GN - Vừa qua, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế đã có một công bố đáng lưu ý sau nhiều tháng phối hợp với các nhà nghiên cứu khảo sát và thống kê bước đầu về di sản mộc bản liên quan tới Phật giáo được lưu trữ tại một số tổ đình, chùa, tư gia… ở cố đô.
Quét lớp bụi bám trên những ván khắc kinh Phật tại Huế - Ảnh: Nguyễn Hữu Thông
Hơn ba ngàn ván khắc được lưu giữ rải rác trong các chùa, tư gia được công bố là những tư liệu vô cùng quan trọng giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng, mỹ thuật của tiền nhân ở Thuận Hóa - Huế, trung tâm chính trị - văn hóa - tôn giáo của Đàng Trong.
Nội dung Phật giáo Việt Nam cũng đã được tìm thấy qua các bản khắc còn lưu lại liên quan tới những yếu tố làm nền tảng tư tưởng cũng như pháp môn hành trì của các đời Tổ sư đã chọn lọc, áp dụng trong đời sống thiền môn cũng như các ứng dụng phương tiện linh hoạt trong đời sống tín ngưỡng phù hợp với văn hóa của từng giai đoạn. Qua các thông tin nghiên cứu, dù chỉ là bước đầu, nhưng kết quả đó càng khẳng định rằng Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trên bước đường Nam tiến, tinh thần “Hộ quốc an dân” liên tục như một dòng chảy trong lịch sử phát triển của đất nước.
Như chúng ta biết, Phật giáo Việt Nam có lịch sử đã hơn hai ngàn năm. Nhưng tư liệu văn tự trước thế kỷ XV còn rất ít, do hoàn cảnh lịch sử khốc liệt với chủ trương đồng hóa văn hóa của phương Bắc. Cùng với hệ thống mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang (đã được Ủy ban Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên Hiệp Quốc - UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ba năm trước đây), mộc bản Phật giáo tại các chùa, tư gia vừa được khảo sát và đánh giá sơ bộ, có thể nói đã đem đến những bất ngờ thú vị cho học giới, đặc biệt là giới nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam.
Việc khảo sát đó, như qua trao đổi với chư tôn đức trong Ban Văn hóa Phật giáo và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - những người chủ trì công tác trên, được biết cũng chỉ mới là “bước đầu”, và theo dự đoán, mộc bản liên quan tới Phật giáo chắc chắn vẫn còn tàng bản, tản mác với nhiều lý do. Công việc đó đòi hỏi sự tham dự của nhiều ngành, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và dĩ nhiên, chủ chốt vẫn là chư tôn đức, các nhà nghiên cứu thâm hiểu về Phật giáo cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Vấn đề được đặt ra ở đây là, lâu nay số lượng mộc bản ấy vẫn được tàng bản như thế, nhưng tại sao lại không được chú ý đến? Ngay cả bản thân những người đề xuất cũng như trực tiếp tham gia khảo sát, có biết, nhưng dường như ai cũng bất ngờ về số lượng lớn, nội dung phong phú, phản ánh nhiều nội dung của đời sống văn hóa trong quá khứ như vậy.
Câu hỏi đó cũng được đặt ra với ngành văn hóa của Phật giáo thành phố chúng ta. Hiện đã có khảo sát nào tương tự như vậy, về các mộc bản, cũng như di sản Phật giáo khác trên vùng đất phương Nam, ít ra là ở vùng Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh của chúng ta trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển? Điều đó là cần thiết, bởi văn hóa không chỉ là hiện tại, mà cần có nền tảng quá khứ. Chỉ khi càng hiểu sâu sắc quá khứ, chúng ta mới tự tin phát huy một cách linh hoạt trong hiện tại và có thể định hướng cho tương lai.
* Mời bạn đọc xem thêm bài Đánh thức di sản mộc bản Phật giáo Huế đăng ở Giác Ngộ số 813, ra ngày 17-9-2015