Cuộc dấn thân trên vùng “đất khó”

GN - Có một vùng đất tại thôn 14, xóm 1, xã Đambri, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) gần 10 năm trước, bà con dân tộc địa phương ít ai dám lui tới bởi sự hoang vắng. Giờ thì, khu rừng đầy hố bom, chằng chịt dây thép ngày nào đã thay áo mới, mỗi ngày họ lại đến đây để kinh kệ, tu tập. Người cải tạo nên vùng đất này là Sư cô TN.Trung Hải, quê ở Tiền Giang…

9 năm và những đổi thay…

Ông Thao, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đambri cho biết: “Người làm sống lại và đem đến cuộc sống mới cho vùng đất này không phải là người dân địa phương; không phải là chàng trai khỏe mạnh, cũng không phải là thanh niên xung phong mà chính là Sư cô TN.Trung Hải, quê ở tận miền xuôi”.

IMG_0223.JPG
Sư cô TN.Trung Hải

Xuất gia tu học tại tỉnh Tiền Giang nhưng nhờ cơ duyên đến xã Đambri làm từ thiện, được nghe bà con chia sẻ khao khát giáo lý Đức Phật; rồi nhìn những cháu dân tộc chân đất, điệu con trên vai đi nhận quà, “họ cứ tưởng tôi là thánh thần, là Giàng…thương quá”,  vậy là Sư cô nói với cả đoàn muốn đến đây hoằng pháp.

Trước khi đến đây, Sư cô từng nghe chủ tịch xã cảnh báo, nếu Sư cô đến bà con chắc chắn vui lắm nhưng Sư cô sẽ phải chịu nhiều khó nhọc. Đất chỗ này, mặc dù có chủ nhưng ít ai dám vào ở... Phật tử đi chung đoàn nghe vậy, ai cũng có ý cản nhưng có lẽ đó là duyên nên không ai cản được.

Vậy là sau chuyến đi ủy lạo đó, Sư cô lên đây ở luôn với bà con địa phương.

Sư cô là người đầu tiên đặt viên đá xây dựng tịnh thất Thanh Liên Bảo Hải; là người đầu tiên dám dấn thân đến vùng “đất khó” để truyền trao Phật pháp cho bà con nghèo. Từ ngày Sư cô lên đây đến bây giờ, già trẻ, lớn nhỏ trong làng hầu như ai cũng kính trọng, thương mến. “Vùng đất này, nói thật, khát ngưỡng Phật pháp lắm, mấy chục năm trời, từ ngày giải phóng đất nước, bà con nơi đây mong mỏi có chỗ để nương tựa tâm linh, trì kinh, niệm Phật nhưng chờ mãi chẳng thấy ai đến. Ai đến đây, chỉ đến ủy lạo thôi, thấy là lắc đầu rồi. Thế nên, lúc Sư cô quyết định ở lại, cả làng ai cũng mừng ra mặt”, chị Luyến, xóm 5, xã Đambri chia sẻ.

Gắn bó với Sư cô từ ngày Sư cô mới đến, Phật tử Hải Yến kể: “Để có mảnh đất như ngày hôm nay, Sư cô cực khổ nhiều lắm. Ngày mới mua mảnh đất này, cây cỏ rậm rạp, rắn rít bò ngổn ngang, dưới hố bom thì đầy đầu đạn, đất lại không bằng phẳng. Sư cô đã nhẫn nại bỏ ra 3 năm liền để khai hoang, cải tạo đất. Suốt ngày, ngoại trừ thời công phu, còn hầu như thời gian còn lại Sư cô quần quật ngoài rẫy trồng củ chuối, củ đậu, bình tinh đem ra chợ bán. Một phần tiền, Sư cô mua mì phát cho người nghèo, phần còn lại Sư cô mua dần cây cà-phê về trồng. Bền bỉ, chịu thương chịu khó mấy năm trời, cuối cùng vùng đất chết này, một dãy đồi gần 1ha ngày xưa, giờ cà-phê đã phủ xanh mướt”.

Mong duy trì được đạo tràng

Đến tịnh thất Thanh Liên Bảo Hải, nơi Sư cô TN.Trung Hải đang trụ trì, thấy ngoài rẫy gần cả chục người mót cà phê, trong bộ áo lam giản dị, tôi cứ nghĩ họ là Phật tử đến làm công quả. Nhưng, trong đó có một người là sư cô trụ trì.

Căn phòng bé tí ti mà Sư cô gọi là “khang trang” không có gì quý giá ngoài những quyển kinh, sách dùng để tra cứu Phật học. Cuộc sống tu học của Sư cô rất giản dị, đơn giản đến mức tối thiểu vì lẽ, Sư cô đã dành hết những gì tốt nhất cho Phật tử người dân tộc nghèo ở nơi này. Vì cuộc sống của đồng bào dân tộc ở đây còn rất nhiều khó khăn nên mùa cà-phê, chanh dây hay mùa rau củ thu hoạch Sư cô cũng đều dành để phân phát cho bà con. Lúc thì tiền, gạo, tương chao… hỗ trợ cho họ từ vật chất đến tinh thần.

Với tuổi 63, tóc Sư cô giờ đã bạc trắng, bàn tay lộ nhiều sần sùi, khô ráp, gương mặt cháy sạm, hằn sâu những vết chân chim… đó là kết quả của những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế nhưng, Sư cô vẫn còn rất nhiều nhiệt huyết với công tác hoằng pháp, độ sanh. Sư cô cho biết: “Tôi muốn thành lập đạo tràng một tháng tu “Một ngày an lạc” và mong duy trì xuyên suốt. Nhưng ấp ủ mười mấy năm trời vẫn chưa thực hiện được vì bà con còn nặng gánh mưu sinh, vì tịnh thất còn nghèo nên chưa thể nào tạo điều kiện hết cho bà con được. Hiện nay, tôi tổ chức gián đoạn, tức mùa nào có thu hoạch rau, củ, quả; có đồng ra đồng vô thì mới tổ chức cho người dân nơi đây tu tập. Bởi lúc đó, mọi người đến tu mới có cơm ăn. Họ tu xong, mình phải cho mì gói họ đem về nữa vì ngày đó, không đi làm, họ không có tiền…”.

Cụ E’Hin, 82 tuổi bộc bạch: “Người dân ở vùng đất này ghi ân tấm lòng thật từ bi, bao dung của Sư cô Trung Hải. Nếu không có nghị lực và tấm lòng của một bậc tu hành từ bi thì khó mà hoằng pháp, cảm hóa con người, chinh phục vùng đất khô cằn này…”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày