Còn có điều gì lớn hơn cả nỗi sợ nhiễm bệnh Covid-19?

Nhiều người dân TP.HCM đổ xô đến siêu thị để mua hàng chiều 6-7-2021 (Ảnh: TNO)
Nhiều người dân TP.HCM đổ xô đến siêu thị để mua hàng chiều 6-7-2021 (Ảnh: TNO)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong trạng thái mất tự chủ vì quá lo sợ, chúng ta thường mất khả năng kiểm soát hành vi, và như thế, vuột mất cơ hội quý giá không chỉ cho mình, mà cả cộng đồng mà trước đó chúng ta đã rất cố gắng để tạo dựng.

Đó là suy nghĩ của tôi khi thấy cảnh hàng ngàn người tập trung ở nhà thi đấu Phú Thọ để được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trước đây, và nhiều người dân lao động chen lấn để nhận tấm phiếu xét nghiệm tại chợ đầu mối Bình Điền (Thủ Đức, TP.HCM) ngày hôm qua 5-7-2021, làm “giấy thông hành” trong thời… chiến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Động cơ gì để họ quên đi thông điệp 5K, bất chấp nguy cơ lây nhiễm rất cao trong khi thực hiện ước mơ “âm tính” để được ra vào chợ mua bán, bốc vác… mưu sinh trong những ngày khó khăn này?

Có lẽ con người đã quá sợ hãi vì bội thực với thông tin mang tính… hù dọa, thêm thắt thất thiệt về đại dịch này đầy rẫy trên mạng xã hội qua chiếc điện thoại - mặt trái của công nghệ 4.0, trong khi thông tin chính thức, cần thiết lại bị lấn áp, hoặc cách truyền thông chưa đủ sức thu hút số đông.

Chắc chắn phải có điều gì đó thôi thúc họ vượt lên cả sự sợ hãi, quên đi… 5K – nguyên tắc phòng, chống dịch hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh này, để phải như thế. Phải chăng đó là sự lo lắng cho ngày mai, một sự lo lắng thực tế không được vào chợ, sợ không có thu nhập cho cuộc sống mưu sinh trong lúc khó khăn?

Tôi chợt nhớ lời thầy tôi nhắc mỗi ngày lúc tôi hành điệu làm tiểu ở chùa: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận…”, với ý để nhắc nhở sự tỉnh giác, luôn ý thức mọi hành vi của mình, chỉ một phút giây lỡ lầm, không kiểm soát hành vi sẽ có thể để lại hậu quả lớn, dù ân hận thì cơ hội đã vụt khỏi tầm tay…

TP.HCM đang ở trong lúc khó khăn kể từ lúc cơn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona này được gọi là đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đã hơn 5 tuần Sài Gòn lắng xuống không phải để nghỉ ngơi mà đang kiềm mình để mong cuộc sống sớm trở lại bình thường. Kiềm mình cho nên đôi khi cũng căng thẳng và có thể dẫn tới mất kiểm soát.

Hy vọng những sự việc trên sẽ không lặp lại, để những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong đó có sự kiềm mình của hàng triệu người dân trong hơn 5 tuần qua ở yên tránh ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết, cùng thực hiện 5K và các chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của Thành phố… sẽ dẫn đến cuộc sống “bình thường mới”, để TP.HCM - Sài Gòn vui tươi trở lại như hình ảnh của Thành phố này vốn từng.

Nỗi sợ, dù nó là sợ gì, sẽ đánh mất tỉnh giác tự chủ, dễ dẫn đến hoảng loạn. Trong trạng thái ấy chúng ta thường mất khả năng kiểm soát hành vi, và như thế, đôi khi vô tình vuột mất cơ hội quý giá không chỉ cho mình, mà cả cộng đồng mà trước đó chúng ta đã rất cố gắng để tạo dựng.

Do vậy, dù hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng bình tĩnh để điều chỉnh, đừng để phải nói lời xin lỗi, ân hận khi đã quá muộn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày