.

Fan Thạnh (TT-Huế)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày