GN - Chúng ta thường có những khái niệm thật ngộ nghĩnh về tiền bạc. Chúng ta hay tin rằng có tiền sẽ khiến mình thêm hạnh phúc. Nhưng khi có tiền rồi, mình lại muốn thêm nữa mới làm mình hạnh phúc hơn!
Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý mình đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên mình tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo cùng mình bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn. Chỉ vì mong có một ngày vui mà có người đã làm như vậy!
Làm giàu có gì sai trái hay không? Tất nhiên, làm giàu
bằng những phương tiện bất chính là sai - Ảnh minh họa
Như bạn thấy đó, tự thân đồng tiền không có gì sai quấy cả! Cũng như không có gì sai khi mình có nhiều tài sản, hay làm ăn từ sáng đến chiều. Chúng ta, ai cũng phải ăn, phải sống, và có các nhu cầu của cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là khi chúng ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên hết thì chúng ta sẽ quên mất mục tiêu quan trọng nhất của đời mình. Vì vậy, mình phải dọn dẹp sạch bớt những thứ bừa bộn, cản trở khiến mình bị tắc nghẽn trên đường hướng đến mục đích quan trọng của đời mình như: sức khỏe, tình thân gia đình, đóng góp phần mình cho một cộng đồng lành mạnh, an vui…
Tiền tài có thể giúp chúng ta nâng cao những lãnh vực quan trọng trên. Nhưng, hầu bao kếch xù của bạn không quan trọng bằng một khi bạn đặt niềm tin vào cái gì là ưu tiên hàng đầu trong đời sống bạn.
Bạn cảm thấy ra sao khi không còn phải lo lắng về tiền bạc. Ở đây tôi không có ý muốn nói là mình nhiều tiền quá nên không còn phải lo lắng về chúng. Đa số chúng ta ai cũng nói rằng khi tôi giàu tôi sẽ sống khác với những kẻ giàu có khác. Tôi sẽ biết bố thí, thương người, và làm thêm nhiều điều phước thiện, không giống như những kẻ giàu sang khác, tiện tặn từng đồng, từng cắc. Hiện tại, tôi chỉ cần hy sinh làm việc cần cù chăm chỉ khoảng vài năm nữa, và sớm muộn gì tôi cũng sẽ thành công, tiền vô như nước! Nếu chúng ta ai cũng đợi giàu rồi mới bố thí, làm phước thì thế giới này đã lụn bại mất rồi! Theo thống kê của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2011, những người giàu nhất trên đỉnh 20 phần trăm, bố thí trung bình khoảng 1,3 phần trăm của tổng số lợi tức của họ. Trong khi những người nghèo nhất ở đáy 20 phần trăm, bố thí khoảng 3,2 phần trăm tổng số lợi tức của họ, gần gấp đôi số tiền người giàu nhất bố thí.
Tại sao người giàu lại bố thí ít hơn người nghèo? Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số người giàu sống trong những nơi sang trọng, cách xa những người cùng khổ nên sự đồng cảm không có nhiều. Ngược lại, người nghèo thường sống trong những môi trường gần gũi với những người cùng khổ nên họ rất dễ cảm thông, và hay bố thí, giúp đỡ. Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu người giàu mà sống trong địa phương gần gũi với người nghèo khổ thì họ cũng bố thí không thua gì những người nghèo!
Làm giàu có gì sai trái hay không? Tất nhiên, làm giàu bằng những phương tiện bất chính là sai. Phần nhiều chúng ta nghĩ rằng làm giàu là sai vì mình nghe quý thầy, cô hay trong các kinh sách dạy rằng “tham dục là nguồn gốc của khổ đau”. Hễ còn tham lam, còn dính mắc đến tiền tài, vật chất là còn đau khổ. Do vậy mà đôi lúc chúng ta ‘sợ’ làm giàu. Hơn nữa, có vị cho rằng giàu có quá sinh khó tu vì tu hành là phải biết ‘khổ hạnh’ chút đỉnh. Đằng này, giàu có quá nên tu khổ hạnh một chút là đã than thở bỏ cuộc dễ dàng!
Đức Phật không cho rằng làm giàu là một chuyện xấu. Trong toàn bộ các Kinh tạng, không thấy Đức Phật chê trách sự giàu có. Ngược lại, bạn sẽ tìm thấy trong một số kinh Phật nói về sự giàu có, nhiều tài sản do nhờ bố thí. Như trong kinh Trung bộ (Tiểu kinh nghiệp phân biệt, kinh số 135, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy rằng: “…Này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy... thiện thú... nhiều tài sản”. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy nhiều vị cư sĩ, Phật tử bố thí cúng dường để cầu phước báo được giàu sang. Nếu Phật cho việc làm giàu là sai, tại sao Ngài lại khuyến khích cúng dường, bố thí để được sung sướng, giàu có? (như đã dẫn kinh ở trên).
Tuy nhiên, Phật dạy về sự giàu sang vật chất không giống như những khái niệm về kinh tế quy ước trong thời hiện đại như bây giờ. Theo Phật giáo, con người không nên bỏ hết thời gian cuộc đời của mình để tìm kiếm sự giàu sang về mặt vật chất và tiện nghi. Làm giàu về mặt vật chất phải hài hòa với việc phát triển tâm linh và đạo đức. Vì nếu vật chất và tinh thần được phát triển đồng đều thì hạnh phúc lâu dài sẽ phát sinh. Như chúng ta thấy có những người giàu có nhưng không biết tu tập cho tâm linh, trau giồi đức hạnh, tối ngày chỉ lo kiếm tiền bạc, tiện nghi vật chất cho đời sống. Họ đạp đổ lên tất cả những giá trị đạo đức. Họ lường gạt, biển thủ, bất lương, dùng mọi thủ đoạn để làm giàu. Nhưng thật sự là mình hy sinh tất cả để tích chứa tiền của, vật chất như vậy có mang lại cho mình bình an, gia đình hạnh phúc thật sự hay không?
Theo lời Phật dạy: Tri túc (biết đủ) mới là sự giàu có thật sự chứ không phải nhiều tài sản. Tài sản cá nhân không phải dùng để đo lường sự giàu có của một người. Vấn đề là ở chỗ chúng ta sống trong một xã hội vật chất nên người nào nhiều vật chất thì được cho là giàu sang. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: Cứ mỗi khi hoàn cảnh thay đổi thì mình lại gặp những thử thách, phiền não mới. Chẳng hạn khi còn nghèo, mình phải lo toan, xoay xở đủ chuyện để có đủ miếng cơm, manh áo. Nhưng khi giàu có rồi, thì cái lo toan, xoay xở lại xoay quanh vấn đề đừng để bị nghèo trở lại, có nghĩa là phải làm giàu thêm nữa! Và phải lo lắng cho sự an toàn của tài sản và gia đình. Cũng vậy, khi chưa có việc làm, mình âu lo chạy Đông, chạy Tây nộp hồ sơ, điền đơn, mỏi cổ chờ gọi đi phỏng vấn. Nhưng khi có việc làm rồi, thì lại phải đương đầu với việc đi làm đúng giờ, công việc ở sở nhiều ít, ông chủ có dễ tính, hay các người làm chung có dễ chịu v.v… Nhìn chung, hoàn cảnh nào có nỗi khổ đó. Nếu mình biết chấp nhận, tri túc dù bất cứ ở hoàn cảnh nào thì an lạc, hạnh phúc sẽ xuất hiện.
Có một câu chuyện cho các cháu thiếu nhi dạy về cách sống biết đủ như sau: Có năm cháu bé được mời chơi trò ao ước, coi ai là người ao ước hay nhất. Bé thứ nhất ước rằng cháu sẽ có kem ăn dài dài, không hết. Cháu thứ hai thấy vậy, nhưng thực tế hơn, ước rằng cháu có một nhà máy sản xuất kem, nên không những ăn không hết mà còn cho người khác ăn nữa! Cháu thứ ba, suy nghĩ giây lát, rồi ước cháu có một nhà máy sản xuất kem, và thêm 50 triệu đô-la. Cháu thứ tư ước lớn lên rằng cháu không ước có nhà máy kem mà ước có 100 triệu để mua kem ăn thả giàn và còn thêm một lời ước nữa, nên tiền ăn kem sẽ không bao giờ hết. Cháu thứ năm chậm rãi chỉ ước rằng cháu được sống thỏa mãn đến độ không còn thèm ăn kem nữa! Như Trang Tử có nói: “Người tri túc không vì lợi mà hại thân”. Đúng vậy, khi mình biết đủ thì tham dục, cám dỗ sẽ không còn sức mạnh xúi giục mình chạy theo những nhu cầu mà mình tưởng sẽ mang đến hạnh phúc thật sự.
Tóm lại, ý niệm “có tiền mua tiên cũng được” cần phải được xét lại qua giá trị của “nàng tiên” mà mình muốn mua. Mỗi người có một ao ước khác nhau. Người nghèo hèn có thể sẽ định nghĩa hạnh phúc mà họ ao ước khác hơn là người trung lưu, có chút đỉnh tiền của. Như vậy, hạnh phúc thật sự không phải là thỏa mãn những nhu cầu vật chất bên ngoài, mà là sự mãn nguyện trong tâm, không còn cảm thấy mình thiếu thốn nữa! Tiền tài có thể là một phương tiện tốt nhất để chúng ta tái tạo hạnh phúc, nhưng muốn hạnh phúc lâu bền thì tiền tài chỉ là tạm thời. Chỉ khi nào trong cõi lòng mình biết rằng mình đã có đủ những thứ cần có và không còn ham muốn thêm nữa thì lúc đó mình mới thật sự là: Không tiền nhưng mua tiên vẫn được!
San Jose, tháng 7, 2014