GNO - Các cảnh tượng ghê rợn của cảnh giới địa ngục không chỉ là cơn ác mộng của trẻ con mà cả người lớn cũng có thể “tham quan” khu Công viên Địa ngục với những tác phẩm vẽ và điêu khắc sống động giúp những người tạo tội ác trong đời này có thể mường tượng được những gì họ phải gánh chịu sau khi giã từ sự sống.
Đó là các công trình được kiến tạo cho tất cả các công viên, khu giải trí trên khắp đất nước Thái Lan, mô tả 136 trạng thái và cảnh tượng ở địa ngục (Naraka, theo triết lý Phật giáo), nhằm mục đích để các gia đình đưa con em đến đây tham quan, vui chơi và dạy cho các em những bài học đạo lý. Những bức tượng, điêu khắc như lời cảnh báo những “hậu họa” sẽ xảy ra nếu như con người không sống tốt hoặc không biết yêu chuộng hòa bình.
Theo Phật giáo, những người sống với tâm tham lam và bỏn xẻn, chết đi phải chịu cảnh khát đói
Cách Bangkok 1 giờ 30 đi bằng xe, Công viên Địa ngục Wang Saen Suk là công viên lớn nhất mang chủ đề của chương trình quốc gia này. Công viên gửi thông điệp rằng nếu người ta làm việc ác nhiều hơn việc thiện thì sẽ phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi mình đã gây ra trước khi tái sinh vào một kiếp sống khác.
Bài học rút ra từ Công viên Địa ngục là: Con người không thể trốn chạy những điều xấu ác mình đã tạo tác mà không phải gánh chịu hậu quả và sự trừng phạt. Và sống tốt trong đời này sẽ giúp có những phước lành trong đời sau, dù đời này đã lỡ tạo nghiệp ác. |
Những tác phẩm 3D này mô tả cụ thể những hình phạt phải gánh chịu khi phạm Ngũ giới (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu - sử dụng chất gây nghiện) đối với người cư sĩ Phật giáo và 227 giới của người xuất gia.
Gần cổng vào Công viên Địa ngục là hai bộ xương của người nam và người nữ trông như hai con quỷ đói, bị treo lên cây, mồm há hốc, lưỡi bị kéo dài xuống tới hông. Theo Phật giáo, những người sống với tâm tham lam và bỏn xẻn, chết đi phải chịu cảnh khát đói. Bên dưới đó là 21 thi thể mình người đầu thú. Một số tác phẩm được khắc họa phỏng theo truyền thuyết như: cướp bóc sẽ thành khỉ, nói dối sẽ thành cóc, tham lam sẽ thành heo… Một số tác phẩm khác được chế tác theo trí tưởng tượng và sáng tạo như: gây hỏa hoạn, đốt phá sẽ thành rắn, cướp gạo thóc sẽ thành chim, phá hủy cây cỏ, thuốc quý và các loài hữu dụng sẽ thành dê.
Bên trong công viên là các tác phẩm mô tả những hình phạt một cách cụ thể và rùng rợn hơn đối với các hành vi phạm ngũ giới: người nói dối, ngoại tình, phạm tội cưỡng hiếp, sát nhân bị chim xé toạt các bộ phận trên cơ thể hoặc bị xẻo chém bằng dao rựa cho đến chết. Kẻ nghiện rượu phải uống dầu sôi. Kẻ nói dối, lưỡi bị kềm kéo dài ra. Phụ nữ phá bỏ thai nhi sẽ bị đắm chìm trong trụy lạc.
Cạnh đó là những bức tranh vẽ mô tả cảnh tội nhân bị lột da, nấu trong chảo dầu sôi, bị đâm thủng và treo lên, thân trần trụi trong đám cây đầy gai góc hoặc bị dã thú tấn công… Hình phạt kinh khủng nhất dành cho người phạm tội làm thương tổn đến cha mẹ hoặc người xuất gia, họ bị giam cầm trong hang đen tối tăm, trong băng giá…
Ngoài những cảnh rùng rợn, công viên còn bố trí những thông điệp nhắn nhủ cho cuộc sống như: Nếu gặp khổ đau trong kiếp này thì đừng trì hoãn tạo thiện nghiệp để có cuộc sống đời sau tốt đẹp hơn; Bố thí mỗi ngày một ít để có cuộc sống an vui hơn,… Và cuối khu công viên là hình ảnh một nhóm Phật tử tác thiện nghiệp trong đời này sẽ được phước báu đời sau qua mô tả một cái cây sẽ mọc ra bất cứ gì người ấy mong muốn và xứng đáng trong đời sau.
Trần Trọng Hiếu (The Buddhist Channel)