GNO - 1. Hồi lúc còn nhỏ, ít khi tâm sự với ba. Đàn ông vốn dĩ thương để đó, không biểu hiện ra bên ngoài dẫu có thương con cái rất nhiều.
Mong cả nhà mình lúc nào cũng cười thật tươi như vậy - Ảnh: TGCC
Sau này lớn hơn, tôi mới hiểu được ba nhiều hơn. Một hôm ngồi với ba, nghe ba kể:
“Lúc má sanh tụi con ra, ba đứng ở ngoài phòng chờ, lòng luôn cầu Trời khẩn Phật cho mẹ tròn con vuông. Mẹ tròn là sanh con ra được thuận lợi không gặp nguy hiểm bất trắc, con vuông là con sanh ra được khỏe mạnh có đầy đủ tay chân, mắt nhìn thấy, lỗ tai nghe rõ, miệng cất tiếng khóc chào đời là ba thấy nhẹ lòng dữ lắm”.
Vậy đó, mỗi lần ba đứa con chào đời là cũng bấy lần ba cầu nguyện Đức Phật cho má với mấy đứa con. Tự nhiên lúc đó tôi thấy mình nhỏ bé quá trời so với tình thương của ba dành cho đám tụi tôi.
Lớn già đầu rồi, chớ ba cứ gọi hỏi thăm: “Dạo này ở Sài Gòn con khỏe không? đi làm tình hình thế nào? Ráng đi làm sống cho tử tế, để người ta thương thì khó chớ người ta ghét thì dễ lắm”.
Ba ít nói, nhưng tấm lòng của ba dành cho con cái thì rộng hơn những ngôn từ tầm thường của thế gian.
2. Má thì khỏi phải bàn. Lo cho con cái thì vô điều kiện, dù hồi đó nhà tui không có dư dả như người khác, nhưng đám anh em tụi tôi từ nhỏ đến lúc trưởng thành hầu như không thiếu thứ gì.
Mỗi lần gọi điện thoại về hỏi thăm má, kể ra thèm mấy món này ở quê mình quá. Nói chuyện bâng quơ vậy thôi đó, mà có dịp lễ Tết về quê, là ở nhà má đã chuẩn bị sẵn đầy những món ăn mình thèm ở trong tủ lạnh. Hay lâu quá không thấy tụi tôi về là má lại gửi xe đò một thùng đồ ăn lên, có khi ăn cả tuần cũng không hết.
Đâu phải là ở Sài Gòn không có mấy món ăn này đâu, chẳng qua là tôi thèm cái hương vị quê nhà, cái đậm tình của má dành cho đám con tụi tôi.
Ngày má ngồi xe ôm ra bến xe về quê, má cứ quay đầu lại khóc cho đến khi khuất bóng khi đưa tôi lên Sài Gòn học Đại học làm tôi nhớ hoài hình ảnh đó không bao giờ quên được.
Con cái dù có lớn đến đâu thì vẫn luôn là đứa con khờ dại và cần sự che chở của ba má.
3. Còn nhớ ngày đưa thằng út lên Sài Gòn học, ba viết lá thư:
“Ba anh em con ở trên này yêu thương và lo cho nhau. Con là anh Hai chăm sóc cho mấy đứa em dùm ba má. Ba má tin tưởng con dạy dỗ cho thằng út nên người. Ba của tụi con”.
Má thì mắt đã kém, trời cũng đã khuya mà vẫn còn cặm cụi ngồi thêu tên trên chiếc áo sơ mi cho sáng mai thằng út kịp đi học, dặn dò: “Con ở trên này ráng học, nghe lời anh Hai với chị Ba nghen con”.
Rồi mỗi đứa lớn lên, xa vòng tay ba má. Ba anh em tụi tôi lần lượt lên Sài Gòn học tập, làm việc ở đây. Để lại cho ba má những hình ảnh của 3 đứa con lúc nào cũng nhỏ bé hồi còn ở nhà, để lại cho ba má một khoảng không vắng lặng, một sự trống trải đặc quánh đến khó thở.
Mỗi lần tụi con về nhà dịp lễ Tết, lên lại Sài Gòn, lúc nào ba má cũng đưa ra xe với khệ nệ quà quê, bánh trái - Ảnh: TGCC
Có dịp lễ Tết về nhà với ba má, là y như rằng ba má đã trông chờ mấy đứa con về gần cả tuần. Khi sắp lên lại Sài Gòn thì đã buồn trước mấy hôm.
Đến ngày đi thì ba má lúc nào cũng đưa 3 đứa con ra tận bến xe, khệ nệ hành lý, quà quê, rồi đứng chờ cho đến khi xe khuất bóng mới về. Mắt mẹ thì luôn dõi theo rươm rướm, trông đến ngày sớm gặp đám con đầy đủ, gia đình lại sum họp.
Nhờ những tình thương ba má dành cho con cái, nên anh em tụi tui rất thương nhau, nhất là mỗi khi có chuyện bất bình trong cuộc sống mình nhớ lại lời ba má dạy mà xử sự thương yêu và tử tế hơn.
Thời gian qua đi, ba má lại thêm nhiều tuổi, sức khỏe yếu thêm một chút. Mùa Vu lan nữa lại về, tụi con cầu mong chư Phật gia hộ cho ba má có thiệt nhiều sức khỏe để là chỗ dựa tình thần cho tụi con, để tụi con có điều kiện dành hết tình thương cho ba má như ba má đã để dành cho tụi con cả cuộc đời.
Tụi con có phước lắm mới làm con của ba má…
Ngô Trí Minh (TP.HCM)