Củng cố và điều chỉnh đồng bộ

GN - Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc cũng là thời điểm kết thúc một nhiệm kỳ, và bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Nhân sự lãnh đạo có thể thay đổi trong tinh thần kế thừa hoặc được suy cử tiếp tục đảm nhiệm vai trò đứng đầu các ban ngành, viện T.Ư. Nhân sự kiện này, GN đã ghi nhanh nhận định và đề xuất về hướng đi của ngành từ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo 13 ban ngành, viện T.Ư nhiệm kỳ VII.

HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát T.Ư:

“Quản lý Tăng Ni tốt hơn nữa trong tinh thần ‘kỷ cương’ của Giáo hội”

HT Thien Tanh.JPG
Chúng tôi rất suy tư trăn trở về công tác quản lý Tăng Ni. Hiện nay chúng ta đang lúng túng trong công tác này. Tình trạng Tăng Ni có những biểu hiện thiếu oai nghi, không giữ tròn giới luật đã thọ, tham gia những chương trình - sự kiện mang tính thế tục không phù hợp với tu sĩ Phật giáo… đang có xu hướng ngày một nhiều hơn; điều đó gây ra sự phản cảm của công chúng đối với hình ảnh một vị tu sĩ Phật giáo và Giáo hội.

Những phản ứng xã hội trong thời gian vừa qua trên báo chí và các mạng xã hội là một bằng chứng cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, không chặt chẽ ấy. Chúng tôi mong muốn sắp đến Giáo hội sẽ làm tốt hơn công tác quản lý Tăng Ni, chấn chỉnh nghiêm khắc về mặt giới luật, oai nghi và những biểu hiện thiếu sự chuẩn mực khác. Chúng tôi nghĩ đây là công việc phải thực hiện. Đó chính là nội dung “kỷ cương” trong chủ đề lớn mà TƯGH đề ra cho nhiệm kỳ tới.

HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế T.Ư:

“Điều chỉnh phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới”


HT Hue Tri.JPG
Vài ngày sau khi Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VIII kết thúc cũng là lúc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được áp dụng, triển khai. Để thích ứng với văn bản quan trọng này, GHPGVN đã tiến hành tu chỉnh một số điểm trong Hiến chương phù hợp với hoàn cảnh và xu thế mới. Với nhiệm vụ của mình, Ban Pháp chế T.Ư sẽ tập trung căn cứ vào Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh để theo dõi các hoạt động liên hệ đến pháp chế của các BTS, của các tổ chức, hội đoàn, cơ sở Phật giáo để góp ý, đồng thời báo cáo, đề xuất ý kiến lên Ban Thường trực HĐTS. Chúng tôi tin rằng, nỗ lực hoạt động của Ban Pháp chế T.Ư sẽ thuận lợi, đạt những thành tựu khả quan, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của GHPGVN.

HT.Thích Trung Hậu,

Trưởng ban Văn hóa T.Ư:

“Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tính đa dạng vùng miền”


Ht Trung Hau.JPG
Truyền thông và nâng cao nhận thức về kiến trúc văn hóa Phật giáo theo từng vùng miền đến từ BTS GHPGVN các cấp, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội trong cả nước là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa ở nhiệm kỳ mới. Chúng tôi sẽ lập chương trình phối hợp lâu dài và chặt chẽ với các cơ quan nhà nước liên hệ đến hoạt động ngành và có thẩm quyền để cùng xây dựng kế hoạch hành động nhằm giúp cho các kiến trúc tại các cơ sở tự viện được xây dựng hài hòa, kế thừa truyền thống và có tính đặc thù mỗi vùng miền, trong mục đích bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

HT.Thích Huệ Minh, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư:

“Tiếp tục Việt hóa và phổ biến các khoa nghi còn lại”

HT Hue Minh.JPG

Căn cứ vào Hiến chương và nội quy ngành, chức năng lớn nhất của Ban Nghi lễ là tạo sự thống nhất lễ nghi vào các ngày lễ trọng của Phật giáo và tất cả đều được thực hành bằng ngôn ngữ thuần Việt. Thời gian qua, ngành đã từng bước đi theo chủ trương này và đã hoàn tất công tác biên soạn, Việt hóa kinh nhật tụng, các nghi thức cộng đồng như Vu lan, Phật đản và lễ tưởng niệm chư vị tổ sư, chư tôn đức tiền bối. Nhiệm vụ này sẽ được tiếp tục quan tâm và thực hiện trong nhiệm kỳ mới trên cơ sở tiếp tục Việt hóa và phổ biến các khoa nghi còn lại.

TT.Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chánh T.Ư:

“Tự chủ tài chánh cho Giáo hội”

TT Thanh Phong.jpg

Với nhu cầu và định hướng về việc tự chủ tài chánh cho Giáo hội, ngành kinh tế - tài chánh sẽ tiếp tục cố vấn để thành lập các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế xanh, du lịch tâm linh và văn hóa.

Qua đó, ngành cũng tiến hành thực hiện liên kết liên doanh với tổ chức, doanh nghiệp khác nhằm tạo hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính lâu dài và bền vững, phục vụ nhiều công tác Phật sự.

Nhóm PV thực hiện

Bài liên quan: Kỳ vọng về sự kỷ cương và nhân sự trẻ hóa phù hợp || Giáo hội nên có cơ chế quản lý và phát ngôn chính thống || Giáo hội cần quan tâm đến các yêu cầu mới ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày