Chuyện người bán báo ở đường Nguyễn Thị Định

Kính tặng chú Giang Tích Quang!

GN - Có thể nói, tôi với ông là bạn vong niên. Thi thoảng cà-phê và bàn chuyện đạo, đời. Câu chuyện có khi không đầu không cuối, lửng lơ, nhưng nó cứ ám lòng nhau. Ông bán báo vỉa hè (gần chợ Chiều, quận 2), hàng ngày phải thức lúc 3 giờ khuya để lấy báo và tới chính ngọ thì ông về nhà. Một người đã dự phần lục tuần và một kẻ đang tiến dần tới tuổi bốn mươi cứ gật gù bên nhau thơm câu chuyện đầy sen.

Chọn cách tu

Từ thiếu thời, ông đã rất thích có bộ ảnh Di Đà Tam Thánh. Ông mày mò học thêu, học vẽ và một ngày đẹp trời bức tranh sống động đầy tâm nguyện đã ra đời: Di Đà Tam Thánh. Ông đã tôn trí ảnh ấy và thờ từ bấy cho đến nay. Màu thời gian chỉ làm cho bức thánh tượng thêm đẹp đẽ, uy nghi và khắc sâu niềm tin nơi Chánh pháp mà ông hằng theo đuổi.

Ông nói: Thời mạt pháp trong muôn vạn pháp môn, chỉ có pháp môn niệm Phật A Di Đà là thù thắng nhất. Nó đơn giản, phù hợp mọi thời gian, công việc, nhưng mầu nhiệm khó kể xiết. Ai tu nấy biết mà!

IMG_0304.JPG


Chú Giang Tích Quang (trái) ngày ngày bán báo và nhiếp tâm niệm Phật

Ông tìm hiểu đạo pháp thông qua kinh, sách và rồi lặng lẽ phát tâm ấn tống hoặc sao đĩa kinh, đĩa giảng pháp tặng cho những ai thích tìm hiểu Phật pháp.

Những buổi chiều cà-phê cùng nhau, tôi với ông chia sẻ một chút chuyện đời, một chút chuyện đạo dưới cái nắng nhè nhẹ và chút gió se se bước vào tối. Những cánh mai chiếu thủy trắng trong veo thoang thoảng thơm quyện với lời yêu thương, tôi nghe phút ấy cuộc sống bỗng đẹp và chậm chảy mặc cho nhịp gấp ồn ã của phố thị.

Có lần tôi hỏi ông có sợ chết không? Ông chuẩn bị cho mình như thế nào phút giây ấy? Ông mỉm cười, nhấn mạnh: Ai cũng một lần chết và sống. Miễn sống sao cho đúng và chết sao cho an lành. Ăn thua ở cách sống và cách chết. Đã tu theo Phật A Di Đà thì luôn nguyện cầu về cõi Tịnh độ, thì huống gì phải sợ chết. Đó chỉ là phút giây rời khỏi cõi này mà sang cõi khác vậy. Cõi đó có thể tốt lành, an lạc hoặc cũng có thể tối tăm, kinh hãi… tất cả do nghiệp huân tập của mỗi người mà ra vậy.

Buông hết đam mê

Từ rất lâu, ông đã thích sưu tập đá và yêu chúng say sưa. Không chỉ đến với đá, ông còn yêu cây cảnh, đặc biệt là mai vàng. Ông thích đọc sách văn chương nhưng vì công việc, vì cuộc sống mưu sinh và nghịch duyên gia đạo nên tự ông đã tìm cách hãm mình, buông bỏ hết những đam mê đầy tính nghệ thuật và dung hòa giữa tình người với tự nhiên.

“Nghe đá, nhìn vóc dáng đá, gẫm thấy nhiều chuyện đời ẩn chứa qua chúng lắm ông à” - ông tâm sự. Có lần ông chia sẻ: Vợ tôi thích cuộc sống thực tế hơn, nên khi thấy tôi ngày ngày chăm bón, tưới cây mai vàng bà ta tỏ vẻ không vui. Bà ấy từng nói, làm chi cho nhọc mệt để có ngắm nhìn hương hoa trong mấy ngày Tết. Ông im lặng với vợ. Ông thích ngắm dáng mai, biết sức sống, vẻ đẹp của chúng thay đổi từng ngày.

Ông nói: Cả năm chăm bón, chỉ cần một giờ ngắm cánh mai vàng đón nắng xuân lòng tôi cũng thơ thới, thấy cuộc đời đẹp biết bao, thấy tuần hoàn cuộc sống trong an lành thật an nhiên tự tại. Chăm cây cảnh hay chơi đá cảnh bằng sự đam mê ấy cũng như mình tu vậy. Nếu tu hành bằng cả đam mê, tâm huyết, dốc hết sức thì chắc rằng đời này, kiếp này sẽ được về với Phật A Di Đà. Vì nếu bản thân tôi không gắng ở hiện đời này thì biết bao giờ tôi mới đạt được ý nguyện. Một khi nhắm mắt xuôi tay, máu không còn chảy về tim nữa thì luân hồi lục đạo đang diễn tiến, thì sự khổ đang hiển bày. Tôi sợ phút đó hiện ra, bởi muôn vạn lần như vậy có thể đã diễn biến trong mỗi người chúng ta, nhưng do còn mê ngộ mà chưa biết. Nay được làm người, được biết pháp, tu theo Phật thì nhất nhất phải làm cho bằng được. Bởi Đức Bổn Sư từng nói đại ý như vầy: Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành. Hãy tự thắp đuốc cho mình và đi theo Chánh pháp.

Sau đó tôi chỉ thấy ông ngày ngày bán báo và nhiếp tâm niệm Phật. Ông từ bỏ thói quen với những niềm đam mê cuộc sống, để cho yên cửa vui nhà.

Và mỗi sớm mai khi trời hãy còn tĩnh lặng, ông lại chạy xe máy đến đại lý lấy báo bán. Khóa tụng kinh lễ Phật thứ nhất trong ngày của ông bắt đầu từ niệm hồng danh Phật trên đường lấy báo về bán.

Tôi tự dặn lòng mình, đã gần gũi thiện tri thức rồi sao còn chưa buông hết những vụn vặt đời thường, sao còn chưa chấn chỉnh bản thân, sao còn chưa nguyện theo Phật và niệm Phật chắc chắn sẽ thành Phật, nếu hành trì thuần thục và kiên cố Tín - Hạnh - Nguyện.

Một cánh sen và nhiều cánh sen từ tâm đang dần hé nở…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày