“Chuyện nhỏ” từ tượng Phật

GN - Chuyện xôn xao từ những “linh vật lạ” được trưng bày trong các cơ sở di tích, đền chùa, công sở, nay đã tạm lắng xuống, vì có công văn, quyết định từ chính quyền, Ban Tôn giáo yêu cầu gỡ bỏ các “linh vật” ấy ra khỏi cơ sở. Nhưng một hôm, đi thỉnh tượng Phật cùng người bạn, bỗng băn khoăn vài điều không biết có nên bày tỏ?...
tuong Phat.jpg
Tượng Phật - Ảnh minh họa

Vào những cửa hàng bán tượng Phật bây giờ thật không khỏi ngạc nhiên khi thấy hầu hết đều trưng bày tượng Phật ngoại nhập, mà chủ yếu xuất xứ từ Đài Loan. Và những tượng Đài Loan ấy cũng đã hiện diện trong rất nhiều chùa Việt. Nhưng hình như có gì đó lấn cấn khi nhìn thấy những gương mặt hơi “xa lạ” với nhân chủng người Việt, cứ thấy mắt mũi miệng môi má kia rất… Tàu, khiến những ai khó tính và nhạy cảm sinh lòng phản đối. Nhưng dù có phản đối đi chăng nữa thì phía sau đó là một thực tế không thể phủ nhận…

Nói cho công bằng, các tượng Đài Loan này điêu khắc hình ảnh Đức Phật Thích Ca, A Di Đà, Dược Sư, và Quan Âm Bồ-tát cùng các vị A-la-hán khá đẹp, mẫu mã phong phú, đường nét uyển chuyển, mềm mại. Chưa kể, chất liệu cũng phong phú hơn, bằng ngọc trắng, ngọc xanh, đá, gỗ, đặc biệt có loại nhựa mới tổng hợp rất đẹp, dễ tạo hình tạo nét tỉ mỉ, phối màu thật “Tây”, sang trọng. Loại nhựa này đỡ lo sứt mẻ, nên được người ta thỉnh nhiều. Giá cả của tượng Phật Đài Loan thường gấp 4-8 lần một tượng Phật tương đương kích cỡ của các xưởng Việt Nam sản xuất. Nhưng người ta vẫn thỉnh, không hề tiếc tiền. Không chỉ chùa chiền mua tượng, mà cá nhân người ta cũng mua về thờ tại tư gia rất nhiều.

Trong khi đó, vào các xưởng của Việt Nam, đặc biệt ở khu Phú Lâm nổi tiếng, thì không mấy phát triển so với vài chục năm trước. Vẫn những chất liệu xi-măng và mẫu mã y như cũ, đường nét đơn giản, màu sắc thanh nhã, nhưng trong sự đơn giản và thanh nhã ấy xem chừng có cả sự đơn điệu nữa. Sự đơn điệu này đã khiến người ta nhàm chán và họ hướng đến những tác phẩm mới mẻ, độc đáo hơn. Tượng đá Đà Nẵng thì có phần sang trọng, nhưng khó phổ biến vì không phải ai cũng biết chuộng màu trắng tinh khôi ấy. Cho nên, đa số vẫn chọn những tượng Phật có màu sắc. Và kiểu phối màu của tượng Đài Loan hiện nay đang chinh phục khách hàng so với kiểu phối quá đơn điệu của tượng Phật Việt Nam.

Cuộc sống bây giờ đã khác, người ta đã có tiền nhiều hơn xưa, và có cả kiến thức về nghệ thuật, cho nên người ta không chỉ thờ Phật vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn hướng đến cảm xúc nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật điêu khắc. Cho nên, một bức tượng trên bàn thờ không chỉ để vái lạy mà còn để thưởng thức nữa. Chân-Thiện-Mỹ đâu có tách rời. Vì vậy, không thể trách khi người ta chấp nhận tìm đến tượng Phật Đài Loan. Chưa hết, tôi thử lên mạng tìm những bức hình Phật và Bồ-tát để in ra treo lên tường thay cho tranh nghệ thuật, thì mới thấy hầu hết cũng là tranh ảnh từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, một ít từ Thái Lan, với nhân chủng của người dân xứ họ. Nhưng vì những tác phẩm ấy đẹp, nên mình cứ phải chọn lựa.

Đúng ra, nghệ thuật là không có biên giới, dù ở quốc gia nào nếu tác phẩm ấy đẹp thì người ta sẽ chấp nhận. Tuy nhiên, đứng về mặt văn hóa, về tự hào dân tộc, thì chùa Việt nên thờ những bức tượng có nét điêu khắc Việt, thẩm mỹ Việt. Tại sao chúng ta chỉ biết chê bai và phản bác những thứ ngoại lai mà không chịu đầu tư cho những sản phẩm của chính mình? Trách nhiệm đó thuộc về ai? Có họa sĩ nào, kỹ sư nào thao thức tìm ra những chất liệu và mẫu mã cho hàng Việt? Có doanh nghiệp nào chấp nhận bỏ vốn để cạnh tranh với hàng ngoại? Một thị trường đang nhộn nhịp như thế mà chúng ta bỏ trống cho kẻ khác nhảy vào. Một “bộ mặt” văn hóa dân tộc rất cần bảo vệ như thế mà chúng ta cũng bỏ trống cho kẻ khác “che đi”. Thử tưởng tượng vài năm sau nữa, đi chùa Việt nào cũng thấy những “ông Phật” mắt hí hí, môi xếch xếch, cằm có nọng đầy đầy bên dưới…! Không biết chuyện này có là “chuyện nhỏ” hay không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày