Chuyển đổi số và con đường phía trước của Báo Giác Ngộ

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lúc còn đảm nhiệm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ lắng nghe duyệt trình các văn bản liên quan tới hướng phát triển của báo trong giai đoạn chuyển đổi số - Ảnh: Bảo Toàn
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lúc còn đảm nhiệm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ lắng nghe duyệt trình các văn bản liên quan tới hướng phát triển của báo trong giai đoạn chuyển đổi số - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ ngày 1-1-2023, Báo Giác Ngộ bước vào chặng đường của năm thứ 48, tính từ ngày ra số báo đầu tiên (1-1-1976), đồng thời tiếp tục xác nhận là tờ báo hoạt động liên tục lâu dài nhất trong 95 năm lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam kể từ khi tạp chí Pháp Âm ra đời.

Di sản vô giá

Với 47 năm hình thành và phát triển, Báo Giác Ngộ đã làm tròn vai trò lịch sử là tiếng nói của Phật giáo yêu nước sau ngày Tổ quốc thống nhất; đồng hành cùng cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đưa đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; gắn bó với từng bước phát triển của Giáo hội từ năm 1981 và vẫn đang tiếp tục thực hiện trách vụ của mình trong giai đoạn kế tiếp.

Việc Báo Giác Ngộ được giữ nguyên, không phải sắp xếp lại trong chiến lược quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ cũng như TP.HCM cho đến năm 2025, thêm một lần nữa khẳng định vai trò cũng như sự tin cậy đối với Báo trong việc chuyển tải thông tin chính thống của đất nước, mà tôn giáo là lĩnh vực không thể thiếu.

Với bản thân, có phước duyên gắn bó, làm việc cụ thể qua nhiều vai trò trong tòa soạn và Ban Biên tập Báo Giác Ngộ, chúng tôi không chỉ cảm nhận mà còn chứng kiến những bước đi, sự chuyển động qua cách thể hiện các sản phẩm báo chí theo từng năm tháng.

Sự chuyển đổi ấy không diễn ra ồ ạt hay nhìn thấy được một cách rõ rệt như của một số cơ quan báo chí khác, dù vậy, sự chuyển đổi của Báo Giác Ngộ không vì vậy mà kém phần ngoạn mục.

Trước hết, đó là thái độ và quan điểm trong việc chuyển tải thông điệp yêu nước, bắt đầu từ thời điểm báo được chuyển giao về Thành hội Phật giáo TP.HCM (nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM) chủ quản vào năm 1990.

Qua các lần làm việc, trao đổi giữa lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Báo là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng với quý vị lãnh đạo thành phố, Báo đã có sự thay đổi lớn trên lập trường thông tin, thể hiện tiếng nói của Phật giáo trong trách nhiệm báo chí đối với sự phát triển chung. Đó là sự thay đổi mang tính nền tảng để Báo Giác Ngộ đi vào từng gia đình người Phật tử, từng ngôi tự viện, với hệ thống của Giáo hội từ Trung ương cho tới địa phương. Sự thay đổi đáng kể ấy còn góp phần đưa Báo Giác Ngộ trở thành một kênh thông tin chính thức của Giáo hội.

Cũng từ đó, Báo có trụ sở làm việc đàng hoàng, khang trang; xuất bản tuần san, nguyệt san, Giác Ngộ online; Ban Từ thiện xã hội làm chiếc cầu nối giữa bạn đọc với các hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động ngoại vi đa dạng từ phong trào tuổi trẻ cho tới giáo dục (Phật học hàm thụ, tiền thân của khoa Đào tạo từ xa thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM ngày nay),... Và gần nhất là việc định hướng phát triển đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu thông tin theo bối cảnh thời đại.

Thành tựu của Báo Giác Ngộ trong 47 năm qua, trên phương diện vật chất lẫn tinh thần, là di sản vô giá mà đội ngũ kế thừa hôm nay tiếp nhận được qua sự tạo dựng của các thế hệ lãnh đạo, sự đóng góp của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và lớn hơn nữa là lãnh đạo Giáo hội cũng như đất nước, để từ đó, vững bước đi vào chặng đường ở năm thứ 48 và giai đoạn tiếp theo.

Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và TP.HCM tại lễ ra mắt phiên bản Giác Ngộ online mới 2021 - Ảnh: Bảo Toàn

Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và TP.HCM tại lễ ra mắt phiên bản Giác Ngộ online mới 2021 - Ảnh: Bảo Toàn

Chuyển đổi số và con đường phía trước

Đại dịch Covid-19 là một biến cố chưa từng có đối với thế giới, mà Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt, tại TP.HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trong cả nước, biến cố này mang ý nghĩa rất lớn. Báo chí, trong đó có Giác Ngộ, chứng kiến cận cảnh đời sống của người dân dưới tác động của đại dịch - sự băng hoại xã hội do lòng tham lam và ích kỷ được phơi bày, đồng thời các giá trị nhân văn cũng được thắp sáng.

“Ảnh hưởng nghiêm trọng”, “nhiều khó khăn”,... đó là những gì mà chúng ta thường nghe trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, không chỉ đối với báo chí mà là vấn đề chung cho nhiều lĩnh vực khác.

Riêng với báo chí, sự phát triển mạnh của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc thói quen trong phương thức tiếp cận, sản xuất và chia sẻ thông tin. Thách thức đó, chồng thêm khó khăn hậu Covid-19, khiến sự chật vật cho các cơ quan báo chí tăng gấp bội.

Từ đó, chuyển đổi số là con đường sống còn của các cơ quan báo chí. Vấn đề đó đã được đặt ra, cảnh báo, thúc đẩy qua nhiều hội nghị, diễn đàn tại TP.HCM cũng như quốc gia mà Báo Giác Ngộ được tham dự.

Nhớ lại những ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thời điểm Việt Nam được kết nối với thế giới qua mạng internet, một vị Tăng sĩ người Úc tiên phong trong lĩnh vực đưa Phật giáo lên mạng internet đã mạnh dạn khẳng định rằng, nếu Đức Di Lặc ra đời trong hoàn cảnh này, thì chắc chắn Ngài không thể không sử dụng đến phương tiện internet để hoằng pháp!

Những năm gần đây, chúng ta thường nghe ứng dụng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số, được giới thiệu là việc ứng dụng các tiện ích sẵn có của công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề thực sự phải được đặt ra ở đây trước khi chuyển đổi về hình thức, đó là chúng ta phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, như nguyên tắc chuyển hóa mà Đức Phật đã nhấn mạnh trong kinh Pháp cú: Ý dẫn đầu các pháp...

Sẽ không có sự biến đổi ngoạn mục hay phép mầu nào xảy ra cho dù chúng ta có phương tiện tốt đẹp, tối tân bao nhiêu, nếu con người không có sự đổi mới, cập nhật, luôn học hỏi và sẵn sàng điều chỉnh bản thân, nhất là đối với công tác báo chí phục vụ cho số đông.

Đó cũng là con đường mà tập thể Báo Giác Ngộ, từ Ban Biên tập, tòa soạn cho tới nhân viên hành chánh, phát hành, công tác bạn đọc, từ thiện xã hội... phải nhận thức, từng bước đi trong điều kiện thay đổi bản thân một cách chủ động, tự làm mới, mà không bị tác động hay cuốn trôi theo khẩu hiệu hô hào mệnh danh là xu hướng tất yếu của thời đại.

Thay đổi để tiếp tục hoạt động, phát triển, phục vụ số đông trong một môi trường xã hội hiện đại, để những thông điệp từ bi, trí tuệ của Đức Phật, những điều tốt lành đến với cộng đồng không chỉ Tăng Ni, Phật tử, những người yêu mến đạo Phật mà còn giới thiệu một lối sống để có được hạnh phúc, an lạc thực sự và lâu dài, đó là việc mà Báo Giác Ngộ, hay nói đúng hơn là những người làm báo Giác Ngộ phải nhận thức là con đường mà mình cần thiết đi tới.

Không phải ước mơ, hay thách thức, mà đó là con đường tất nhiên của mọi hiện hữu, nhằm kế thừa di sản các thế hệ trước đã tạo dựng và đi tiếp con đường mà lịch sử đã chuyển giao, trong lý tưởng của người Phật tử, “hãy lên đường vì hạnh phúc, đem an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.

Đó là đôi điều mà Ban Biên tập muốn gửi đến chư Tăng Ni, bạn đọc thân thiết, những vị luôn dành cho Báo Giác Ngộ tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, thay cho lá thư Tổng Biên tập vào dịp đặc biệt: Kỷ niệm thành lập Báo, đánh dấu tròn 47 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày