Cõi lòng Trung thu

Cõi lòng Trung thu

Ngày nay, Tết Trung thu  không chỉ có ý nghĩa dành cho trẻ em mà trở thành lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc ta trong việc quan tâm đến giới trẻ. Một khi sự ưu ái, sự chăm sóc thiếu niên, nhi đồng được đặt lên hàng đầu thì sự kết thông gia đình, nhà trường, xã hội sẽ được khai mở. Hay nói cách khác, tất cả các mâu thuẫn nội tại giữa cá nhân với cá nhân, con người và con người, con người và xã hội, thiên nhiên sẽ được giập tắt bằng một trái tim biết yêu thương và hiểu biết. Với ý nghĩa đó, Tết Trung thu trở thành cõi Trung thu của mọi người trong sự bình an hạnh phúc.

Cho đến bây giờ, Việt Nam và một số nước châu Á có tục lệ đón mừng Tết Trung thu được tổ chức vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hàng năm. Ðây là thời điểm trăng tròn đầy nhất, ở nông thôn công việc đồng áng rảnh rang, thời tiết lại mát mẻ, trong lành. Và không có gì thích bằng tổ chức lễ Trung thu để mọi người quan tâm nhiều hơn, nhất là mọi sự ưu ái từ tinh thần đến vật chất cho trẻ thơ thiếu niên nhi đồng thông qua lễ hội này.

Có nhiều ý kiến khác nhau nói về nguồn gốc lễ hội Trung thu. Có người cho rằng đây là nét văn hóa của Trung Hoa được nhân dân ta tiếp nhận từ thời Bắc thuộc. Nhà văn Toan Ánh trong cuốn Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam , quyển hạ, cho rằng: “Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya thanh vắng rằm tháng Tám, gió mát trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoại thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo thành một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng, dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này, lúc đầu chỉ là uống rượu trông trăng nên gọi là Tết Trông trăng. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục ghi rằng: Ban ngày làm giỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thì đua nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp”.

Xem ra, Tết Trung thu ở Việt Nam có nhiều đặc điểm khác với Trung Hoa kể từ khi tiếp nhận sự tích hợp văn hóa này. Theo phong tục Việt Nam , Tết Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho con cái để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp sáng bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn mừng lễ. Đồng thời con cái có dịp bày tỏ tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, và quý mến bà con quyến thuộc, tôn kính thầy cô đã có công dạy dỗ nên người.

Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Ðây là dịp cha mẹ bày tỏ tình yêu vô hạn của cha mẹ đối với con cái trong gia đình bằng cách tạo mọi điều kiện cho con cái hiểu gia đình là tổ ấm kết nối giữa ông bà, cha mẹ và các anh chị em ruột thịt của mình. Vì thế, mọi người đều mua bánh trung thu, trà rượu để cúng ông bà tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Trong dịp này, người ta còn tổ chức múa lân, rước đèn Trung thu, đèn táo quân, hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Trẻ thơ kéo đèn, cầm lồng đèn đi theo đoàn múa lân hết nhà này sang nhà khác. Trai gái đối đáp hát với nhau theo nhịp trống quân vừa vui chơi, vừa gieo duyên, thân tình kết bạn. Người ta có thể dùng những bài thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, kéo đèn có thể bắt nguồn từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng xa xưa. Sau đó mọi thành viên trong nhà, nhất là trẻ thơ được cho quà, được thưởng bánh Trung thu, uống trà, ăn quả và cùng thưởng thức ngắm trăng thu trong trẻo, với những nụ cười tươi trẻ, ấm lòng, ngập tràn sự yêu thương lẫn nhau.

Từ ý nghĩa dành sự quan tâm cho trẻ thơ, nhân tố của sự kết nối yêu thương của nhiều thế hệ trong mọi gia đình, Trung thu còn dẫn đến sự đoàn kết tất cả mọi thành phần trong xã hội. Bởi vì ai cũng có một tuổi thơ đi qua đầy ắp kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Và dưới ánh mắt tuổi thơ, ai cũng trở nên có tấm lòng thánh thiện, biết trải rộng cõi lòng mình để sống với đời. Vì thế người ta nhiệt tâm, nặng tình với trẻ thơ mà quyết tâm làm thế nào để trẻ thơ được sống an lành trong những điều kiện và môi trường có thể tốt đẹp ngay trong hiện tại và tương lai.

Phật giáo là một tôn giáo ra đời cách đây trên 2.500 năm và lan tỏa khắp năm châu bốn biển. Càng ngày đạo Phật càng bám rễ và đâm chồi nảy lộc bằng một giáo lý chứa đựng chất liệu từ bi - trí tuệ, hay nói cách khác, giáo lý đó chứa đựng toàn hạt giống của sự yêu thương và hiểu biết cho cuộc đời. Trung thu lại là dịp để giáo lý đó được mọi người có điều kiện làm cho hạt giống Phật tánh hóa hiện ngay giữa cuộc đời vốn đầy biến động vô thường. Phật từng dạy “Ta là Phật đã thành, các người là những vị Phật sẽ thành”, do đó ai cũng sẽ trở thành Phật bằng cách sống biết yêu thương và hiểu biết đối với mọi người xung quanh ta, nhất là dành sự yêu thương cho trẻ thơ thật chân thành qua sự biểu hiện của thân hành, khẩu hành, ý hành như Đức Phật:

Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly,

Phật diện do như mãn nguyệt huy.

Phật tại thế gian thường cứu khổ,

Phật tâm vô xứ bất từ bi”

(Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly,

Mặt Phật đẹp sáng như trăng rằm.

Phật ở thế gian thường cứu khổ,

Tâm Phật tại đâu cũng từ bi).   

Rõ ràng, Phật là hình ảnh của “Cõi lòng Trung thu”, Trung thu là “Phật tánh hóa hiện” giữa đời. Chính những búp sen hồng này kết nối sự yêu thương gia đình qua tình vợ chồng, anh em, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc nội ngoại xa gần xóm giềng. Một ngày không xa, các em cũng là người kế thừa trong gia đình gánh vác việc gia tộc, ngoài xã hội là những chủ nhân ông xây dựng đất nước sau này. Là Phật tử, các em là người hộ trì Chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia học đạo hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời đạo mỗi ngày sáng tươi. Vì thế, ai cũng có trách nhiệm với trẻ thơ không chỉ ở phạm vi gia đình, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa. Do đó, chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ mà chúng ta có thể làm được qua sự nuôi dưỡng và giáo dục ở các môi trường gia đình, nhà trường, nhà chùa, rộng hơn nữa là xã hội.

Cuộc sống hôm nay từng bước chuyển đổi trong xu hướng thịnh vượng, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta đã ấm no đầy đủ, sự quan tâm đối với trẻ thơ càng được chú trọng hơn. Nhà nước và các tổ chức cộng đồng, trong đó có Phật giáo đã hình thành những trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật mồ côi, bất hạnh để giáo dưỡng, hình thành những con người có ích cho chính bản thân các em và xã hội sau này. Ðiều này minh chứng, một trái tim nhân hậu, một khối óc bừng sáng trí tuệ của mỗi người dân chúng ta đều trải lòng thương mến quan tâm trẻ ắt sẽ biến “Trung thu là cõi Phật”, “Cõi Phật là Trung thu”.

Vạn Hạnh, Chủ nhật 20-9-2009

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Thờ vong ở trong chùa

Thờ vong ở trong chùa

GNO - Cha tôi vừa qua đời cách nay hơn 5 tháng. Khi cha mất, có người xem giờ cho biết cha tôi đi vào giờ xấu, nên phải gửi vong lên chùa. Sau khi chôn cất xong tôi đã gửi vong cha lên chùa. Tôi có nghe một số người nói trong 49 ngày cha tôi cũng không nhận được lộc. Hiện tôi rất đau khổ và hoang mang...
Ảnh Minh Họa .nguồn Làng Cười

Ngày lành tháng tốt

GNO - Hiện lòng tôi rất hoang mang, lo lắng và không biết giải quyết làm sao? Xin quý Báo cho biết về ngày tốt, xấu có thực không? Nếu không tại sao trong chùa các thầy lại coi ngày? Lòng hơi lo sợ vì nếu không nghe lời thầy thì sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở do cưới không đúng ngày tháng tốt.

Thông tin hàng ngày