Cuộc hành trình “kiến tánh” của một Thiền sư Nhật Bản

GN - Qua sự phóng tác tài tình của dịch giả Nguyên Phong (GS.John Vũ), tự truyện Michi của Thiền sư Satomi Myodo là câu chuyện sâu sắc và cảm động với những ai đang đi tìm chân lý cuộc đời.

Hoa trôi trên sóng nước là tác phẩm được phóng tác từ tự truyện Michi của Satomi Myodo - một trong những Ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản. Cuốn sách kể về hành trình đi tìm đạo, chân lý giải thoát những nỗi thống khổ của Ni sư Satomi Myodo trong hơn 40 năm.

IMG_0145.jpg


Tác phẩm Hoa trôi trên sóng nước

Câu chuyện của Ni sư Satomi Myodo có hai điều đặc biệt. Thứ nhất đó là việc Ni sư Satomi Myodo vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido (Nhật Bản). Bà sinh ra trong thời  đại mà việc tu học của phụ nữ không được khuyến khích và coi trọng. Tuy vậy, vượt qua hoàn cảnh, những định kiến, lề lối cũ, Satomi Myodo vẫn có được niềm tin mãnh liệt và quyết tâm tu đạo.

Điều đặc biệt thứ hai trong Hoa trôi trên sóng nước là câu chuyện chiến thắng chính bản thân mình, đạt được kiến tánh của Ni sư Satomi Myodo. Bởi, ở tuổi 40, Satomi Myodo đã trở thành một vị thầy của Thần đạo, làm đồng cốt cho đền thờ Thánh Mẫu (Kami), đạt được nhiều công phu như nhìn được quá khứ vị lai và nhiều công phu khác.

Tuy vậy, bằng đôi mắt đầy trí tuệ, Satomi Myodo vẫn nhận ra con đường giác ngộ thật sự không dễ dàng. Bà đã tu tập được nhiều công phu nhưng việc tu học không còn tiến bộ thêm bao nhiêu. Từ sâu trong thâm tâm, Satomi Myodo nhận thấy những nỗi dằn vặt của bản ngã - thứ mà bà nghĩ rằng mình đã diệt được thực ra vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức tinh tế không ngờ.

Chính vì lẽ đó mà Satomi Myodo ở tuổi trung niên quyết định rũ bỏ “công danh”, quyết tâm tìm kiếm cho mình một “minh sư” - người có thể tháo gỡ những khúc mắc trong quá trình tu tập của mình. Vượt qua rất nhiều gian truân và thử thách, Satomi Myodo đã gặp được Thiền sư Yasutani (Bạch Vân lão sư) - một trong những Thiền sư “huyền thoại” của Nhật Bản. Bà xuất gia, theo Phật giáo, tu hành theo phương pháp tọa thiền.

Dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Yasutani, Ni sư Satomi Myodo đã khắc chế được 3 vấn đề lớn của mình: Đó là việc ưa lý luận, suy nghĩ nhiều; có lòng tham mong cầu đạt ngộ; thụ động do việc thực hành thiền ngoại đạo. Cuối cùng, Ni sư Satomi Myodo đã đạt được “kiến tánh”. Kiến tánh chính là sự kết hợp giữa “định” và “tuệ”. Kiến tánh không phải là cảm giác thỏa mãn, vui sướng, tự đắc với những điều mình biết, đạt được mà là “một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thể diễn tả”.

Cuốn sách Hoa trôi trên sóng nước là tác phẩm được dịch giả Nguyên Phong (GS.John Vũ) phóng tác từ chính cuốn tự truyện Michi kể về cuộc đời và hành trình tu học, giác ngộ của Ni sư Satomi Myodo.  Bằng một ngòi bút minh triết và lối kể chuyện tài tình, một lần nữa Nguyên Phong (GS.Nguyên Vũ) lại đem đến một bản phóng tác sâu sắc về tâm linh, tỉnh thức, Phật giáo qua cuốn sách Hoa trôi trên sóng nước.

Trong cuốn sách này, những triết lý của Phật giáo, thiền được thể hiện một cách sâu sắc, song cũng đầy chân thật, dễ hiểu thông qua những suy nghĩ, lời đối thoại của từng nhân vật, đặc biệt là Ni sư Satomi Myodo. Để từ đó, bạn đọc có thể thấy được mình trong những vướng mắc tương tự và có một niềm tin vào sự giải thoát giống như tâm nguyện khiêm nhường của Ni sư Satomi Myodo: “Nếu một kẻ già nua, quê mùa, hủ lậu như con mà cũng có thể kiến tánh được thì chắc chắn trên thế gian này, không có ai không thể kiến tánh”.

Hoa trôi trên sóng nước không chỉ là một câu chuyện xúc động về hành trình tu tập theo chân Đức Phật của Ni sư Satomi Myodo mà chắc chắn còn là những trải nghiệm, chia sẻ sâu sắc và hữu ích với những người đang đi tìm Chánh pháp, sự giác ngộ.

Về tác giả và dịch giả

Ni sư Satomi Myodo (tục danh là Satomi Matsuno) sinh năm 1896, mất năm 1978. Ni sư được công nhận là một trong những Ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản. Bà đã đào tạo nhiều thế hệ học trò và là người có ảnh hưởng đến giới Tỳ-kheo-ni Nhật Bản đến tận ngày nay. Cuốn hồi ký Michi (Hoa trôi trên sóng nước) được đăng trên tạp chí Phật học Kyosho từ năm 1956. Nó đã được các độc giả, nhất là độc giả nữ, say mê theo dõi.

 GS. John Vu Nguyên Phong.jpg
Dịch giả Nguyên Phong

Dịch giả Nguyên Phong chính là GS.John Vũ. Giáo sư John Vũ là nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu ở nước Mỹ. Ông từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phần mềm của Đại học Carnegie Mellon,  nghiên cứu viên kỹ thuật và kỹ sư trưởng công nghệ thông tin tại Boeing. Dưới bút danh Nguyên Phong, GS.John Vũ đã dịch và phóng tác rất nhiều tác phẩm thành công về tâm linh, tỉnh thức và sức mạnh tinh thần như: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết Sơn, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ Tuyết... và đặc biệt là cuốn sách Hành trình về phương Đông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày