Chuyện về “Ông Ba mươi”

Chuyện về “Ông Ba mươi”
Mỗi năm, lịch của người phương Đông chọn một con vật để cầm tinh. Theo thứ tự, cọp đứng hàng thứ ba trong 12 chi, sau chuột và trâu. Chuột và trâu là hai con vật gần gũi, sống cùng với người dân trong nhà. Cọp là con vật sống ở rừng, nổi tiếng là hung dữ, vì sao cọp cũng được chọn?

Năm hết, Tết đến. Theo chu kỳ, năm nay là năm Canh Dần, tức là năm con cọp.

Mỗi năm, lịch của người phương Đông chọn một con vật để cầm tinh. Theo thứ tự, cọp đứng hàng thứ ba trong 12 chi, sau chuột và trâu. Chuột và trâu là hai con vật gần gũi, sống cùng với người dân trong nhà. Cọp là con vật sống ở rừng, nổi tiếng là hung dữ, vì sao cọp cũng được chọn?

Trong dân gian nước ta, cọp vừa là con vật nguy hiểm, mọi người ai cũng sợ cọp vồ, nhưng cọp cũng là con vật có nghĩa, được mọi người thờ cúng ở đình làng, miếu mạo.

Cọp sinh sống trong rừng, chuyên ăn thịt sống. Cọp săn mồi bằng móng vuốt thật sắc. Thức ăn của cọp là nai, mễn, dê rừng… Khi đói quá, cọp cũng mò xuống suối để rình bắt cá. Khi túng quá, cọp liều lĩnh vào làng để bắt lợn, bắt dê. Nhiều khi, cọp tấn công cả người. Ngày xưa, khi còn hoang vu, người dân luôn lo sợ khi màn đêm buông xuống, cọp vào khu người sinh sống để rình rập bắt người là chuyện thường.

Dân chúng sợ hãi cọp đến độ không dám nói thẳng tên, mà phải gọi trớ đi. Nào là ông Ba mươi, ông Ba cụt, ông Ba ngoe, ông Thầy, ông Hổ, chúa Sơn lâm… sợ rằng nói đến tên Cọp thì sẽ bị cọp vồ, cọp tha.

Mà dân chúng sợ cọp cũng phải. Thời xưa, dân cư thưa thớt. Rừng rậm còn nhiều, thú hoang sống đầy rừng. Ban đêm, cọp đi kiếm mồi. Thú nhỏ, thú to phải lo ẩn nấp. Cọp đói về làng bắt người là nỗi khiếp sợ của bao người dân lương thiện. Ở bên Trung Quốc có chuyện Võ Tòng đả hổ. Ở nước ta cũng có chuyện người giết hổ cứu dân. Ở Nam Bộ, khoảng năm 1770, vùng Tân Kiểng - Chợ Lớn có con cọp hung dữ thường vào làng bắt heo, bắt dê và bắt cả người. Một hôm, người dân báo hổ vào làng. Hai nhà sư có võ nghệ là  Hồng Ân và Trí Năng đã xung phong đi đánh hổ. Hai vị sư đã dùng côn để đánh hổ cứu dân. Tuy giết được hổ nhưng nhà sư Hồng Ân cũng bị thương nặng và qua đời. Ở vùng Cần Giuộc - Long An, nhà sư Tăng Ngộ giúp dân chặt cây rừng, mở đường giúp dân thông thương, làm ăn, gặp cọp dữ sư Tăng Ngộ đã giết cọp để cứu dân. Mọi người yêu quý xây chùa thờ cúng, nay là chùa Ông Ngộ ở Cần Giuộc.

Cọp hung dữ hại dân thì có người giết cọp cứu dân, nhưng khi cọp bị thương, bị khó thì con người cũng sẵn sàng cứu cọp. Như chuyện bà mụ Trời ở Cà Mau đỡ đẻ cho cọp. Bà mụ Trời tên là Trần Thị Hoa là bà mụ đỡ đẻ rất mát tay. Một hôm, sau khi đi đỡ đẻ về, gần đến nhà bà bị một con cọp đực chặn đường, mọi người cùng đi hoảng sợ chạy tán loạn. Cọp bắt bà mụ đi. Hôm sau, mọi người thấy bà trở về lành lặn, vui vẻ. Bà kể lại việc chuyện cọp đực bắt bà vào rừng đỡ đẻ cho cọp cái. Từ đó về sau, thỉnh thoảng trước nhà bà khi thì heo rừng, khi thì nai… được ai để trước sân nhà. Thì ra, đó là quà từ con cọp đực mang đến để đền ơn.

Hay như ở Châu Đốc, Tăng chủ chùa Tây An đã cứu con cọp trắng hóc xương. Lúc xưa, vùng Thới An còn hoang vu, một hôm đi xa về, thầy Tây An thấy một con cọp trắng bị bệnh sắp chết, ốm tong teo. Biết cọp bị bệnh do hóc xương, thầy Tây An bảo ông Tăng chủ ra cứu. Tăng chủ đập mạnh vào cổ cọp, miếng xương văng ra. Cọp trắng mừng rỡ, nhìn bằng đôi mắt biết ơn, rồi từ từ đi vào rừng. Từ đó về sau, không còn cọp nào vào làng phá hại dân nữa. Thầy Tây An đi đâu, cọp trắng cũng đi theo. Khi cọp trắng già chết, thầy xây một cái miếu nhỏ để thờ. Đền thờ cọp trắng ngày nay vẫn còn ở chùa Phật Thầy Tây An - Châu Đốc. Tuy mang tiếng là hung dữ, song cọp cũng có nghĩa, nhớ ơn người đã cứu giúp mình.

Bên cạnh đó, cũng có chuyện cọp tu hành. Như ở Núi Lớn - Vũng Tàu, gần chợ Bến Đá, có ngôi chùa Điện Bà, còn dấu tích hai cái hang lớn. Đó là hai cái hang của hai ông thần Hổ ở tu ngày xưa. Chiều chiều, khi tới giờ công phu của các thầy, hai ông Hổ thường đến sân chùa ngồi nghe kinh. Chẳng bao giờ hai ông Hổ bắt heo, bắt gà hay hại người. Một hôm, một ông Hổ bị người Pháp bắn nhầm khi đi kiếm mồi ở rừng. Còn một ông Hổ ở đó cho tới chết.

Cọp đối với người Việt có sự gắn bó sâu đậm về tâm linh. Rất nhiều đình làng, miếu mạo có miếu nhỏ thờ ông Hổ hay một bức tường đắp tượng ông Hổ bằng miểng sành để thờ cúng. Ở lăng Trần Thủ Độ - Nam Định có thờ một tượng ông Hổ bằng đá vôi. Ở đền Thánh Trần Hưng Đạo - TP.Hồ Chí Minh cũng có thờ ông Hổ vàng to tướng uy nghi, khói hương không dứt.

Về chuyện đời, người sinh tuổi cọp thường là người khẳng khái, thẳng tính, tôn trọng lẽ phải, không chịu nịnh nọt, luồn cúi. Rất nhiều người tuổi Dần  có tâm đạo, hết lòng phụng sự đạo pháp.Thế gian thường nói, phụ nữ tuổi Dần khó lấy chồng, nhưng thật ra, tuổi Dần hay tuổi gì trong 12 chi cũng đều là cách người soạn lịch ghi ra để giúp mọi người nhớ năm sinh của mình. Là Phật tử, chúng ta luôn tin tưởng vào giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni. Đó là luật Nhân quả, Luân hồi. Nghiệp do chính chúng ta tạo nên và chúng ta hưởng quả từ nghiệp. Vì thế, dù sinh năm Dần, chúng ta đã tạo nghiệp lành thì nhất định chúng ta sẽ hưởng phước báu. Do đó, được mang thân làm người, chúng ta làm theo lời Phật dạy, sẽ được hưởng phước muôn đời:

“Người tạo được nghiệp thiện,

Làm xong, không ăn năn,

Hoan hỷ, lòng phơi phới,

Hái quả phúc thường hằng”.

(Kinh Pháp Cú 68)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày