Còn hờn trách là còn yêu thương

LTS: Đúng 14h30 chiều nay 31-12, diễn đàn trao đổi về nội dung, hình thức của báo Giác Ngộ trong thời gian qua và hướng đi cho chặng đường mới phía trước đã được Ban Biên tập, biên tập viên, phóng viên cũng như lực lượng cộng tác viên, những người từng có thời gian dài gắn bó với Giác Ngộ tập trung thảo luận.

Đây là một trong những hoạt động khá quan trọng với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu độc giả ngày một tốt hơn dựa trên những góp ý của những con người yêu mến và đồng hành cùng Báo Giác Ngộ.

WTT.JPG

Trụ sở tòa soạn tràn ngập sắc màu mừng sinh nhật 35 năm

Trước khi bắt đầu vào diễn đàn, chư tôn đức Ban Biên tập Báo Giác Ngộ chào đón chư Tăng Ni cộng tác viên và phát hành viên Báo Giác Ngộ. Những lời chào, những câu thăm hỏi chân tình thắm thiết đạo vị giữa những người con Phật cùng làm công tác văn hóa và truyền thông Phật giáo nhưng ít có dịp gặp mặt trực diện đã làm cho không khí trở nên ấm áp vào buổi chiều cuối năm tại hội trường tòa soạn.

1WH (1).JPG
HT. Thích Giác Toàn và cư sĩ Tống Hồ Cầm - Phó Tổng Biên tập
Báo Giác Ngộ chào mừng và thăm hỏi đại biểu
1WH (2).JPG

Diễn đàn chính thức bắt đầu vào lúc 14h30 bằng nghi thức niệm Phật cầu gia bị. Mở đầu buổi giao lưu, ĐĐ.Thích Tâm Hải (Đức Sơn), Thư ký tòa soạn mở lời mong muốn quý Tăng Ni, quý nhân sĩ trí thức, quý vị giáo sư, Phật tử, cộng tác viên (CTV) đóng góp ý kiến… Thầy trình bày lý do buổi họp mặt và mối liên hệ gắn kết của công tác báo chí, để một tờ báo phát triển là kiềng ba chân: Nội dung - phát hành - quảng cáo. Buổi họp mặt là cơ hội để trao đổi cả ba mặt trên nhằm giúp tờ báo đến với bạn đọc tốt hơn về mặt nội dung, phát hành…

1WAA (1).JPG

Niệm Phật cầu gia bị

Chủ tọa diễn đàn gồm HT. Thích Giác Toàn - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Giác Ngộ; cư sĩ Tống Hồ Cầm và TT. Thích Thiện Bảo - Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. 

1WAA (2).JPG

Chư tôn đức và cư sĩ chủ tọa cùng đại biểu dự diễn đàn

1WAA (3).JPG

Tham gia buổi giao lưu có sự hiện diện của quý cộng tác viên. Mở đầu buổi giao lưu là phần tự giới thiệu của các cộng tác viên. Học giả Hồ Sĩ Hiệp, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM (tham gia cộng tác từ năm 1976, 1977). CTV Hồ Sĩ Hiệp nhắc nhớ về hình ảnh của bác Tổng Biên tập đầu tiên - cư sĩ Võ Đình Cường. Ngoài ra còn có chị Phan Thu Hiền, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM; bạn Nguyễn Thái Thuận, Trần Trọng Hiếu, Nguyễn Quế Diệu (cộng tác trang sống đạo, bút danh Mai Diệu), Đinh Anh Tuấn (phóng viên Tạp chí HTV, bút danh Viên Quang), nhà văn Ngô Khắc Tài, lương y Đinh Công Bảy, học giả Đặng Ngọc Chức, Đào Nguyên…

HT.Thích Giác Toàn đã phát biểu khai mạc và trải lòng với toàn thể đại biểu khi cho rằng để đánh dấu 35 năm chặng đường phát triển của báo, chúng tôi mong muốn quý vị CTV chia sẻ nhân duyên gắn với tờ báo, mong muốn, hướng phát triển của tờ báo… trong tương lai, về cả mặt nội dung, hình thức. Hòa thượng mong những đại lý phát hành cũng nói tiếng nói của mình về công tác phát hành để GN đến với độc giả nhanh hơn…

1WA (3).JPG

HT. Thích Giác Toàn phát biểu khai mạc

"Trải qua quá trình phát triển, từ bán nguyệt san lên tuần báo (từ năm 1996), quý vị Tăng Ni, CTV đã có nhiều chia sẻ với tờ báo nhiều hơn. Nhân sự kiện 35 năm - một chặng đường phát triển, mong quý vị tiếp tục chia sẻ, bằng những ý kiến thiết thực của mình để GN đóng góp tốt hơn trong gắn kết đời-đạo…”, Hòa thượng thể hiện mong muốn khi kết thúc phần phát biểu khai mạc.

Tiếp lời HT. Thích Giác Toàn, Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp chia sẻ cảm tưởng của một con người quá nửa đời người gắn bó với Giác Ngộ: “Tôi rất tự hào và xúc động bởi sự gắn bó với Báo Giác Ngộ của mình đã hơn nửa đời người nay. Tiếp nữa, tôi xin được chia sẻ rằng, bản thân mình cũng được vinh dự đi nhiều nước có Giáo hội Phật giáo và để thấy được rằng Giáo hội Phật giáo phát triển đi cùng sự phát triển của đất nước. Nhìn lại Việt Nam , thấy Phật giáo Việt Nam phát triển như hiện nay, tôi càng tự hào hơn nữa. Là một người yêu mến Phật giáo, tôi mong rằng báo GN sau này sẽ có những bài chất lượng vừa thời sự, vừa Phật sự mà không xa rời tôn chỉ của mình, và đặc biệt dứt khoát không nói một chiều”.

1WA (1).JPG

Giáo sư Hồ Sĩ Hiệp phát biểu

Ngay sau đó, ĐĐ. Thích Tâm Hải - Thư ký toà soạn tiếp tục mời PGS.TS Phan Thu Hiền (Giảng viên trường Đại học KHXH&XHNV TP.HCM) nói về văn hóa Phật giáo Ấn Độ và quá trình đóng góp của mình. TS. Thu Hiền cho rằng mình đóng góp không nhiều cho Giác Ngộ, cô cho biết mình là bạn đọc thân thiết của nguyệt san Giác Ngộ, từ đây cô có nhiều kiến thức học thuật đem vào bài giảng. Cô cũng mong muốn Giác Ngộ cần đưa nhiều hơn những kiến thức đời thường qua lăng kính Phật giáo để Giác Ngộ mềm mại hơn, mang lại nhiều bài học bổ ích cho độc giả…

1W1A (2).JPG

PGS.TS Phan Thu Hiền phát biểu

Ngược với các ý kiến trên, trong phần đóng góp của mình, nhà văn Ngô Khắc Tài “chê” rằng đứng dưới góc độ là một người bên ngoài, nội dung của báo vẫn chưa được phong phú, còn hạn hẹp và khó hiểu.

1W1A (3).JPG

Nhà văn Ngô Khắc Tài "chê" báo Giác Ngộ quá "hiền"

"Bên cạnh đó, báo cũng nên thẳng thắn phê phán những tệ nạn, không nên nói chung chung. Hy vọng trong năm mới , báo GN sẽ có những cải tiến chất lượng hơn cho mình”, nhà văn lão thành mong muốn.

Ưu tư về công tác phát hành, Thượng tọa Nghiêm Quang (Khánh Hòa) bày tỏ: “Trong thời gian đầu chúng tôi phát hành 200 tờ, hiện thì chỉ còn 60 tờ, hỏi nguyên nhân suy giảm thì bạn đọc thân thiết góp ý với tôi rằng: nội dung báo còn nghèo, chữ nhỏ quá, có những nội dung chưa trúng gây cho bạn đọc những nỗi buồn”. TT. Nghiêm Quang nêu một ví dụ sai sót của báo: “Năm ngoái tôi đọc một tin bài mà câu cú như thế này đây: một vị thượng tọa lần đầu tiên đi an cư; thử hỏi một thượng tọa làm sao đi an cư lần đầu? Phần biên tập còn chưa kỹ như thế làm bạn đọc buồn lắm!”.

1W1A (4).JPG

TT. Nghiêm Quang thể hiện sự ưu tư về công tác phát hành

Về phát hành, TT. Nghiêm Quang góp ý: “Nếu được nên gửi nhanh bằng những chuyến xe, Khánh Hòa chúng tôi luôn nhận báo đúng nhờ gửi xe. Đừng sợ tăng tiền gửi mà báo chậm đến với bạn đọc…”.

Anh Trần Công Đức (Phó Thư ký tòa soạn) “chất vấn” với TT. Nghiêm Quang ngay khi Thượng tọa phát biểu xong: “Thầy có nghe được mong muốn của độc giả với tờ báo như thế nào không?”. TT. Nghiêm Quang thẳng thắn: “Có lẽ nhiều độc giả chưa thích thú quan tâm đến nội dung báo, có lẽ vì báo thiếu những vấn đề liên quan đến xã hội, phải chăng do đặc thù tờ báo?”.

1W1A (1).JPG

Những người làm công tác phát hành khá lâu năm với Giác Ngộ

ĐĐ. Tâm Hải phản hồi từ những chia sẻ của nhà văn Ngô Khắc Tài và TT. Nghiêm Quang tin mừng là ti-ra tờ báo không giảm, ngược lại là có tăng một cách tiệm tiến theo thời gian. Điều đó chứng minh rằng Giác Ngộ cũng đã đáp ứng được nhu cầu của số đông bạn đọc…

Nhận thông tin từ ĐĐ. Thích Tâm Hải, nhà văn Ngô Khắc Tài “phản hồi” mạnh mẽ: “Ở tỉnh rất ít mua báo, đề tài trên báo nghèo quá, sao cứ nhai đi nhai lại những đề tài quá cũ…”. ĐĐ. Thích Tâm Hải chân thành cảm ơn: “Mỗi lần anh nói đều thể hiện tâm huyết của mình với Giác Ngộ. Chúng tôi hứa sẽ chuyển tiếp thông tin gần gũi hơn với độc giả trong thời gian tới, qua mục Câu chuyện trong tuần, Sống đạo…”.

Còn Giáo sư Tịnh Minh cho biết ông đã đi dạy rất nhiều trường đại học, và vui rằng khi thấy rất nhiều thầy cô giáo là độc giả của báo Giác Ngộ. Như vậy có thể thấy rằng báo Giác Ngộ đã đi vào lòng rất nhiều độc giả rồi.

1W11.JPG

Giáo sư Tịnh Minh phát biểu

"Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều độc giả khác có một thắc mắc rằng tại sao báo mình không phát hành và bán tại những đại lý như những tờ báo khác để phổ cập đến nhiều độc giả hơn? Ngoài ra, về nội dung của báo, tôi cũng xin thể hiện sự cảm thông cho các thầy biên tập đã rất trăn trở khi thực hiện nội dung, để làm cho báo mang tính thời sự nhưng vẫn phản ánh rất nhẹ nhàng”, Giáo sư Tịnh Minh nhận xét.

Riêng ĐĐ. Thích Minh Trí tâm sự: “Trước hết, nói vui một chút, tôi muốn cám ơn nhờ báo Giác Ngộ mà tôi biết thêm một số từ tiếng Anh (cười). Tôi cũng xin chia sẻ thêm, cách đây ba bốn năm, nói thật tôi không đọc báo GN, nhưng đến khi cộng tác cho báo, tôi phát hiện ra rất nhiều điều rất hay trong tờ báo này. Nhiều người thấy rằng báo GN “nghèo”, nhưng tôi nghĩ “nghèo” ở đây là do báo mình chưa phản ánh cuộc sống của những độc giả ở các tỉnh. Nếu họ không tìm thấy mình trong tờ báo, thì chắc chắn sẽ không thu hút được họ".

1TTW (1).JPG

ĐĐ. Thích Minh Trí phát biểu

1TTW (2).JPG

Những cộng tác viên trẻ tuổi của Báo Giác Ngộ

Từ tâm niệm như thế, ĐĐ. Thích Minh Trí cho rằng, nếu GN có nhiều thông tin, nhiều phóng sự ở các tỉnh hơn nữa, ắt hẳn báo sẽ thành công hơn. Ngoài ra, về việc phân phối báo, tòa soạn còn thiếu đi một khâu đó là “con người đi tiếp thị quảng cáo”, chính là nhưng con người giới thiệu báo đến độc giả, đến những nhà tài trợ,… để họ biết đến báo nhiều hơn. Bên cạnh đó, Đại đức cũng đề nghị những con người quảng cáo ấy lại không là những thầy trụ trì trong chùa - những người có tiếng nói nhất tại các cơ sở tự viện, giải thích cho Phật tử biết đến giá trị của tờ báo mình đến độc giả.

* Cần tương tác với bạn đọc nhiều hơn!

Là một độc giả trẻ của Giác Ngộ từ nhiều năm qua, tôi rất vui và phấn khởi khi thấy trang báo ngày càng cải tiến hơn về mặt hình thức cũng như nội dung. Ba năm gần đây, Giác Ngộ đã có trang báo điện tử GNO đã đáp ứng được phần nào về những thông tin thời sự nóng hổi cho độc giả trong và ngoài nước. Chính vì thế mà trong thời gian tôi du học ở nước ngoài nhưng vẫn theo dõi được những hoạt động, tin tức, sự kiện Phật giáo đang diễn ra ở quê hương như Lễ cung thỉnh Xá lợi Phật bằng chuyên cơ từ Ấn Độ về Việt Nam vào tháng 6-2009 hoặc gần đây hơn là Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II-2010 tại Nha Trang. Nhưng số lượng phát hành còn khiêm tốn, chỉ phổ biến trong tự viện và Phật tử (phần lớn là trung niên và người cao tuổi).

Mong rằng Giác Ngộ sẽ đến tay bạn đọc trẻ nhiều hơn như các chương trình Đố vui Phật pháp (dành cho thanh thiếu niên) qua hình thức đoán ô chữ hay trả lời những câu đố Phật pháp cơ bản dạng đố vui có thưởng hàng kỳ. Bên cạnh đó, GNO nên thành lập một diễn đàn mạng (forum Giác Ngộ) để các độc giả có thể trao đổi, sách tấn trên con đường tu tập. Ngoài ra, Ban Biên tập thường xuyên tổ chức các cuộc vận động sáng tác thơ ca văn nghệ Phật giáo dành cho giới trẻ, liên hoan phim ngắn Phật giáo hoặc tiếng ca Phật tử. Xuân Phúc ( Australia ).

CTV Viên Quang (phóng viên Tạp chí HTV) trở lại với chia sẻ về việc bản in của các tờ báo thường giảm do sự xuất hiện của những tờ báo trực tuyến. Anh thẳn thắng bày tỏ: “Tăng Ni trẻ rất ít mặn mà với GN. Lý do là còn thiếu những bài viết về Tăng Ni sinh, giáo dục Phật giáo. Nếu có thì cũng chỉ là những chia sẻ mang tính cảm nhận, chưa có chuyên sâu về giáo dục Phật giáo và trong những bài viết về tỉnh thành còn thiếu những bài phân tích sâu sắc!”. Qua đó, CTV Viên Quang góp ý: “Nên có trang Giáo dục Phật giáo, đồng thời cần có những bài phân tích về Phật giáo các tỉnh thành thật sâu sắc, đó cũng là cơ hội để báo GN đến với bạn đọc tỉnh thành”.

1THTT (1).JPG

CTV Viên Quang phát biểu

Còn bạn Trần Trọng Hiếu (bút danh Đức Hòa) trở lại với ý kiến của TT. Nghiêm Quang “bạn đọc không mặn mà với Phật giáo”. Bạn đặt ra câu hỏi khá day dứt: “Vì sao bạn đọc GN - quý thầy, Phật tử lại không đọc một tờ báo nói về đạo của mình?”. Trần Trọng Hiếu bày tỏ: “Quý vị tôn túc lãnh đạo tờ báo nên xem trách nhiệm của mình đối với tờ báo, đừng chỉ hỏi vì sao đối tượng độc giả mình lại ít mà thôi?”.

1THTT (3).JPG

Bạn Trần Trọng Hiếu phát biểu

Bạn Hiếu cũng mong muốn với vai trò của mình, GN cũng nên có những bài viết điều chỉnh những mặt tồn tại chưa hay, chưa đẹp trong mái chùa, đời sống Tăng Ni. Song, bạn cũng có lời khen rằng với những gì GN đã chuyển tải hàng tuần thì cá nhân bạn, gia đình bạn cũng đã tìm được những khoảng lặng bên cạnh những thông tin đầy dẫy màu sắc bạo lực bên ngoài…

1THTT (2).JPG

* Đáp lại lời bạn Trọng Hiếu, TT. Nghiêm Quang chia sẻ những trăn trở về công tác phát hành và thu hồi phí, khả năng thu hồi phí phát hành và đề ra chủ trương yêu cầu thanh toán cả năm. Ngoài ra, thầy còn cho biết thêm rằng “Có nhiều ý kiến cho rằng báo Giác Ngộ không có nhiều thông tin để đọc, không có ý nghĩa với đa số độc giả, tuy nhiên, còn giải thích thiếu thông tin chỗ nào thì độc giả vẫn chưa chia sẻ nhiều. Đó cũng là cái khó cho người làm báo GN”.

Bác Dương Lâm, một đại lý phát hành chia sẻ: “Không phải chỉ mở diễn đàn góp ý cho báo một bữa nhân dịp kỷ niệm báo, mà phải lắng nghe góp ý thường xuyên”. Tiếp tục nói về phát hành, bác Lâm bộc bạch: “Ban Biên tập nên chú ý đến những thị trường mới, mang tính phát hiện điểm mới. Càng nhiều điểm mới phát hành thì báo sẽ càng phát triển”.

1MTW (2).JPG

Bác Dương Lâm trăn trở về công tác phát hành

Không chỉ góp ý về phát hành mà bác Lâm còn mong muốn báo nên có những bài phóng sự để thu hút người đọc. “Cách đây mấy số, tôi thấy có một chuyên trang trên GN nguyệt san có đề tài thiết thực như cái chết, phút lâm chung… Kiến thức ấy rất cần, mong Ban Biên tập tiếp tục khai thác những đề tài phóng sự, đề tài về cuộc sống gần gũi như thế”.

Học giả Đào Nguyên - tác giả chuyên viết về Phật học trên nguyệt san Giác Ngộ thông tin rằng mỗi năm kỉ niệm sinh nhật báo GN, ông đều tham dự. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều phản ánh về tuần báo mà không nói về nguyệt san, như vậy là không công bằng. Ông thấy những bài viết trên nguyệt san rất đầy đủ, chuyên sâu chứ không nghèo nàn như phản ánh. Thế nhưng, hình như chưa có nhiều độc giả đón đọc nguyệt san cho lắm, lí do vì sao thì vẫn chưa biết.

1MTW (3).JPG

Học giả Đào Nguyên phát biểu

1MTW (1).JPG

Học giả Đào Nguyên cho biết: “Làm báo rất khó nên chúng ta cũng nên có cái nhìn thông cảm cho nhà báo nói chung cũng như các phóng viên báo GN nói riêng. Nhìn chung, báo GN đã có tiến bộ về cả nội dung và hình thức trong những năm qua. Bên cạnh đó, tôi nghĩ báo mình nên huy động thêm những số tăng sĩ trẻ tốt nghiệp từ đại học hỗ trợ nôi dung cho báo cũng như kêu gọi các Phật tử đón đọc tờ báo của mình”.

Anh Nguyễn Quế Diệu (bút danh Mai Diệu) hồi tưởng nhân duyên đến với báo GN, từ năm 1996-1997 khi đi tìm hiểu văn hóa Phật giáo ở Học viện Vạn Hạnh TP.HCM và được báo bác Tống Hồ Cầm tặng cho mấy tờ GN. Bẵng đi thời gian, do công việc, anh không tham gia cộng tác thường xuyên, nhưng kể từ khi xem Phật Ngọc và cũng được tặng một tờ GN, kể từ đó anh trở thành CTV thân thiết của báo, qua chuyên trang Sống đạo.

1GWW (2).JPG

Anh Nguyễn Quế Diệu chia sẻ

Về mặt nội dung, anh tự hỏi, GN nghèo về nội dung, mà nghèo ở chỗ nào? Rồi anh Diệu phân tích: “Chúng ta đừng tham vọng sẽ trở thành tờ báo của hết thảy mọi người và tôi cũng không góp ý để báo phủ sóng rộng khắp”. Sau phân tích ấy, anh Mai Diệu góp ý: “Cần có những thống kê xã hội học về nội dung: nghèo/giàu chỗ nào? Đối tượng bạn đọc trên báo, trang mục nào bạn đọc không yêu thích, trang mục nào bạn đọc yêu thích. Chỉ có thể tìm thấy câu trả lời “thiếu” và “yếu” mà nãy giờ chúng ta mổ xẻ, góp ý (mang tính chủ quan) thông qua một điều tra xã hội học mà thôi”.

1GWW (1).JPG

CTV Nguyên Cẩn đã bộc bạch những tình cảm của mình với báo GN dưới góc độ của một nhà kinh tế: “Tôi thấy báo GN có vẻ đang lấn cấn trong việc định vị của mình. Tuần báo thì nặng về thông tin còn nguyệt san thiên về chuyên môn. Vì vậy, có nên chăng định vị tờ báo của mình dành cho ai, hàn lâm hơn hay phổ thông hơn? Nếu CTV từ các tỉnh gửi về các tin quá nhiều, nếu không chọn lọc thì sẽ bị rối và đánh mất giá trị của tờ báo.

Sau khi định vị, ta có thể ra được sản phẩm của mình như thế nào sao cho phù hợp. Thứ nữa, giá của báo mình khá rẻ, tuy nhiên, không phải cứ rẻ mà tốt mà ta phải lượng được chất xám mình bỏ ra để đánh giá cho đúng”.

1GWW (3).JPG

CTV Nguyên Cẩn phát biểu

CTV Nguyên Cẩn cũng đề nghị báo nên khuyến khích các lượng độc giả đặt báo dài hạn và nhất thiết là nên thu tiền trước để tránh gây khó khăn về tài chính cho mình. Ông hy vọng báo sẽ phát triển hơn trong những năm sắp tới.

ĐĐ. Thích Hải Châu (CTV Trang Phật giáo nước ngoài) góp ý: Nên có mục nhạc Phật giáo (giới trẻ rất mê ca nhạc, sao chúng ta không đưa chuyên mục nhạc trên Giác Ngộ Online?), phát triển mảng Phật giáo thế giới theo hướng dịch và có những bài bình luận về các vấn đề Phật giáo thế giới. Ngoài ra, thầy cho rằng GN nên tập trung phát triển theo hướng tổ chức: phân công, phân nhiệm cụ thể, huy động chất xám từ số đông, đừng nên ôm đồm…

1AWT (1).JPG

Thầy Thích Hải Châu phát biểu

1AWT (2).JPG

Ban Biên tập Báo Giác Ngộ tặng quà đến đại biểu

1AWT (3).JPG

Phát biểu của anh Nguyên Cẩn và thầy Hải Châu, là những ý kiến cuối cùng của buổi góp ý, chia sẻ trong chiều này. Thầy Tâm Hải, Thư ký tòa soạn cho biết tương lai GN sẽ phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện. Đồng thời thầy cũng giới thiệu thêm một số hoạt động đằng sau trang báo như Phật học hàm thụ, Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo, Từ thiện xã hội, Tiếp sức mùa thi… Những hoạt động ấy sẽ tiếp tục phát triển cùng với tờ báo. ĐĐ.Tâm Hải gút lại: “Sẽ đưa tất cả những góp ý của quý CTV thân thiết của GN vào công tác tòa soạn, xây dựng nội dung, cũng như phát hành để GN đồng hành với bạn đọc trên từng quá trình tu học, làm đẹp cuộc đời…”.

1AWT (4).JPG

* TT.Thích Thiện Bảo - Phó Tổng Biên tập Báo GN đúc kết cuối cùng: “Gần 20 phát biểu của quý CTV là những góp ý đầy yêu thương dành cho tờ báo. Có những góp ý chúng tôi đã làm được, sẽ tiếp tục làm và cũng có những chia sẻ nằm ngoài khả năng. Những người làm báo GN luôn biết ơn về những tình cảm ấy. Song, công bằng mà nói thì quá trình 35 năm phát triển, GN cũng đã là bạn của rất nhiều người, những người làm báo GN đang cố gắng từng ngày, lắng nghe tất cả những khen chê mà quý CTV, bạn đọc gửi gắm, kỳ vọng!

Trong khi mở mắt ra, tiếp nhận quá nhiều thông tin “đau đầu” như giết chóc, tham nhũng, bạo lực thì ở một khía cạnh nào đó GN đã góp phần cân bằng những thông tin “đau đầu” kia. Nhất là khi xu hướng chung của toàn xã hội đang hướng về lối sống chậm, hướng về đời sống tâm linh…”.

-------------

Giác Ngộ Online đã tường thuật trực tuyến đến chư tôn đức Tăng Ni, quý bạn đọc trong và ngoài nước những hình ảnh và nội dung của diễn đàn. Giác Ngộ mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc gần xa để tiếp cải tiến nội dung và hình thức. Mọi đóng góp xin vui lòng gởi về Email: toasoan@giacngo.vn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày