Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969): Trọn đời vì Đạo pháp và Dân tộc

Bác sĩ Tâm Minh tại Văn phòng Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới Việt Nam năm 1956 tại Hà Nội
Bác sĩ Tâm Minh tại Văn phòng Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới Việt Nam năm 1956 tại Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh dưới triều Tự Đức.

Cùng với anh là Y sĩ Lê Đình Dương trực tiếp học chữ Nho với thân phụ, cả hai anh em đều tỏ ra thông minh xuất chúng ngay từ thuở niên thiếu. Riêng ông từ nhỏ, đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú.

Trong những năm theo học tại các trường tiểu học, trung học và đại học, ông đã chiếm được cảm tình cả thầy và bạn, luôn luôn đứng đầu trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Thủ khoa) tại Hà Nội năm 1916, và sau đó đỗ Y khoa Bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.

Khi ra trường với danh hiệu Y sĩ, đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh là Y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột. Ông cũng bị tình nghi và luôn trong tầm theo dõi của nhà chức trách Pháp.

Từ năm 1916 đến năm 1923, ông được bổ nhiệm và làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo...

Năm 1926, ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, ông đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa:

Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.

Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức ông một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép ông đến gần với cửa thiền.

Nhân cụ Phan Chu Trinh mất, được tin ấy ông và những người yêu nước khác đã làm lễ truy điệu tại nơi đang làm việc, tỉnh Quảng Nam. Mật thám Pháp biết được nên chuyển ông ra làm việc tại Hà Tĩnh.

Năm 1928, ông lại được thuyên chuyển về Huế, đảm trách Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur, ông phát minh ra Sérum Normet. Chính năm này, ông mới lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 7 cây số ở sau đàn Nam Giao, để thỉnh tôn ý về bài kệ trên với Hòa thượng trụ trì là ngài Giác Tiên.

Tượng Cư sĩ - Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám tại chùa Từ Đàm, Huế

Tượng Cư sĩ - Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám tại chùa Từ Đàm, Huế

Sau khi hiểu thấu đáo bài kệ, ông đã thực sự chuyển hướng đời mình: Phát nguyện quy y Tam bảo, ăn trường trai từ đó và nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng hóa giúp đời. Với chí nguyện như trên, ông được thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.

Năm 1929, ông thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Hòa thượng chỉ đạo ông nghiên cứu các bài giảng của Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Ông đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết... và đã được các ngài chấp thuận.

Năm 1930, ông trở ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, ông vừa học Phật vừa làm ngành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, do các vị Hòa thượng và ông đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức:

- Thuyết pháp mỗi nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang;

- Mở trường đào tạo tăng tài cho Giáo hội sau này;

- Mở thêm các chi hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương Chánh pháp khắp các tỉnh;

- Thành lập Thanh niên Đức Dục (Phật học);

- Xuất bản tờ nguyệt san Viên Âm;

- Thiết lập các tòng lâm để chư tăng tu học, và đào tạo tăng tài...

Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).

Giai đoạn 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy Chánh pháp, đoàn kết Tăng Ni và Phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ.

Chùa Từ Quang, nơi làm giảng đường bước đầu để tuyên dương Chánh pháp cũng đã thấy bóng dáng của ông trong chiếc áo dài màu đen và chiếc khăn đóng tươm tất, thành kính đảnh lễ chư Tăng trước khi bước lên Pháp tòa để giảng kinh cho các vị học trò đặc biệt này.

Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, dân chúng Huế tản cư, ông cùng gia đình di tản về Quảng Nam.

Từ năm 1947 đến 1949, ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ.

Tại Liên khu V của vùng kháng chiến, ông tập họp một số đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục có mặt trong vùng và thành lập tổ chức “Phật giáo và Dân chủ mới” tại Bồng Sơn - Bình Định, nghiên cứu việc tổng hợp giáo lý Phật giáo và triết học Duy vật biện chứng.

Mùa hè năm 1949, ông tập kết ra Bắc. Sau đó ông được đề cử làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa bình thế giới.

Năm 1956, ông và Hòa thượng Trí Độ tham dự phái đoàn sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.

Năm 1961, toàn bộ kinh Lăng Nghiêm mà ông đã dày công phiên dịch và chú giải trong nhiều năm, đã được đăng tải trên báo Viên Âm trước đây được ông hoàn tất và xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau đó, sách được gia đình ông tái bản lưu hành rộng rãi ở miền Nam .

Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:

1. Kinh Thủ lăng nghiêm;
2. Luận Nhơn minh;
3. Đại thừa khởi tín luận;
4. Bát thức quy củ tụng;
5. Phật học thường thức;
6. Bát-nhã tâm kinh;
7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca;
8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập
(5 tập).

Đời người là vô thường, ông đã ngộ lý ấy và đã bình thản xả bỏ huyễn than ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 năm Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu, tại bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội, thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam bảo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày