Cô bé đan len

GN - Gặp em Trần Thị Mỹ Son, cư trú tại thôn 10, xóm Cống, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi vô cùng xúc động. Không thể tự mình đi lại được, từ nhỏ đến giờ em phải dựa hoàn toàn vào chiếc xe lăn, nhưng chưa một ngày nào em tuyệt vọng.

Với đôi chân sưng phù, bất động, những ngày mùa mưa lạnh, các khớp xương chân vốn mềm của em khiến em vô cùng đau đớn. Máu từ các đầu ngón chân lại ứa ra. Những lúc ấy, em mím môi thật chặt.

Bai (1).jpg

Son tập đan len để quên đau đớn

Dù bệnh tật, nhưng hàng ngày, em vẫn giúp mẹ những việc trong gia đình và tự chăm sóc bản thân mình chứ không bao giờ phiền đến ba mẹ. Em kể rằng, nhiều lúc ráng tập đi, ngã xuống, máu chảy ra rất nhiều, chân như muốn đau buốt tận xương, nhưng em cắn răng chịu đựng, không nói cho ba mẹ biết những tổn thương mình gặp phải. Bởi em hiểu ba em đang gánh một gánh nặng quá lớn trên lưng, còn mẹ thì cũng đang lâm trọng bệnh.

Không để mình trở thành một người vô ích, em Trần Thị Mỹ Son đã miệt mài tập đan len và hiện nay đã thành thạo khá nhiều trong việc đan những sản phẩm nho nhỏ. Đôi chân đau đớn từng ngày từng giờ nhưng đôi tay của Son dù khẳng khiu nhưng rất khéo léo. Thời gian rỗi, em thường tháo ra đan lại rồi lại tìm hiểu những mẫu đan mới để mong có được những sản phẩm với hy vọng biết đâu rằng một ngày nào đó sẽ có người mua, sẽ có thêm ít tiền để ba mẹ em bớt khổ. Cứ như thế, những mũ len, khăn choàng len, áo len cứ lần lượt ra đời trong căn nhà bé nhỏ ấy.

Son bảo rằng nhiều bác sĩ quan tâm, định hướng cho em cách tập luyện và chữa trị nhưng hiện nay, vấn đề nan giải nhất của em là tài chính. Căn bệnh em đang mang trong người có tên khoa học là Hemangioma (tức là u mạch máu). Do đã 19 năm hình thành, di căn vào xương tủy, vào cả ổ bụng của em nên mọi phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật hay bằng xạ trị, thuốc cũng có tác dụng tương đối mà thôi.

Nhưng dẫu còn một hy vọng, em vẫn không chùn bước trên con đường giành giật lại sự sống của mình. Nhưng giờ dù chữa trị bằng phương pháp nào thì số tiền cũng rất lớn, lên đến vài trăm triệu. Mà thật sự trong nhà em giờ không kiếm đâu ra một vật có giá trị đến một triệu, huống gì đến vài trăm triệu.

Khi nói về những dự định sắp tới của mình, dù đã cố gắng cầm lòng, đôi mắt vẫn rưng rưng, Trần Thị Mỹ Son chia sẻ: “Em mong có một điều kỳ diệu nào đó giúp cho đôi chân của em bớt nặng nề, đau đớn, để em có thể đi lại được bình thường, tự làm nuôi sống được bản thân. Dù biết rằng, may mắn với em bây giờ là rất nhỏ nhoi nhưng em sẽ nỗ lực hết sức dù chỉ còn một ngày được sống...”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày