Có một chú tiểu như thế

GN - Trí nhanh nhẩu chạy vù xuống bếp, lấy hai cái dĩa nhỏ đặt ngay ngắn lên bàn thờ, sau đó chú chờ đợi cô Phật tử lấy mấy chai dầu ăn từ trong túi ni-lông ra. Cô Phật tử này lạ lắm, chú Trí chưa thấy tới chùa bao giờ, dù chú đã ở đây hơn hai năm. Cô Phật tử khấn khấn rồi lạy xuống, chú cứ đứng nhìn không thôi.

CHU TIEU.jpg
Ảnh minh họa

Đôi mắt đen như hai hột nhãn cứ nhìn vào hai chai dầu ăn rồi nhìn cô Phật tử, chợt nghĩ ra điều gì đó, chú lại chạy ù vào phòng làm việc của sư phụ thưa: “Mô Phật! Bạch sư phụ, có Phật tử đem cúng dầu ăn cho chùa”. Thầy nghe chú thưa thì từ từ quay lại: “Ừm, con có lấy đồ cho người ta đặt lên cúng Phật chưa?”, chú tiểu liền đáp: “Dạ, mô Phật, con lấy rồi”. Nghe vậy thầy cười hiền: “Vậy được rồi, con ra ngoài đi”; nhưng chú cứ lần khần không chịu đi, bèn thưa: “Nhưng thưa sư phụ, người ta cúng dầu ăn, Phật cũng uống dầu ăn hay sao mà phải cúng ạ?”.

Thầy nghe chú nói vậy liền cười lớn, rồi dang tay ra ý muốn chú lại gần để ôm, nhẹ nhàng xoa cái chỏm tóc ngắn ngả màu nắng, thầy ôn tồn dạy: “Phật thì không uống dầu ăn, nhưng mình phải cúng Phật, rồi mới được dùng, đó là phép nhớ ơn chư Phật, nhờ Phật mà mình có cơm ăn áo mặc, con hiểu chưa?”.

Chú Trí nghe thầy dạy vậy, liền cười toe đáp: “Dạ, mô Phật, con đã hiểu, thưa sư phụ”. Nói rồi chú liền đứng ra xa thầy, đoạn thưa: “Mô Phật, con xin ra ngoài ạ”, thầy cười cười phẩy tay cho chú ra.

Chú Trí đến đây ở với thầy đã hơn hai năm, thời gian ấy không phải là ngắn nhưng chưa hẳn là dài. Nhưng khoảng thời gian ấy đủ dệt nên bao kỷ niệm đẹp cho cả thầy lẫn trò. Đôi lần thầy nghĩ không hiểu nhân duyên kiếp nào lại đưa đẩy chú đến nơi này. Nhà chú cách chùa thầy nửa vòng Sài Gòn, nhưng một ngày giữa tiết xuân sang, chú đã được cha mẹ gửi vào đây.

Không phải chú thích đi tu, đòi đi rồi ba mẹ gửi như một số chú tiểu khác; lý do ở đây thật đặc biệt: từ lúc sinh ra, chú đã có những biểu hiện rất lạ, không thể ăn mặn, đôi lần bị xe tông, té cầu thang cũng chẳng sao. Có lần chú còn sờ tay vào ổ điện coi thử trong đó có điện không, chú bị giật điện, cháy xém cả bàn tay phải vậy mà vẫn tỉnh bơ, còn dặn với cô ruột là đừng nói cho ba mẹ biết, sau đó còn đi ngủ như không có chuyện gì xảy ra.

Ba mẹ chú kinh hãi, không dám nuôi chú nữa mà gửi chú vào chùa. Chú cũng chẳng thèm nhớ nhà hay khóc lóc đòi ba mẹ. Có lần, không biết ngẫm nghĩ thế nào chú thưa với sư phụ: “Nhà con giàu lắm, nhưng sao ba mẹ con chẳng bao giờ tới thăm con, người ta thì mang gạo rồi đủ thứ tới cúng chùa, còn con ở đây mà ba mẹ con không thèm tới thăm con, cũng chẳng cúng gì cho chùa cả”. Lúc ấy thầy chỉ biết im lặng, không biết trả lời chú như thế nào cho phải. Một chú tiểu đây ư? Chắc chẳng ai nghĩ những câu nói trên được phát ra từ cái miệng bé xinh của chú tiểu bảy tuổi.

Chú tiểu nhỏ luôn cung kính nghe lời thầy, mỗi tội chú lười học, thích làm hơn học. Tuy vậy, dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương của thầy, chú dần trở nên lo học siêng tu.

Có lần thầy mua một xe cát về để xây lại chỗ nhà bếp bị mưa tạt, quý thầy lớn thì đã đi học, nên chú cũng sốt sắng phụ thầy làm việc. Nhưng chú phụ bằng cách nào đây, chắc chắn sẽ khó làm được như quý thầy lớn; sư phụ bèn nghĩ ra cách dùng túi ni-lông có quai xách loại ba ký, thầy vô từng túi cát nhỏ như vậy, còn chú có nhiệm vụ vận chuyển từ ngoài cổng ra nhà sau. Việc tưởng chừng khó lại hóa ra dễ, chú hứng thú với việc làm của mình, không biết mệt nhọc, khuân hết cả hai mét khối cát mà vẫn giữ nụ cười trên môi.

*

Chùa nhỏ, trên là sư phụ, dưới là ba thầy đang học Trung cấp và Học viện Phật giáo. Việc có thêm một chú tiểu đến cùng tu học đã mang lại một mùa xuân khai tâm cho cả thầy lẫn trò. Lẽ dĩ nhiên đường tu còn dài, mai này lớn lên chú sẽ phải đương đầu với rất nhiều thử thách. Trụ được hay không là ở nghị lực và nhân duyên cửa thiền của chú. Chỉ có không ngừng tưới tẩm hạt giống Bồ-đề thì mới có thể “sống” được với “đạo”, làm “đống lương” cho Phật pháp trong tương lai.

Dẫu biết nhân duyên đưa chú đến với “không môn” chưa phải là “hảo tâm”, nhưng hình ảnh chú sống dưới mái chùa giữa lòng thành phố ngày chỉ hai bữa cơm rau đạm bạc, mặc chiếc áo nâu đã ngả màu đo đỏ, chỏm tóc lúc nào cũng đượm khói trầm, miệng luôn cười toe mỗi khi có khách, câu cửa miệng luôn “Nam-mô A Di Đà Phật” dù là lúc nghe điện thoại…, tất cả những hình ảnh và việc làm của chú tiểu Trí thật đẹp và đáng trân quý.
Thanh Thị

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày