Công viên quả mãn

Giác Ngộ - Công viên quả mãn nói tắt là công quả, nhưng từ này đã bị lạm dụng nhiều. Những người lười biếng vào chùa nói là công quả, hay nói công quả khiến người ta nghĩ đến làm việc không năng suất và không có thù lao; đây là sai lầm lớn.

Công quả chủ yếu chỉ cho sự tu hành của chúng ta là có công tu thì phải có quả chứng. Còn tu không kết quả, hay làm việc không năng suất thì không được coi là công quả.

8301108212-View_FullSize.jpg

Chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới ở Hải Dương - Ảnh minh họa

Công viên quả mãn gợi chúng ta nghĩ đến các Đức Như Lai có quá trình tu hành và kết thành quả Bồ đề. Quá trình tu của chúng ta mà Phật thường dạy là phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp tu nhân. Một a tăng kỳ kiếp dài vô số, không phải một kiếp người. Một kiếp người nâng lên thành một tiểu kiếp, một trung kiếp, một đại kiếp cho đến a tăng kỳ kiếp là thời gian dài hết số, nhưng đánh dấu mốc từ khi phát tâm Bồ đề và vượt qua được tất cả phiền não, trần lao, nghiệp chướng là đạt được một a tăng kỳ kiếp thứ nhất; nhưng cũng phải qua bốn giai đoạn.

Giai đoạn một, trụ được pháp Không, tức hoàn cảnh không còn tác động, chi phối chúng ta, nếu có khó khăn đó thì phải vượt qua. Vì vậy, con đường của Phật đi rất khó và rất dài. Chúng ta đi theo con đường của Phật, biết tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời này đều là sinh diệt, là giả tạm, cho nên chúng ta không quan tâm, để tâm chúng ta lắng yên, không buồn giận, không lo sợ; đó là giai đoạn một, hay a tăng kỳ kiếp thứ nhất chứng  sơ quả Tu đà hoàn, không bị xã hội và thiên nhiên chi phối thì đối với việc no đói, hay trời đất nóng lạnh, chúng ta cũng bình thường, người kính trọng hay không cũng được. Cho đến khi mất mạng sống cũng không băn khoăn, vì đã có mạng sống thực của đạo hiện ra và khởi tu từ mạng sống này, hay còn gọi là kiến tánh khởi tu. Nếu không được như vậy, vẫn là người tu trong mộng.

Bấy giờ, người tu không lấy thân tứ đại làm mạng sống, không lấy sự sống vật chất làm mạng sống, nhưng họ sống với đạo đức và trí tuệ, vì đó là sinh mạng của họ. Thân là đạo đức và tâm là trí tuệ, lúc ấy, đời sống vật chất của ta biến mất thì đời sống đạo đức hiện ra; nhưng đừng tưởng rằng cuộc sống vật chất mất mới hiện thân đạo đức. Tuy cũng còn thân vật chất, nhưng nó đã chuyển hóa thành Pháp thân. Thân vật chất không tốt xấu, sạch dơ, nhưng tốt xấu sạch dơ tùy thuộc con người chúng ta. Vì vậy, thân vật chất của mọi người giống nhau, nhưng cuộc sống của mỗi người không ai giống ai. 

Ý thức như vậy, chúng ta cải thiện vật chất, chuyển hóa nó thành tốt để tu, còn bỏ vật chất để tu là tìm lông rùa sừng thỏ. Một Phật tử cúng dường một cành hoa lan bằng đất sét, từ đất sét mà chuyển thành hoa; cũng giống như vậy, từ thân vật chất này, nhưng chuyển nó thành thân đạo đức. Người có đạo đức có khả năng cảm hóa người khác. Tu hành, làm sao chúng ta trở thành người đạo đức, thành biểu tượng cho người nương theo được an lạc.

Chuyển thành thân đạo đức mới là thân để chúng ta tu hành, tiến lên gặt hái được hoa và quả là Bồ tát và Như Lai. Giai đoạn một chúng ta tu là chuyển thành thân đạo đức và kế tiếp là chuyển thành trí tuệ, gọi là giới thân huệ mạng. Lấy trí tuệ làm mạng sống, không phải mạng sống là thân này, nhưng trí tuệ cũng nằm trong thân này. Vì vậy, chúng ta chuyển thân tứ đại thành đạo đức và chuyển hóa tám thức trở thành bốn trí là Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Sở tác trí và Đại viên cảnh trí. Lấy bốn trí này làm mạng sống. Ngày nào trí này không có là mất mạng.

Trí còn sống là đối cảnh, trí sanh. Bốn trí này là mạng sống của chúng ta, cho nên chúng ta giữ mạng thứ nhất là giữ Diệu quan sát trí. Chưa tu, trong đầu chúng ta tính toán đủ thứ, nhưng không đúng gì cả. Diệu quan sát trí là thấy chính xác bằng tâm, tức mạng sống của người tu là tâm, nên thấy sự vật bằng tâm là thấy thẳng tâm người. A la hán chứng tha tâm thông là dùng tâm mình thấy tâm người khác. Chúng ta giữ tâm này làm mạng để sống, từ đó người tu đạt được trí này, không quan tâm đến bên ngoài, nhưng không có gì không biết.

Được công viên quả mãn một là được thân đạo đức và mạng trí tuệ và sử dụng hai thứ này để tiến bước trên đường đạo. Chưa có đạo đức và trí tuệ thì tu cái gì cũng là nấu cát muốn thành cơm, không thể có kết quả tốt đẹp.

Trên bước đường tu, vượt qua giai đoạn một, khó khăn nhất thì ba giai đoạn còn lại dễ dàng hơn. Việc quan trọng là sử dụng được giới thân huệ mạng và từ đây khởi tu để chứng A na hàm và A la hán. Đạt quả A na hàm là đứng trên đỉnh cao của thế giới vật chất. Lúc trước tu, rời vật chất để có đạo đức và trí tuệ; nhưng nay có trí tuệ và đạo đức, mới đứng ở đây quan sát xuống được cùng tận trời đất gọi là Ngũ tịnh cư thiên là tầng trời cao nhất không phải ở đâu, nhưng ngay trong giảng đường, hay trong địa ngục cũng cao nhất, vì là người cao thượng thì ở đâu, họ cũng cao thượng. 

A na hàm vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh, nghĩa là chứng được quả này thì đứng trên vật chất quan sát tất cả muôn loài từ địa ngục đến thiên đường.

Công viên quả mãn một ta được và ở địa vị A la hán dùng đạo đức cảm hóa và trí tuệ dìu dắt người. Chưa đắc A la hán mà dẫn người là người mù dẫn người đui. Tuy nhiên, theo kinh Pháp Hoa, các thầy chưa đắc Thánh quả cũng độ được người khác. Phật ví như thái tử mới vừa sanh chưa biết gì, nhưng có thái tử thì các quan đại thần phải làm; thái tử không làm, nhưng thiếu thái tử không được. 

Cũng vậy, các thầy chưa đắc A la hán, nhưng độ chúng sinh được, vì họ xuất gia, mặc áo Phật, nói lời của Phật, nghĩa là họ thay cho Phật, nên Phật tử phải nghe. Thực tế cho thấy người xuất thân giai cấp thấp nhất trong xã hội, nhưng xuất gia rồi, người sang trọng cũng phải chắp tay xá họ và gọi là thầy. Họ làm quan, làm tướng, nhưng cha mẹ qua đời, họ đến chùa gặp thầy cũng phải bạch thầy xin cầu siêu. Bình thường kiến thức của người thầy và vị trí xã hội của người này cách xa, nhưng khi cần đến việc cầu nguyện thì khoảng cách xã hội không còn. 

