Có tình yêu với đức Phật, nhưng vẫn không phải là Phật tử

Nữ tác giả Sunita Dwivedi
Nữ tác giả Sunita Dwivedi

 Đó là trường hợp của nữ tác giả duy nhất đã cống hiến cả cuộc đời bà để viết về những phần bí ẩn và những vấn đề đức Phật dạy bị hiểu sai lệch.  

Trong cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề “Tìm về đức Phật: Một hành trình dọc theo Con đường Tơ lụa” (In Quest of Buddha: A Journey Along The Silk Road), nữ tác giả Sunita Dwivedi thêm một lần nữa tái hiện lịch sử thời bấy giờ, và khám phá con đường thương mại quốc tế lâu đời nhất và vĩ đại nhất – Con đường Tơ lụa.

PV: Sách của bà viết về đức Phật hay Con đường Tơ Lụa?

Nữ tác giả Sunita Dwivedi: Tôi phải thừa nhận rằng, sự miêu tả của tất cả những ai đã đi qua Con đường Tơ lụa trước tôi đã giúp cho bóng dáng của đức Phật trong câu chuyện hành hương thám hiểm này của tôi trở nên phong phú. Tôi du lịch Trung Quốc từ năm 1999. Trước hết là một du khách tình cờ nghiên cứu về vài cảnh đẹp, nhưng sau đó là của một nhà hành hương nghiêm túc trên Con đường Tơ lụa để nghiên cứu về đức Phật. Tôi đã mất 5 năm du hành dọc theo con đường thương mại quốc tế này để chụp ảnh các danh thắng Phật giáo và biên soạn sách.

-Vùng nào trong cuốn sách của bà thu hút bạn đọc?

Tôi nghĩ cuốn sách sẽ thu hút bạn đọc qua các sa mạc khủng khiếp của Gobi và Taklamakan nằm trên những rặng tuyết của Pamir, uốn khúc qua vô số ốc đảo nhỏ xíu dưới chân các rặng núi Tienshan và Kunlun để dẫn đến những thung lũng sông tuyệt đẹp, thơ mộng. Cuốn sách cũng tiết lộ những âm thanh phát ra từ những hang động nguy nga, hoàng tráng và từ những sân khấu vách núi của Con đường Tơ lụa, nơi mà đức Phật vĩ đại vẫn còn sống và thở.

-Làm thế nào bà có thể chịu đựng được bao truân chuyên vất vả để khám phá đạo Phật?

Thật sự thì ban đầu đề tài đã mang đến cho tôi những khó khăn. Nhưng tôi là người có tình yêu với đức Phật và là người ham muốn tìm theo dấu chân Ngài ở khắp nơi. Tôi không nhớ rõ là đức Phật đã đi vào cuộc đời tôi lần đầu tiên khi nào. Có thể, trong thời niên thiếu khi tôi đi chân đất, chạy băng qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn để chơi đùa trên đồi gạch cổ khổng lồ, được gọi là bảo tháp Ramabhar.

- Lời  đức Phật dạy ảnh hưởng nhiều đến đời sống cá nhân của bà không?

Tôi đã đọc những lời đức Phật dạy. Nhưng, đối với một kẻ phàm phu như tôi, thật không dễ thực hành theo những gì Ngài dạy. Tôi không dám tự xem mình là Phật tử. Tôi chỉ một tín đồ trần tục.

-Vấn đề nào của đạo Phật bị hiểu sai lệch nhiều nhất?

Hầu hết mọi người đều phát hiện vấn đề gây trở ngại này. Đó là đạo Phật không chấp nhận bản thể của linh hồn và cũng không thừa nhận có một Thượng đế (God). Đạo Phật nhìn thẳng vào quyền uy tối cao của chúng sinh để đối diện với Thượng đế tuyệt đối. Đạo Phật tin rằng con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vận mệnh của chính mình mà không cần phải dựa vào ai khác. Con người phải là chủ nhân ông của chính mình. Nghiệp là quyết định. Mặc dù khái niệm của đạo Phật bác bỏ ý niệm về một Thượng đế, nhưng đạo Phật lại tin rằng có sự tồn tại của một Chúng sinh Giác ngộ (Enlightened Being), nguyện cứu độ tất cả chúng sinh khác thoát khỏi khổ đau.

- Công việc tiếp theo của bà là gì?

Tôi đã quay băng video về cuộc hành hương của tôi dọc theo Con đường Tơ lụa qua Trung Quốc. Tôi dự định sẽ sản xuất một bộ phim ngắn từ băng video này. Tôi đang viết tiếp cuốn sách thứ 3 qua Trung Á. Trong cuốn sách này, tôi đã phải du hành dọc theo Xa lộ Quốc tế M-39 qua Uzbekistan , Kyrgyztan và Kazkhastan.

Xin cám ơn bà!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày