Có nên nhờ thầy bói cúng vớt vong?

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

GN - Việc cúng vớt vong từ dưới nước lên bờ (rồi đưa về thờ trong nhà) là tín niệm dân gian. Đạo Phật không có tín niệm này.

HỎI: Tôi có người anh trai bị chết đuối cách đây 35 năm. Vừa qua người thân của tôi đi xem bói và được bà thầy cho biết là vong hồn anh trai tôi vẫn chưa siêu thoát. Do vậy, phải làm lễ cầu cúng để vong hồn anh trai tôi được lên bờ. Tôi được biết, trước đây bố tôi cũng đã làm theo hướng dẫn của thầy cúng để vớt vong. Vậy gia đình tôi nên làm theo lời bà thầy ấy? Có cách nào để xác thực việc này không? Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào?

(XUÂN THU, buixuanthu1880@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Xuân Thu thân mến!

Trường hợp trong nhà có người chết đuối, nếu gặp thầy bói, thầy cúng, thầy pháp thì hầu hết ai cũng phán như vậy. Và như bạn nói, trước đây bố của bạn cũng đã nhờ thầy cúng vớt vong cho anh trai của bạn rồi. Lần này, nếu gia đình bạn lại nghe theo bà thầy ấy cúng để vớt vong thì những lần sau nữa có gặp các thầy (bà) khác, chúng tôi thiết nghĩ bạn cũng nhận được lời đề nghị không khác mấy lần trước.

Theo đạo Phật, một người chết đi thì tái sanh liền, hoặc trải qua các thân trung gian trong vòng 49 ngày rồi sẽ tái sanh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp lực của mình trong lục đạo. Dù cho người chết cách nào (già, bệnh, tai nạn, nước trôi, lửa cháy v.v…) thì cũng không ngoài quy luật ấy. Ngay cả thế giới ma quỷ (người âm nói chung) thì họ cũng đã tái sanh làm loài ngạ quỷ (hay quỷ thần), một dạng chúng sanh trong lục đạo.

Nên việc cúng vớt vong từ dưới nước lên bờ (rồi đưa về thờ trong nhà) là tín niệm dân gian. Đạo Phật không có tín niệm này. Theo quan điểm đạo Phật, chỉ có bậc Thánh A-la-hán thành tựu Thiên nhãn minh mới có khả năng xác thực việc một chúng sanh sau khi chết sanh về đâu. Còn người phàm như chúng ta (cùng các thầy bói, thầy cúng) không ai có thể biết được điều này.

Đạo Phật có nghi lễ cầu siêu nhưng không phải là đưa tay cứu vớt (như vớt vong lên bờ, vì không ai có thể làm việc đó) mà chủ yếu là cầu Phật lực gia hộ, soi sáng; đọc kinh điển để khai thị khiến hương linh liễu ngộ nhân quả, vô thường-vô ngã mà thức tỉnh; giác ngộ thức tỉnh được thì thăng hoa. Ngoài ra, thân nhân có thể làm các việc phước thiện để hồi hướng công đức cho người chết, bởi dù ở dạng thức nào thì người chết cũng nhận được một phần phước báo ấy.

Cầu siêu trong Phật giáo là pháp phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu hiếu đạo, tình cảm của người sống đồng thời thể hiện tâm từ bi, mong cho các chúng sanh được siêu thoát cảnh khổ, sanh lên cõi lành. Mọi nỗ lực của thân nhân cho việc cầu siêu chỉ mang tính trợ duyên tích cực mà thôi, còn siêu thoát hay không phải do hương linh tự quyết bằng sự chuyển hóa và giác ngộ của chính họ.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày