“Dạy dỗ không nghiêm là lỗi của người thầy”

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội trong một lần trình bạch lên Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội trong một lần trình bạch lên Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - LTS. BTS GHPGVN TP.Hà Nội vừa tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho 263 giới tử. Có một điều đặc biệt là sự hiện diện của các thầy nghiệp sư (thầy thế độ) của các giới tử trong thời gian diễn ra giới đàn với vai trò là người bảo hộ, trực tiếp hướng dẫn cho đệ tử của mình.

Phóng viên Giác Ngộ đã ghi nhận ý kiến từ Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, Yết-ma A-xà-lê của Đại giới đàn Hà Nội 2019 về sự việc này.

Trách nhiệm thầy - trò

“Ở đây chúng tôi chỉ xin nói trong phạm vi giới đàn truyền thống ở miền Bắc. Đối với một vị xuất gia thì thầy Bổn sư là Đức Phật, còn vị thầy hướng dẫn tu tập của mình bắt đầu từ lúc xuất gia trở đi gọi là thầy nghiệp sư; tức là vị thầy hướng dẫn, giúp mình thay đổi từ hình thức người thế gian sang hình thức người xuất gia, thay đổi từ hình thức bên ngoài lẫn tâm thức bên trong. Đó là vị thầy thế độ.

Theo truyền thống ở miền Bắc thì mối quan hệ thầy - trò hay nói rõ hơn là tình thầy - trò có quan hệ gắn chặt. Nó được cụ thể hóa trách nhiệm, bổn phận của thầy và trò trong luật mà Đức Phật đã chế định. Khi tới chùa xin xuất gia, vị thầy nghiệp sư thường nói với người đệ tử: “Con giờ đi xuất gia, vào cửa Phật thì giờ con như con của thầy và thầy như cha như mẹ của con”. Vì thế, mối quan hệ này có sự hỗ tương lẫn nhau giữa trách nhiệm và bổn phận. Người trò phải có bổn phận phụng sự người thầy, nghe lời bảo ban, dạy dỗ của thầy. Chẳng hạn như khi thầy có ốm đau bệnh tật thì trò phải hầu hạ các việc cần làm, như chư Tổ đã dạy “Sư hữu sự, đệ tử phục kỳ lao”. Điều này thể hiện trong luật Sa-di mà Tổ đã dạy “sự Sư như sự Phật” - hầu thầy như hầu Phật.

Và ngược lại, người thầy cũng có trách nhiệm hết lòng dạy bảo học trò nên người, trở thành bậc pháp khí sau này. Người thầy phải dạy từng việc nhỏ cho đến việc lớn. Ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào chùa, người đệ tử phải ở cạnh bên người thầy và được dạy “tứ oai nghi” của một người mới xuất gia cho đến những giáo pháp cơ bản của Đức Phật. Sau đó hạn định một thời gian đầy đủ oai nghi, phẩm hạnh và đầy đủ cơ duyên có đàn giới thì có trách nhiệm cho đệ tử đi cầu thọ giới pháp.

Điều đặc biệt ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, theo giáo luật lúc xưa, một tháng trước khi tổ chức giới đàn thì vị nghiệp sư phải dẫn giới tử đến các bậc tôn đức để thỉnh các ngài làm giới sư. Ngày nay thì Giáo hội làm việc theo hành chính nên Ban Trị sự ra một thư thỉnh, đại diện chư tôn đức trong Ban Trị sự đi thỉnh giới sư. Tuy nhiên, việc đi thỉnh giới sư này cũng phải có đại diện nghiệp sư và giới tử đi đến các bậc tôn đức để đỉnh lễ và cung thỉnh các ngài làm giới sư, việc làm này là bắt buộc. Thường khi đến, vị được thỉnh làm giới sư luôn nói câu: “Việc thỉnh giới sư theo giới luật là quyền và lựa chọn của giới tử, chứ không ai được áp đặt. Nhưng nay các con còn nhỏ, không biết các bậc tôn đức là ai, ai làm được việc nên phải có nghiệp sư dẫn đi thưa thỉnh”.

Khi ra lễ thỉnh thì bao giờ vị nghiệp sư cũng ra lễ trước rồi mới đến giới tử lễ sau. Vị nghiệp sư phải lễ và quỳ bạch vị tôn đức được thỉnh đó rằng con có nuôi được đệ tử, nay giới đàn sắp được khai mở, theo chư tôn đức Ban Trị sự hướng dẫn cung thỉnh quý ngài ứng ngôi giới sư trong Hội đồng truyền giới cho đệ tử chúng con truyền giới vào ngày tháng năm đó tại Đại giới đàn (địa chỉ). Một điều quan trọng nữa là giới tử trước ngày đi thọ giới phải xin phép thầy lên Đại hùng bảo điện lễ Tam bảo, về Tổ đường lễ Tổ và ra làm lễ thầy nghiệp sư xin thọ giới.

Nghiệp sư không có mặt thì giới tử không được đăng đàn thọ giới

Đối với Đại giới đàn, trước ngày truyền giới, các vị nghiệp sư phải đến đỉnh lễ chào Hội đồng giới sư; sau đó đến lượt các giới tử đỉnh lễ và thỉnh giới sư. Nếu nghiệp sư không có mặt những lúc này thì giới tử sẽ bị cho ra về, không cho đăng đàn thọ giới.

Riêng ở Hà Nội thì quy cách tổ chức giới đàn rất nghiêm ngặt theo truyền thống xưa, các nghiệp sư phải phân công nhau các công việc của giới đàn như: quản giới tử, làm sám chủ các thời lễ sám, coi sóc việc ăn uống ngủ nghỉ… đặc biệt là ở bên cạnh giới tử động viên, nhắc nhở giới tử trong suốt thời gian giới tử ở giới đàn. Vì sao cần phải ở sát bên cạnh? Vì đây là thời gian quan trọng để vị nghiệp sư giúp đệ tử mình bước qua một đoạn đường khác. Nếu đệ tử có lỗi lầm gì sẽ khuyên răn, dạy dỗ hoặc kịp thời sám hối với chư tôn đức. Khi giới tử có phạm lỗi gì thì Ban Tổ chức giới đàn sẽ gọi vị nghiệp sư của giới tử ra nhắc nhở. Nếu giới tử phạm lỗi nặng, thầy nghiệp sư và giới tử sẽ phải ra sám hối với Ban Tổ chức ngay lúc đó. Ở đây cho thấy trách nhiệm của người thầy trong lời chư Tổ dạy “Giáo bất nghiêm Sư chi nọa” - dạy dỗ không nghiêm là lỗi của người thầy.

Sau khi giới đàn hoàn mãn, nghi lễ đầu tiên là các giới tử đắc giới ra lễ tạ Hội đồng giới sư, sau đó đến các vị nghiệp sư ra lễ tạ Hội đồng giới sư. Trong lời đáp từ, Hòa thượng Đường đầu hoặc vị được ủy thác của Hội đồng giới sư sẽ một lần nữa dạy bảo cho các giới tử phải tinh tiến tu hành, hoàn thành đạo nghiệp. Sau đó, chúc mừng các vị nghiệp sư có đệ tử thọ được giới pháp, đồng thời căn dặn các vị phải có trách nhiệm cho đệ tử được học hành đến nơi đến chốn, dạy dỗ chu toàn để trở thành bậc pháp khí sau này.

Khi về đến trụ xứ, nghiệp sư phải dẫn giới tử lên lễ tạ Tam bảo, lễ tạ Tổ sư. Ngày tiếp theo nghiệp sư phải đưa các giới tử đi các tổ đình để “trình Tổ, bạch Tăng” trong sơn môn và một lần nữa lễ tạ các vị trong Hội đồng giới sư. Nghi thức này là để cho nghiệp sư có trách nhiệm với đệ tử, ngược lại đệ tử cũng thấy việc làm đầy trách nhiệm của thầy nghiệp sư đối với mình. Mối quan hệ này như cha mẹ và con cái, như nước hòa với sữa.

Ngày xưa thời chư Tổ cho đến chúng tôi, các giới tử đều phải thường xuyên đến đỉnh lễ chư tôn đức giới sư vào các dịp “sống Tết, chết giỗ”. Đặc biệt, ngày kỵ nhật, thầy nghiệp sư đều hiệp cúng giác linh chư tôn đức Hội đồng giới sư. Thiết nghĩ việc này thầy nghiệp sư phải luôn luôn nhắc nhở, dạy dỗ đệ tử thực hiện.

Theo giới luật, năm hạ đầu tiên sau khi thọ giới, người đệ tử phải sống bên cạnh thầy nghiệp sư để học hỏi. Như vậy thì người đệ tử có nhiều cơ hội học hỏi mọi kinh nghiệm từ thầy mình; từ đó mới biết cách thức để sau này lớn lên làm thầy và thu nhận đệ tử mà dạy dỗ, như chư Tổ đã dạy “hầu thầy mới được làm thầy”. Ngược lại người thầy cũng có thời gian dạy dỗ, truyền trao kiến thức cho đệ tử; uốn nắn, sửa chữa những sai phạm kịp thời để đệ tử được tốt và trưởng thành, làm đống lương thạch trụ cho đạo pháp.

Rất mong các thầy nghiệp sư giữ được điều giới luật đã dạy và cũng là truyền thống trong sơn môn. Chúng ta giữ được những lề lối căn bản này cũng là cách để giữ giềng mối đạo pháp được bền vững, sơn môn được củng cố, có quy củ, hạn chế tối đa những bất cập của thời đại.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
(Pháp Đăng lược ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày