Con cái - niềm vui hay nghiệp báo?

GN - Tôi có một người bạn, khi nghe tin em họ mình có bầu, chị đã lắc đầu: “Vui sướng gì! Con cái là nghiệp, nó dắt dây mình hoài trong cõi ái dục này. Mắc gì mà mừng dữ vậy!”. Quan điểm của chị cũng đáng để suy nghĩ…

con cai.jpg


Con cái - niềm vui hay nghiệp báo? - Ảnh minh họa

Đầu tiên, theo cái nhìn Phật giáo, dĩ nhiên chúng ta sinh ra trong cõi Dục này, nên ái dục dẫn dắt ta tạo nghiệp mãi, mới có chồng chồng vợ vợ con con… Chúng ta có duyên hoặc nợ với nhau nên mới đầu thai vào cùng một gia đình để trợ duyên hay trả nợ cho nhau. Vui buồn sướng khổ trong một gia đình nhiều không kể xiết, và nó tiếp nối từ nhiều đời cha ông, con cái, cháu chắt… Đúng là một sợi dây dài vô tận. Thực sự muốn giải thoát khỏi sợi dây này không dễ, trừ khi ta cắt đứt nghiệp Ái của mình. Mà chữ Ái, chữ Dục này muốn cắt đâu có dễ! Vì vậy cứ luân hồi, cứ làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ, làm con làm cháu… và cùng trả nghiệp cho nhau, cùng tạo nghiệp mới, lòng vòng quanh quẩn. Ôi, mệt!

Vì vậy, chị bạn tôi “phủ nhận” cái bầu của cô em họ cũng có cái lý. Và chị còn nói thêm: “Ai quy định lập gia đình là phải có con mới vui, mới hạnh phúc? Không có con cũng chẳng sao”. Lại cũng có lý. Nếu không mắc nợ ai thì chẳng ai đầu thai làm con của mình, càng khỏe, càng dễ tu, mau giải thoát.

Tuy nhiên, đó là đứng trên góc độ Chân đế. Nếu đứng trên góc độ Tục đế thì có lẽ không nên quá thẳng thừng như thế. Với Tục đế, người ta có được bạn trăm năm hạnh phúc thì vẫn nên mừng, có được cái thai mạnh khỏe, sinh ra đứa con dễ thương thì vẫn nên mừng. Vì thực sự một mái ấm như thế cũng xem là phước báu, chứ không phải ai muốn cũng được. Câu nói của chị bạn có thể ví như dội một gáo nước lạnh vào những người đang vui vẻ rộn ràng khi vừa cấn thai, hoặc đang hạnh phúc âu yếm ẵm bồng đứa con kết tinh của tình yêu thương đôi lứa… Thiết nghĩ câu ấy không khế lý khế cơ chút nào, thậm chí còn khiến họ mất thiện cảm với Phật giáo. Bởi họ chưa đạt tới trình độ buông xả, thì làm sao họ chấp nhận một sự “phủ định” quá ư thẳng thắn đến vậy.

Và ngẫm nghĩ, tại sao chúng ta không mừng khi có một đứa trẻ ra đời? Phật nói rất khó đầu thai làm người, như con rùa mù 100 năm trồi lên một lần tìm bộng cây giữa đại dương mà chui đầu vào. Xác suất kinh khủng như thế, thì một con người xuất hiện quả thật là niềm vui, ta nên chia sẻ, chúc mừng. Còn hơn là chúng sinh ấy đầu thai làm chó mèo, ếch nhái… Cứ hãy là người, rồi có hy vọng được giáo dục, tu tập. Thân người dù sao cũng có cơ hội hơn thân súc sinh, ngạ quỷ v.v… Mừng là đúng chứ. Hãy nâng niu một “chúng sinh người” với phước báu không hề đơn giản.

Còn cái lý “lập gia đình không nhứt thiết phải có con” tất nhiên là đúng. Nhưng nếu họ có con thì cũng mừng luôn, sao lại phủ nhận. Một gia đình trọn vẹn cha mẹ con cái bên nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn, thì vẫn có những niềm vui đáng trân trọng. Ta phải “trân trọng” từng phút giây hạnh phúc nhỏ bé của chính mình và của người khác. Nếu nói cái gì cũng là nghiệp, phải đạt tới chữ Không, thì chắc mọi người phủ nhận luôn chuyện nhà sư thu nhận đệ tử, nuôi trẻ mồ côi, cất chùa, đúc tượng…

Thậm chí, khi bạn hớn hở mặc một cái áo mới, ăn một món ngon, nghe một bài hát… cũng là đang chạy theo nghiệp đó thôi. Bạn có dám từ bỏ tất cả hay không? Tất cả những thứ đó đâu đáng bám víu trên bước đường tu tìm đến giải thoát. Nhưng thực tế, trong đời thường này, trong cõi Dục này, vẫn cần những niềm vui đó, những hành động đó, những Phật sự đó, để cuộc đời còn ấm áp, thậm chí để thực hành Bồ-tát hạnh.

Tóm lại, ta đừng cứng nhắc áp dụng mô hình Chân đế vào cuộc sống đời thường của mọi người. Hãy trân trọng những niềm hạnh phúc của Tục đế, song song với nhắc nhở họ sáng suốt và cân bằng một chút, đừng quá bám víu, khổ luỵ mà thôi. Lời nhắc này dễ có cảm tình hơn sự phủ nhận, và người ta dễ thực hiện hơn.
Diệu Kim

______________

* Bạn có suy nghĩ như thế nào về câu chuyện tác giả Diệu Kim chia sẻ? Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ và gửi về: baogiacngo@yahoo.com. Hoặc nêu góc nhìn ở mục "Gửi ý kiến" cuối bài (góc phải).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày