GN - Xóm nghèo lắm! Vào năm 1978 dễ gì có nước máy! Hầu như cả xóm nhỏ chỉ trông cậy vào một nguồn nước duy nhất: con rạch thị trấn Chợ Gạo cũ (thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Nước cũng nghèo. Nào có trong trẻo gì cho cam! Nó sậm màu, lờn lợt như cánh gián. Chỉ vậy thôi mà không biết bao nhiêu người chen chúc nhau gánh về sử dụng. Tại bến, cái bậc thềm xi-măng trơn trợt, rong rêu vẫn không ngớt dấu chân người. Tiếng trẻ con í ới, ồn ào cả một đoạn sông. Chúng nghịch phá, quậy bùn lên đen quánh một vùng. Dăm người lớn tìm nơi nước trong trầm mình, tha hồ kỳ cọ. Vài phụ nữ thản nhiên đem thau chậu, áo quần dơ xuống giặt trực tiếp tại đây. Nước dơ và xà phòng đổ tràn lênh láng. Trông đến khiếp! Quen rồi, nào thấy ai góp ý, phê bình gì đâu?! Nhà nhà chấp nhận, cả xóm đều xài. Ai cũng mua phèn về lóng đục. Nghề mới đã phát sinh. Gánh nước mướn! Cũng bình dân thôi, 500đ/đôi chưa kể xa gần. Cô Ba Thinh đầu xóm chịu khó gánh, chuyên cần nên cũng lo xong bữa chợ.
Nhà tôi cũng không nằm ngoài danh sách ấy. Tôi đảm đương việc này nên khỏi phải mướn. Được ít lâu, con rạch đã chuyển mình làm khó! Một đợt nước mặn tràn về ngập úng cả một đoạn sông. Để khắc phục, chính quyền địa phương cho đắp đập để ngăn dòng nước quái quỷ ấy. Xa xa, cầu Bến Trâu xưa chỉ là nơi hội tụ những con trâu tắm vũng, nay phải nhập thêm lượng người khổng lồ xuống đây sinh hoạt. Vừa xong, ai cũng thồ thêm hai can nước to đùng về cho cả nhà cùng xài. Lại khai sinh nghề “thồ nước”.
Trước bối cảnh ngặt nghèo, cha tôi quyết định đào cái giếng khoan. Mẹ và các em can ngăn vì cho rằng việc làm tương đối táo bạo và sẽ “khủng hoảng” về kinh tế! Tôi không tham gia cuộc chiến “gia đình” vì mong chờ một nước cờ sáng suốt của người ngoài cuộc. Nhưng cuối cùng, lệnh cha cũng được ban hành. Cha dốc toàn bộ tiền tích lũy, mướn người đào giếng, đặt ống sâu gần 8m. Lại có người xấu mồm, độc miệng cho rằng nhà tôi làm “công quả”!
Mặc bao lời ong tiếng ve, cha vẫn cứ làm. Giếng được hoàn thành bên nỗi niềm hân hoan, phấn khởi của cả gia đình tôi. Cha kêu bà con, xóm giềng gánh nước về xài khỏi phải đi xa. Ai cũng muốn phụ vô ít tiền vào khoản chi phí xây cất. Cha cười và bảo: “Ai đời đi bán nước cầu vinh!”. Người thật sự để lại ân đức cho cháu con sau này tận hưởng. Có số cô bác ái ngại, lựa lúc cha vắng nhà len lén đưa mẹ tôi khi chục trứng, mớ rau hoặc con cá ngon vừa câu được. Mẹ giấu bặt cha những việc này. Tôi phì cười khi biết chuyện.
Và thực tế đời đã chứng minh điều ấy. Sau này, cả ba anh em tôi đều khá giả và làm nên. Một kỷ niệm xưa quá đẹp và tuyệt vời làm tôi không bao giờ quên được...
Nguyễn Công Khanh