Ngài Đường Huyền Trang diễn tả ý này là : Phàm Tăng bất năng giáng phước, dục cầu phước tiên thỉnh phàm Tăng, thầy không có khả năng giáng phước, nhưng muốn cầu phước phải thỉnh phàm Tăng, vì vị này thay Phật, mặc áo Phật, nói lời Phật, đó là hiệu quả của hình thức; tuy nhiên, người tu biết từ đây phát triển phần nội lực là điều mà kinh Đại thừa muốn nhấn mạnh, còn chấp vào hình thức không thôi để tự mãn sẽ bị đọa.

w4.jpg

Ảnh minh họa

Qua a tăng kỳ kiếp thứ hai, đứng ở đỉnh cao của vật chất quan sát rõ tất cả vật chất, nhưng thấy được tất cả các pháp là điều khó vô cùng, vì các pháp luôn biến đổi, cái gì nói rồi thì nó đã trôi qua, còn chấp pháp sẽ phạm sai lầm. Vì vậy, Ngài Nhật Liên dạy chúng ta phải biết thêm giáo, cơ, thời, quốc. 

Đức Phật xuất thế ở Ấn Độ 2.500 năm trước, thời gian và quốc độ đã khác. Chúng ta sanh ở thời kỳ này và quốc độ này hoàn toàn khác, tức sự vật luôn biến đổi, nên chúng ta cần có trí tuệ nhìn thẳng vào sự thật biến đổi thế nào thì thấy đúng như thế. Và Phật dạy không nên chấp lời nói, vì sự vật luôn chuyển biến về quá khứ và con người luôn chuyển hướng về tương lai. Vì vậy, ở lộ trình hai, sự vật không cố định, nhưng sự vật muôn màu muôn vẻ, thay đổi không ngừng, nên trí tuệ chúng ta cũng phải thay đổi không ngừng, cho đến khi trí tuệ của chúng ta chính xác là mãn a tăng kỳ kiếp thứ hai.

Từ a tăng kỳ kiếp thứ nhất lên đến đỉnh cao nhất của thế giới vật chất biến đổi, tiến sang a tăng kỳ kiếp thứ hai thấy đúng và sang a tăng kỳ kiếp thứ ba, thâm nhập vào thế giới luôn biến đổi không ngừng để nghiêm tịnh thế giới đó; nói cách khác, là mượn cảnh huyễn để độ người trong mộng. Tất cả chúng ta đang ở thế giới sanh diệt, nhưng nếu bị lệ thuộc vào cảnh huyễn mộng đó thì sẽ tạo khổ đau kế tiếp không dứt, còn chúng ta tu hành vào đây để chuyển thành cuộc sống an lạc, không khổ đau.

Trời đất rộng mênh mông, nhưng có duyên thì cũng có ngày gặp lại. Trong Pháp giới bao la, vô số tỷ người, chúng ta tu hành tin rằng trong kiếp tái sanh, chúng ta thường gặp lại nhau. Tôi sang Nhật gặp Hòa thượng Ito đỡ đầu tôi. Ngài nói rất dễ thương là mình gặp nhau hôm nay không phải lần đầu, nhưng đã từng gặp nhau trong quá khứ rồi, từng hành Bồ tát đạo, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.

Thật vậy, trên cuộc đời này, có những người mà ta mới gặp lần đầu, có những người mà ta đã gặp, đã chia sẻ. Trong kiếp luân hồi mênh mông mà gặp được pháp lữ đồng hành rất khó. Tôi gặp vị Lạt ma nói các Lạt ma tin tái sanh, nhưng tôi không dám tái sanh, vì ở Tây Tạng khổ quá, không muốn tái sanh nữa. Tôi nói Ngài không tái sanh ở Tây Tạng thì tái sanh ở Việt Nam hay Thái Lan, v.v…  cũng được vậy. 

Chúng ta thâm nhập thế giới đó là thế giới tâm thức để nghiêm tịnh. Đức Phật cũng từng thâm nhập thế giới này để độ nhiều người. Đức Phật Thích Ca nói rằng Ngài từng tu từ thời Phật Oai Âm Vương, đến thời mạt pháp của Phật Oai Âm Vương có những Tỳ kheo tăng thượng mạn kết hợp với giới cư sĩ cậy quyền thế. Họ tu sai, nhưng ai nói đến thì họ trị thẳng tay, không tha, trong khi người tu phải lóng nghe, suy nghĩ để sửa đổi những sai lầm. 

Ở Nhật Bản, có Ngài Nhật Liên ra đời, bấy giờ có Ngài Lương Khoan là quốc sư được vua chúa kính nể. Quốc sư này cũng nghĩ sai lầm rằng ông đúng, các thầy khác không đúng. Lúc đó, Ngài Nhật Liên chưa có uy tín, là Tăng sĩ trẻ, nói một câu rất mạnh là tất cả quốc sư lãnh đạo đều rơi vô tà đạo, sẽ đọa địa ngục. Lương Khoan giận không chịu nổi, mới vào triều đình thưa với người chấp quyền là Thủ tướng rằng ngày nào Nhật Liên còn sống thì bần tăng ăn không ngon, ngủ không yên. Nhật Liên nói tội nghiệp cho Lương Khoan, tên Lương Khoan mà lại bất lương, tinh thần quá hẹp hòi, lên đến Hòa thượng mà còn muốn ăn ngon ngủ yên. Tôi học được bài học vô giá này.

Đức Phật nói vào thời mạt pháp của Phật Oai Âm Vương, Ngài đã gặp những tu sĩ tăng thượng mạn, nhưng Ngài có thái độ khoan dung, dù họ nói xấu, đánh Ngài. Khi Ngài thành Phật Thích Ca, những người này đều trở thành đệ tử của Phật, 500 vị này trở thành Bồ tát, đứng đầu là Bạt Đà Bà La Bồ tát.

Thâm nhập để nghiêm tịnh là giai đoạn thứ ba tu hành thì tất cả những người, từ người ủng hộ cho đến người chống đối hay thờ ơ đều trở thành bạn tốt. Đối với người ủng hộ mình là pháp lữ đồng hành đã tu chung từ kiếp quá khứ rồi, nên nay gặp lại, họ chấp nhận và chia sẻ được, chúng ta nên trân trọng, giữ gìn những bạn tốt này. Trong kiếp quá khứ, chúng ta đã nghiêm tịnh được pháp hội đạo tràng này, không phải tự nhiên mà có. 

Đối với người không chống, không theo cũng còn trong Pháp giới. Họ không quan tâm đến ta, nhưng ta phải quan tâm đến chúng kết duyên này để nghiêm tịnh. Ta phải làm tất cả mọi việc để họ phát tâm Bồ đề. Điều này trong kinh Phổ Môn có nói Bồ tát Quan Âm làm đồng nam đồng nữ để người phát tâm, Ngài cũng làm. Thực tế chúng ta thấy có những bà phu nhân khuyến hóa chồng biết đạo đức.

Giai đoạn ba, thâm nhập để nghiêm tịnh Pháp giới, nghĩa là người chưa phát tâm, ta làm cho họ phát tâm, người đã phát tâm, ta làm cho họ tốt hơn và người chống đối, chúng ta vô hiệu hóa và giúp họ cải ác làm thiện. Và khi làm được ba việc này, người tốt thương ta hơn, người chưa phát tâm và người chống đối cũng thương ta, là công viên quả mãn.

Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này, thể hiện rõ nét giá trị của công viên quả mãn. Điển hình là chẳng những vua Ba Tư Nặc ủng hộ mà cả vua A Xà Thế từng quyết liệt hại Phật, sau cùng cũng theo Phật, hết lòng hộ trì Phật pháp. Ngài thành tựu quả vị Phật là công viên quả mãn. Mong đại chúng suy nghĩ về quá trình hành đạo của Phật để chúng ta noi theo, thể hiện trong cuộc sống từ kiếp này sang nhiều kiếp sau, cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề như Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày