“Có Phật A Di Đà thật không?”

“Có Phật A Di Đà thật không?”

GN - Chúng ta cần tìm hiểu để học tập những điểm tương đồng giữa hai truyền thống.

HỎI: Tôi là một Phật tử tu tập theo Tịnh Độ tông. Có lần tôi viếng thăm một thiền viện Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) tại TP.HCM. Nhận thấy ở nơi đây chỉ thờ Phật Thích Ca, tôi hỏi sư trụ trì sao không thờ Phật A Di Đà? Sư bảo trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy không có chỗ nào Phật Thích Ca nói về Phật A Di Đà, nên chúng tôi không thờ Phật A Di Đà. Gần đây tôi đọc bài pháp thoại “Tịnh độ cầm tay” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Trong thời gian Bụt còn tại thế thì danh hiệu Phật A Di Đà chưa được nhắc tới...”. Vậy xin hỏi: Có Phật A Di Đà thật không? Kinh Vô lượng thọ phải chăng là trước tác của người sau?

(LÊ NGỌC TÂN, ngoctanbmt@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Lê Ngọc Tân thân mến!

Đúng là trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy không nhắc tới Phật A Di Đà và các chùa, thiền viện theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy hiện nay cũng không thờ Phật A Di Đà cùng chư vị Bồ-tát như Quán Âm, Địa Tạng v.v… Đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy mà chúng ta cần tuyệt đối tôn trọng.

Tuy vậy, trong truyền thống Phật giáo Phát triển (Bắc tông) thì tín niệm về Phật A Di Đà cùng chư vị Bồ-tát rất phổ biến, nhất là Tịnh Độ tông. Phật A Di Đà là một trong những vị Phật có nhân duyên cứu độ chúng sanh trong cõi Ta-bà sanh về Cực lạc, do chính Phật Thích Ca giới thiệu. Phật tử chúng ta đã tin Phật Thích Ca thì chắc chắn sẽ tín thuận những gì Phật Thích Ca giảng nói. Do vậy, sẽ thừa khi hỏi “Có Phật A Di Đà thật không?”. Đối với kinh Vô lượng thọ cũng vậy. Kinh này hiện có mặt trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo Bắc tông, là một trong ba kinh văn căn bản được các Phật tử Tịnh Độ tông nhiệt tâm tin tưởng, phụng hành. Đây cũng là quan điểm của Phật giáo Phát triển mà chúng ta cần tuyệt đối tôn trọng.

Như vậy, hiện nay trên thế giới có hai truyền thống Phật giáo lớn (Nguyên thủy và Phát triển) đang tồn tại song hành. Ở Việt Nam lại càng đặc biệt hơn khi có mặt đầy đủ cả hai truyền thống Phật giáo này. Là Phật tử chân chính, chúng ta cần tìm hiểu để học tập những điểm tương đồng giữa hai truyền thống đồng thời tuyệt đối tôn trọng những điểm dị biệt nếu có.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày