Chuyện gì đang xảy ra ở chốn học đường?

GN - Đầu tháng 3-2015, trên mạng lan truyền đoạn video clip ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh (khoảng 4-5 người) mặc đồng phục áo trắng, đeo khăn quàng đỏ, chửi thề, túm tóc đánh đập túi bụi một nữ sinh khác trong góc tường của lớp học. Em nữ sinh này thậm chí còn bị ghế nhựa liên tục phang trúng đầu. >> Khi niềm tin khủng hoảng
Anh PGTT GN 787.jpg
Trong môi trường hiền hòa, các em sẽ vun bồi được tâm từ - Ảnh minh họa

Báo chí dẫn lời thầy Phan Thanh Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) xác nhận những hình ảnh đau lòng trong đoạn video clip trên xảy ra tại lớp 7/5 của trường.

Theo đó, vụ việc xảy ra lúc 12g ngày 13-1 (trước giờ học buổi chiều) tại lớp 7/5 của trường. Nạn nhân bị đánh trong video clip là nữ sinh Nguyễn Thị Hồng P. (học sinh lớp 7/5).

Dư luận bức xúc. Tất nhiên là sẽ bức xúc vì sự việc xảy ra ngay ở trường học, nơi đào tạo con người thành người hoàn thiện cả kiến thức lẫn đạo đức làm người. Trong môi trường giáo dục, đề cao “Tiên học lễ, hậu học văn”, mà lễ nào phải chỉ có kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô mà còn có yêu mến, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, những người thân cô, thế cô...

Thế mà đau lòng làm sao, khi nhóm học sinh cùng trường lại cùng tham gia đánh hội đồng người bạn của mình một cách tàn nhẫn rồi còn nhẫn tâm hơn khi bình tĩnh quay lại clip, đưa lên mạng để “chia sẻ” với cộng đồng!

Chuyện gì đang xảy ra ở chốn học đường - cụ thể trong nếp ứng xử với bạn bè, cũng như chuyện gì đang xảy ra đối với những bạn nhỏ tuổi còn trẻ măng, lứa tuổi học trò cần sự hồn nhiên, trong sáng kia? Giáo dục có lỗ hổng nào khi cứ cải cách liên tục khiến cho chiếc cặp học trò nặng thêm với sách vở, kiến thức, học ngày học đêm để thành... thần đồng nhưng lại vô cảm với bạn bè, đối xử với nhau bằng nắm đấm, bằng tung chưởng đầy bạo lực?

Trộm nghĩ một điều là, khi áp lực học hành quá căng, khi mà những căn bệnh thành tích của ngành giáo dục đè nặng lên nhà trường rồi đè lên vai giáo viên tới học sinh... đã khiến cho các em trở thành nạn nhân với tâm lý nặng nề, stress, dẫn tới lối hành xử bạo lực! Cuộc sống khó khăn chắc chắn có tác động ít nhiều tới tâm tính con người, khiến con người ít nhiều mất đi sự kiểm soát vốn có sự hiểu biết và chứa đựng tình thương.

Tất nhiên, nói như thế không phải là chúng tôi tìm cách bênh vực những hành vi sai trái đã diễn ra ở câu chuyện đánh nhau cá biệt, gần nhất được báo chí phát hiện kia vì ý thức cá nhân của mỗi người mới quyết định hành vi. Việc “học lễ” đã bị bỏ qua trong gia đình lẫn nhà trường. Ở nhà thì người lớn bận trăm công nghìn việc, nhiều bữa cơm gia đình bị cắt giảm, cha mẹ lo làm kiếm tiền nhiều hơn là quan tâm, trò chuyện cùng con. Chưa kể, nhiều gia đình xào xáo kéo dài, tình trạng ly hôn xảy ra nhiều khiến người trẻ lớn lên thiếu hụt điểm tựa gia đình vững chãi, thiếu được chăm sóc kỹ càng hoặc từ đó được bù đắp theo kiểu dư dả vật chất nhưng lại không đầy đủ ấm áp của tình thương...

Ở trường thì thầy cô giáo lo dạy chương trình trong sách, rồi dạy thêm, cũng lo “gói thành tích” của mình - đã hết giờ rồi thì còn đâu thời gian sinh hoạt cùng học trò, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để các em chia sẻ, truyền tải tới các em những bài học nhân văn, sâu lắng, bồi dưỡng tâm hồn các em? Chính vì thế, thi thoảng có tấm gương thầy cô đem chuyện nhân văn này kia trao đổi, gợi mở, định hướng kỹ năng sống cho học trò lại được khai thác như một điểm sáng trong trường học (điều mà lẽ ra thầy cô nào cũng nên làm với học trò).

Trong xã hội hiện nay, nhiều nguồn tin, trang mạng xã hội với thượng vàng hạ cám trong thế giới internet ẩn tàng nhiều “mã độc”. Các em lớn lên được trang bị công nghệ hiện đại nhưng lại không được trang bị kỹ năng sống tích cực nên càng nguy hiểm. Không chỉ là game online mang tính chất bạo lực mà tin tức từ những trang mạng tràn lan với đủ kiểu hành xử côn đồ, kích thích hạt giống bạo lực cũng là nguồn cơn dẫn tới những hành xử nông cạn của các em học trò tuổi mới lớn, thích chứng tỏ!

Nghĩ tới đây và chợt nhớ về hành vi bạo lực của người lớn, chính những người lớn hơn còn không kiềm chế được bản thân, làm bậy. Cụ thể và mới nhất là 6.200 người nhập viện hôm Tết Ất Mùi vừa qua từ gây gổ, đánh nhau thì trách sao trẻ mới lớn không học đòi. Nói chung, người lớn muốn dạy con trẻ tốt lên thì tự thân phải sống đúng chuẩn mực, biết quan tâm, trở thành bạn chứ không phải ra rả những lời hay ý đẹp mà thôi.

Đồng thời, qua đây, chúng tôi cũng nghĩ tới những khóa tu dành cho thanh thiếu niên, ở đó nhà chùa dạy các em ăn chay, sống thiện, thương cha mẹ, kính trọng thầy cô, giúp đỡ bạn bè... một cách gần gụi - biết đâu đấy là một cơ hội để các em lớn lên được có vốn liếng tốt đẹp mà vào đời...

Chúc Thiệu

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày