GNO - Các chuyên gia báo cáo, khẳng định rằng hơn 600 ngôi chùa ở Bagan tại khu phức hợp 10.300ha đã bị hư hại bởi các nhà xây dựng không đủ tiêu chuẩn.
Nơi đây là một trong những di tích lịch sử vĩ đại, một thành phố thời trung cổ trong rừng rậm Myanmar, một kho tàng khảo cổ học xếp hạng ngang với Angkor Wat của Campuchia, nhưng địa điểm Phật giáo Bagan đang bị cố tình phá hủy trong nỗ lực phục hồi lạc lõng.
Bagan, trước đây gọi là Pagan - là một trong những điểm thu hút lớn nhất ở Myanmar
Các chuyên gia báo cáo rằng hơn 600 ngôi chùa tại đây, một thành phố phát triển mạnh giữa thế kỷ thứ 9 và 13, đã bị hư hại bởi các nhà xây dựng không đủ điều kiện được thuê bởi chính phủ. Trong một số trường hợp các công trình trong quá trình cải tạo đã được xây dựng lại hoàn toàn, làm mất đi tính nguyên vẹn cấu trúc ban đầu.
"Họ sử dụng một cái xẻng trong khi họ nên sử dụng một cây cọ", Sun Oo, một kiến trúc sư đang khảo sát địa điểm Bagan nói. "Những tòa nhà (được xây dựng lại) không còn giá trị kiến trúc, nghệ thuật cổ xưa. Tại sao du khách lại đến thăm chúng?"
Kể từ khi chính quyền quân sự Myanmar từ bỏ quyền lực 5 năm trước, du khách nước ngoài đã đến đất nước - và Bagan, trước đây gọi là Pagan - là một trong những điểm thu hút lớn nhất. Ở đỉnh cao của Vương quốc Bagan, đã có đến 10.000 đền chùa.
Trong một dấu hiệu của sự quản lý yếu kém, không rõ có bao nhiêu trong số đền chùa này tồn tại trong khu vực khảo cổ Bagan, bao gồm 10.300ha. Năm 1975, con số này được xác định lại là 3.312, nhưng hiện nay được cho là 2.230.
Nhiệm vụ của việc duy trì địa điểm to lớn này thuộc về Bảo tàng Quốc gia Myanmar, nhưng theo ông Sun Oo, một thành viên của ban quản lý di sản, hệ thống chỉ định thầu để thực hiện các công việc phục hồi là vô cùng tai hại.
"Đã đến lúc thay đổi hệ thống đưa công tác bảo tồn ra đấu thầu", ông nói.
"Các thợ xây được thuê bởi các công ty đấu thầu thường không có các kỹ năng cần thiết. Không có đủ trình độ để làm công việc bảo tồn các kiến trúc cổ. Điều này đòi hỏi kinh phí, năng lực xây dựng và vật liệu thích hợp".
Năm ngoái, ít nhất 2 ngôi chùa bị sụp đổ vì không đủ năng lực phục hồi do mưa. Kyaw Oo Lwin, trưởng khoa khảo cổ và bảo tàng quốc gia, cho biết công trình 10m gọi là Ngôi chùa số 1752 đã được phục hồi vào năm 2003 bằng loại gạch không đúng loại.
"Một số ngôi chùa Bagan hơn 1.000 năm tuổi", ông Kyaw Oo Lwin cho biết vào thời điểm đó. "Chúng rất mong manh và giống như người cao tuổi cần phải được chăm sóc luôn luôn. Việc sụp đổ một phần là phổ biến, nhưng đây là lần đầu tiên toàn bộ cấu trúc bị sụp đổ".
Du khách đến Bagan trả một khoản phí là 5.000 kyat (5,6 USD) và doanh thu năm ngoái đã vượt quá 5 triệu USD. Nhưng chỉ có 2% trong số này được chi tiêu cho bảo quản, 90% sẽ về tay chính phủ và phần còn lại là cho các công ty quản lý thu phí.
Văn Công Hưng (Theo The Times)