Tâm niệm an cư

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dù an cư chỉ kéo dài ba tháng trong năm, nhưng tinh thần an cư có thể được duy trì trong từng khoảnh khắc đời sống. Khi tâm luôn có mặt trong hiện tại, khi mỗi hành động đều được tỉnh thức soi chiếu thì lúc ấy bất cứ nơi đâu cũng là đạo tràng, bất cứ lúc nào cũng là mùa an cư.

“Khi cánh chim mỏi, nó trở về tổ. Khi lòng người xao động, nó tìm về an trú...”.

Trong cuộc sống, mỗi người dù ở bất kỳ vị trí hay hoàn cảnh nào, cũng cần có những khoảng lặng để tạm dừng, để tĩnh tâm và soi rọi lại chính mình sau những tháng ngày xuôi ngược. Trong đạo Phật, khoảng lặng ấy chính là mùa An cư kiết hạ, một truyền thống thiêng liêng được Tăng đoàn lưu giữ từ thời Đức Thế Tôn tại thế cho đến hôm nay.

Ba tháng an cư không đơn thuần là thời điểm dừng chân, tạm dừng du hóa mà là cơ hội quý báu để người xuất gia quay về nội tâm, tăng trưởng đạo lực và củng cố chí nguyện giải thoát. Tuy nhiên, điều cốt lõi không chỉ nằm ở việc “ở yên một nơi”, mà quan trọng hơn là “ở yên trong chính mình”. Đó chính là tinh thần tâm niệm an cư, một nếp sống mà người hành trì luôn lấy sự tỉnh thức làm nền tảng, lấy nội tâm an tịnh làm chốn nương tựa, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

An cư - điểm tựa của đời sống tu học

Từ thời Đức Phật tại thế, vào mùa mưa, Ngài đã chế định pháp an cư để bảo vệ côn trùng và sinh linh nhỏ bé trong thiên nhiên, đồng thời tạo điều kiện cho Tăng đoàn quay về sống với nội tâm, trau dồi giới đức, phát triển thiền định và thành tựu giải thoát.

Luật tạng ghi rằng:“Trong ba tháng mùa mưa, các Tỳ-kheo nên an cư tại một chỗ, chuyên tâm thiền định, không du hành khắp nơi để giữ gìn sinh mạng chúng sinh và tiến tu đạo nghiệp”1.

Từ đó, An cư kiết hạ trở thành một thời điểm đặc biệt trong năm để Tăng đoàn hội tụ, cùng nhau thúc liễm thân tâm và trau dồi giới đức. Ba tháng ấy là dịp để hàng xuất gia tạm gác lại hành trình hoằng pháp, trở về trú xứ, chuyên tâm vào việc tu học. Đây cũng là lúc giới luật được giữ gìn nghiêm mật, tinh thần hòa hợp được phát huy, và sự thực tập định tuệ miên mật được đẩy mạnh.

Quay về nội tâm - điểm khởi đầu của sự chuyển hóa

Nếu chỉ dừng lại ở việc “an trú nơi thân” thì sự tu tập vẫn còn nông cạn. Những hành giả chân chính cần tiến thêm một bước đó là “an trú nơi tâm”. Bởi lẽ, nếu hình tướng có mặt ở thiền đường mà tâm hồn còn rong ruổi, bất an thì sự an cư ấy vẫn chưa trọn vẹn. Trong mùa an cư, hành giả quay về với chính mình, lắng nghe tiếng nói nội tâm. Không còn bị cuốn theo âm thanh ồn ào của thế giới bên ngoài, họ bắt đầu nhận ra và đối diện với những vọng tưởng âm thầm bên trong. Những tập khí lâu đời, các niệm khởi vi tế, những cấu uế tiềm tàng, tất cả đều được soi sáng và hiển lộ dưới ánh sáng chánh niệm. Và chỉ trong sự đối diện chân thành ấy, hành giả thấy rõ sự sinh diệt, vô thường, ảo hóa của thân tâm cùng thế giới thì sự chuyển hóa mới có thể bắt đầu. Kinh Pháp cú dạy:

Dầu tại bãi chiến trường

Thắng hàng ngàn quân địch

Không bằng tự thắng mình

Chiến công oanh liệt nhất2.

Trong ba tháng an cư, hành giả không tìm cách đánh bại người khác mà tìm cách vượt qua chính mình, vượt qua sự lười biếng, tinh tấn chiến đấu và chiến thắng phiền não, cấu uế trong tâm.

Mỗi giây phút sống - một thời an cư

Dù an cư chỉ kéo dài ba tháng trong năm, nhưng tinh thần an cư có thể được duy trì trong từng khoảnh khắc đời sống. Khi tâm luôn có mặt trong hiện tại, khi mỗi hành động đều được tỉnh thức soi chiếu thì lúc ấy bất cứ nơi đâu cũng là đạo tràng, bất cứ lúc nào cũng là mùa an cư. Kinh Tứ niệm xứ dạy rằng: “Vị ấy sống quán thân nơi thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... để đoạn trừ tham ưu; sống quán thọ nơi thọ, quán tâm nơi tâm, quán pháp nơi pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... để đoạn trừ tham ưu”3.

Tâm niệm an cư có thể thực hành qua những việc rất giản dị như biết dừng lại để lắng nghe, sống chậm để cảm nhận rõ, quán sát sâu sắc nhằm nhận diện tất cả thân tâm mình. Chính sự tỉnh thức ấy là chiếc neo giúp hành giả không bị cuốn theo nhịp sóng của trần lao. Một người tuy ở giữa rừng sâu nhưng nếu tâm vọng động thì vẫn là kẻ phiêu bạt. Ngược lại, nếu tâm đã an thì ngay giữa chốn nhân gian vẫn có thể sống như ở nơi tòng lâm thanh tịnh.

Tâm niệm an cư - ánh đuốc soi đường

Ngày nay, khi thế giới ngày càng bị cuốn vào nhịp sống hối hả, con người dường như đánh mất khả năng dừng lại và lắng nghe chính mình. Trong cơn quay cuồng của công việc, trách nhiệm, và những mối bận tâm không ngơi nghỉ, tâm trở nên tán loạn, đời sống mất phương hướng. Chính trong bối cảnh đó, tâm niệm an cư không chỉ là hành trì dành riêng cho người xuất gia, mà còn là ánh sáng soi đường cho tất cả mọi người đang đi giữa dòng đời đầy biến động.

Với người xuất gia, an cư không chỉ là trách nhiệm, mà là một cơ hội quý báu để tự làm mới mình, để trở về nương tựa nơi Tam bảo, nơi Tăng thân và nơi nội tâm thanh tịnh. Với người tại gia, tuy không có điều kiện tịnh cư ba tháng như chư Tăng, nhưng vẫn có thể an trú nơi thân, nơi tâm, bằng cách sống chậm, dừng lại trong tỉnh thức. Dù đang nấu cơm, chăm sóc cha mẹ già, hay ngồi bên con trẻ, chỉ cần thắp lên ngọn đèn chánh niệm và tỉnh giác, thì khoảnh khắc ấy cũng trở thành đạo tràng, cũng là mùa an cư đang âm thầm nở hoa trong lòng.

Sự dừng lại trong chánh niệm là cơ hội để thân tâm được nghỉ ngơi, để những muộn phiền kịp lắng dịu, và để tình thương được hồi sinh. Khi sống với tỉnh thức, con người không còn hành động trong vô thức, không nói lời gây tổn thương, không chạy theo những nhu cầu của bản ngã. Chính lúc đó, trí tuệ được nuôi lớn, lòng từ bi trở thành chất liệu nuôi dưỡng mọi mối tương giao. Đức Phật từng dạy về điều này trong kinhPháp cú:

“Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm làm chủ, tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm ý thanh tịnh

An lạc theo sau mãi

Như bóng chẳng rời hình”4.

Khi tâm được an trú trong chánh niệm thì lời nói trở nên từ hòa, hành động trong tỉnh thức, và cuộc sống dần được chuyển hóa tốt đẹp. Dù ở bất cứ đâu, người có tâm niệm an cư vẫn có thể bước đi nhẹ nhàng giữa đời, như đang thiền hành giữa cõi tịnh. Chính tâm an là nơi nương tựa vững chắc nhất, là ánh đèn lặng lẽ nhưng bền bỉ soi sáng hành trình tu tập và sống đẹp của mỗi người.

Ngồi yên bên thềm đá cũ, lắng nghe tiếng mưa đầu hạ rơi lộp độp trên mái chùa. Những giọt mưa như vọng về từ cõi tĩnh lặng, như tiếng chuông ngân thầm nhắc các hành giả quay về nương tựa chính mình. Trong khoảnh khắc ấy, các hành giả cảm nhận một mùa an cư đang nở hoa, không rực rỡ, không ồn ào, nhưng thẳm sâu và bền vững. Mùa ấy không chỉ hiện hữu trên lịch, mà hiện hữu trong từng hơi thở, từng bước chân tỉnh thức. Mùa ấy là mùa tâm an, là ánh đèn dẫn đường cho hành giả đi qua đêm dài sinh tử.

Bởi đi xa không phải là đi nhanh, mà là đi vững. Muốn đi vững, cần có gốc rễ. Và gốc rễ ấy, chính là biết tâm niệm an cư.

--------

1 Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb Tôn Giáo, 2014, tr.279.

2 Kinh Pháp cú, phẩm Ngàn, HT.Thích Minh Châu dịch.

3 Trung bộ kinh, HT.Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, Nxb Hồng Đức, 2020, tr.65.

4 Kinh Pháp cú, phẩm Song Yếu, HT.Thích Minh Châu dịch.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đông đảo Phật tử về chùa dự lễ

Lễ thượng lương ngôi Tam bảo chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 21-7, tại chùa Tích Sơn - Di tích Lịch sử cấp Quốc gia tọa lạc tại P.Vĩnh Yên, Phú Thọ đã trang nghiêm diễn ra Lễ thượng lương ngôi Tam bảo trong niềm hoan hỷ và thành kính của chư Tăng Ni, Phật tử, thiện tín thập phương.
Người trí biết nhớ ơn và báo ơn

Người trí biết nhớ ơn và báo ơn

GNO - Sống trên đời là cả một sự hàm ơn. Dù là ai, hoàn cảnh và điều kiện thế nào, chúng ta đều mang ơn trực tiếp hoặc gián tiếp với người, phải chịu ơn xa hoặc gần với đời, nói tóm là nợ ơn tất cả hữu tình và vô tình.
Ảnh minh họa

Còn sân, nhưng không nhặt sân lên

NSGN - Khi bạn thiền tập, đừng hướng tâm ra ngoài. Đừng bám vào bất cứ kiến thức nào. Bất cứ kiến thức nào bạn học từ sách vở hay thầy dạy, đừng mang nó vào để làm phức tạp các thứ.

Thông tin hàng ngày