Hỏi: Xin cho biết, theo quan điểm của Phật giáo, con người được hình thành từ khi nào?
(HIẾU TRẦN, hieuthao...@gmail.com)
Bạn Hiếu Trần thân mến!
Thời điểm được cho là bắt đầu sự sống, chính xác là hình thành bào thai (con người) hiện trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau. Theo Phật giáo, có ba nhân tố căn bản hòa hợp để hình thành nên bào thai. Đó là do tinh cha, huyết mẹ cùng thần thức hòa hợp mà thành.
Kinh Trung bộ (Đại kinh Đoạn tận ái, số 38) ghi: “Này các Tỳ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: Ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình”.
Như vậy có thể xác định, thời khắc tinh trùng xâm nhập vào trứng (cả tự nhiên cùng các phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm) đồng thời thần thức (hương ấm) phải có mặt để cùng hội nhập, chính là lúc đầy đủ nhân duyên để hình thành bào thai.
Đây là quan điểm chính thống của Phật giáo về thời điểm hình thành con người. Từ cơ sở này, Phật giáo thiết lập các giá trị đạo đức, cách thức ứng xử đối với thai nhi (tuy còn trứng nước) như một con người thực thụ.
Chúc bạn tinh tấn!