Cương quyết lập lại trật tự trả lại sự tôn nghiêm trước cổng chùa

Giác Ngộ - Đầu năm đến chùa lễ Phật đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt nói chung. Tại thành phố Hồ Chí Minh, vào những ngày đầu xuân, ở các ngôi chùa như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi (quận 3), Phước Hải (Ngọc Hoàng – quận 1), Phổ Quang (quận Tân Bình)... có rất nhiều khách thập phương đến dâng hương lễ Phật, đây cũng là dịp cho những người bán hàng rong, ăn xin từ các nơi đổ về mưu sinh.

Điều này đã trở thành một "tệ nạn" làm xâm hại đến cảnh quan thanh tịnh, tệ hại hơn gây ra cảnh nhiễu nhương trước nơi tôn nghiêm, làm mất mỹ quan trước cổng chùa.

hinh 1.JPG
Cảnh giăng võng ngủ trước lối vào chùa Vĩnh Nghiêm
(ảnh chụp lúc 9 giờ, ngày 13-2-2011)

Đến chùa xót dạ thương chùa!

Chúng tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào những ngày đầu năm mới. Tuy không gặp cảnh mời gọi, chèo kéo của "lực lượng" bán nhang đèn trước cổng như trước đây nhưng lại "mục sở thị" một cảnh tượng còn "kinh hồn" hơn, đó là những chiếc võng giăng trên bờ tường rào trước cổng chùa và trên vỉa hè gần cổng ra vào chùa. Nếu đứng từ phía cầu Công Lý người đi đường đều thấy rõ cảnh nhiễu nhương này.

Khi chúng tôi đến ghi hình, một vài người đi đường phản ảnh "Giữa ban ngày ban mặt mà giăng võng ngủ như thế này thì còn gì thành phố văn minh, sạch đẹp…!". Trước đây, theo sự phản ảnh của báo Giác Ngộ, chùa Vĩnh Nghiêm đã chấn chỉnh việc nghiêm cấm bán nhang đèn, chim phóng sanh ngay trong khuôn viên chùa, nhưng gần đây các hàng quán này bắt đầu "tái thiết lập". Những người mang chim phóng sanh và các hàng quán bán nhang đèn tập trung ngay hai bên hàng tam cấp dẫn lên chánh điện. Người mua kẻ bán tạo nên một cảnh tượng hết sức xô bồ.

hinh 2 (1).JPG
Cảnh buôn bán nhang đèn, chim phóng sanh
trước lối lên chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3
hinh 3 (1).JPG

Các hàng quán bán hoa quả giăng ngang lối vào chùa Phổ Quang

Chị Nguyễn Thu Hương - một khách hành hương cho biết: "Theo tôi được biết, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên địa bàn thành phố. Vào những ngày lễ, Tết bà con Phật tử, khách thập phương đến chùa lễ bái rất đông. Tôi, và có lẽ nhiều người khác rất xót khi thấy cảnh tượng buôn bán trong sân chùa như lâu nay. Giá như không có cảnh tượng này! Tôi thường đến đây dâng hương lễ Phật vào các ngày lễ sóc vọng, trước chùa có án hương, chúng tôi thường đứng nơi ấy dâng hương cầu nguyện, song mỗi khi nhìn thấy phía sau án hương là các hàng quán bán chim phóng sanh, nhang đèn, ồ ạt người mua kẻ bán đã phần nào làm "tán tâm" người dâng hương nếu không muốn nói là mất đi giá trị tâm linh trong lúc cầu nguyện…". Những năm gần đây, để bảo đảm cho du khách cũng như Phật tử thập phương đến tham quan lễ bái có trật tự và đảm bảo an toàn, chùa đã thuê lực lượng bảo vệ gìn giữ trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, thế nhưng những cảnh buôn bán trong khuôn viên chùa như thế này lại không giải quyết được!?

hinh 3.JPG
Buôn bán chim phóng sanh, nhang đèn
trong khuôn viên chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình

Vẫn còn cảnh cũ chuyện xưa

Báo Giác Ngộ số 565 ra ngày 27/11/2010 có bài viết "Lại cảnh nhiễu nhương trước cổng chùa" đã phản ảnh cảnh buôn bán bát nháo trước cổng chùa Phổ Quang (Q. Tân Bình), phá vỡ không gian tôn nghiêm của chốn thiền môn nghiêm tịnh. Ngay khi số báo phát hành, bạn đọc nhiều nơi đã gởi thư về tòa soạn, chia sẻ những gì mà báo đã nêu đồng thời thông tin thêm một số địa chỉ khác ở các tỉnh có cảnh tương tự cũng như mách nước nhằm giảm thiểu việc đó. Những tưởng sau khi nhận được sự góp ý của báo, cảnh buôn bán lấn chiếm cả lối đi, lấn vào cả tam quan tại chùa Phổ Quang sẽ được các nhà chức trách có biện pháp khắc phục, cải thiện không gian tôn nghiêm trước cổng chùa, thế nhưng gần đây, chúng tôi trở lại chùa Phổ Quang và những gì mà trước đây chúng tôi chứng kiến như: mời gọi, chèo kéo của "lực lượng" bán nhang, cái bang và các quán bán hoa quả trước lối vào chùa vẫn như xưa.

hinh 3 (2) .JPG
Sách tử vi, bói toán ngang nhiên bày bán
trong khuôn viên chùa Phổ Quang

Hơn thế nữa, trước cổng tam quan đã "bị" người của khu phố 5, phường 2 chiếm dụng làm điểm giữ xe. Bên trong khuôn viên chùa, một số người ngang nhiên bày bán chim phóng sanh, sách tử vi, tướng số, đồ vàng mã… Khoan nói đến việc lấn chiếm không gian tôn nghiêm làm nơi buôn bán vô tổ chức, tất cả những sản phẩm bày bán nơi đây góp phần tạo nên sự ô nhiễm môi trường; tuyên truyền mê tín dị đoan mà đáng lý ra, những cảnh tượng này không thể xuất hiện trong môi trường Phật giáo, nhất là trong những ngôi chùa có nhiều du khách, Phật tử thập phương thường đến tham quan chiêm bái.

 HT. Thích Thiện Tánh, Thường trực Ban Quản trị chùa Phổ Quang cho biết: "Hiện nay, các hàng quán hoa, đèn… trước lối vào chùa Phổ Quang đã và đang ngày càng có xu hướng bành trướng. Sự buôn bán nhếch nhác trước cổng chùa đã làm cho nơi tôn nghiêm này mất dần sự thiêng liêng. Đây cũng là vấn đề bức xúc của nhiều du khách và Phật tử khi đến lễ chùa. Ban Quản trị chùa và chư Tăng trong chùa đã nhiều lần nhắc nhở nhưng rồi "việc đâu còn đấy". Nhà chùa cũng đã nhiều lần phối hợp với Công an phường sở tại để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, trước cổng và trong khuôn viên chùa, thế nhưng khi lực lượng công an đến thì họ giải tán, xong rồi họ lại bày bán tiếp, có khi còn nhiều hơn.

hinh 3 (1).JPG

Điểm giữ xe thu phí của khu phố 5, P.2, Q.Tân Bình
ngay trước tam quan chùa Phổ Quang

Dẫu biết rằng, đây là công việc mưu sinh nhưng nếu các hộ buôn bán nơi đây không tôn trọng, làm ảnh hướng đến tính tôn nghiêm thì nhà chùa cũng phải cương quyết giải quyết tình trạng lấn chiếm này. Mặt khác, nhà chùa cũng đang đề xuất lên các cấp chính quyền sở tại để có quy hoạch tạm nhằm cải thiện cảnh mua bán trước cổng chùa thay vì phải cách xa chỗ cổng chùa vài chục mét nhằm trả lại sự thông thoáng và tôn nghiêm trước cổng chùa. Chúng tôi cũng đề nghị Ban quản lý khu phố lập lại trật tự việc tổ chức giữ xe cho khách đi chùa, tránh tình trạng làm mất mỹ quan trước cổng chùa…"

Trong dịp viếng thăm chùa Phổ Quang, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã góp ý: "Nhà chùa nên kết hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ, gìn giữ mỹ quan cho cảnh chùa, nhất là những ngôi chùa có nhiều du khách đến tham quan, lễ Phật. Mặt khác nhà chùa phải kiên quyết không cho tụ tập buôn bán trước cổng cũng như trong khuôn viên chùa, đồng thời vận động bà con Phật tử, du khách thập phương nâng cao ý thức tham gia gìn giữ cảnh quan môi trường ở những nơi tôn nghiêm này. Giữ gìn vẻ đẹp cho cổng chùa đồng nghĩa với việc giữ gìn vẻ đẹp văn hóa dân tộc, làm phát huy thêm thế mạnh và vẻ tôn nghiêm của ngôi chùa…".

Một mô hình đáng được biểu dương…

Chùa Phước Hải (Ngọc Hoàng) tọa lạc trên đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Q.1 là một điểm đến hành hương cho nhiều Phật tử và du khách vào những dịp lễ, Tết. Đây cũng là ngôi chùa được xếp hạng Di tích văn hóa cấp quốc gia.

Trước đây, mỗi dịp đầu xuân, người dân khắp nơi về chùa dân hương lễ Phật rất đông và "lực lượng" bán hàng rong; nhang đèn, kẻ xin ăn… tràn ngập khắp lối vào chùa. Những năm gần đây, Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Phước Hải đã có nhiều sáng kiến mới trong công tác bảo tồn di tích chùa, cũng như quản lý và bảo vệ cảnh quan trước và trong khuôn viên chùa.

hinh 5.JPG

Lực lượng bảo vệ đang làm nhiệm vụ tại chùa Phước Hải, Q.1

Để thực hiện tốt điều này, nhà chùa đã phối hợp với một công ty dịch vụ cung cấp bảo vệ nhằm chủ động trong công tác bảo vệ trật tự và an toàn cho du khách đến viếng chùa. Vào những ngày lễ, Tết, đến chùa Phước Hải ta dễ dàng nhận thấy các nhân viên bảo vệ thuộc Công ty Bảo vệ Việt Long trong những bộ đồng phục đến hướng dẫn từng vị khách khi đốt hương lễ Phật.

Để nâng cao ý thức và trách nhiệm gìn giữ cảnh quan cho chùa, thực hiện văn hóa tín ngưỡng… chùa Phước Hải sử dụng loa phóng thanh để thường xuyên nhắc nhở du khách. "Chùa Phước Hải là một trong số danh mục những ngôi chùa cổ ở thành phố; nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa nói riêng, cho nên vào những dịp lễ, Tết người dân đến dâng hương lễ Phật rất đông. Trước đây, người dân chưa ý thức được việc thắp hương cúng Phật hay tự tiện đốt vàng mã… đến nay nhà chùa đã vận động bà con Phật tử, cộng với sự nhắc nhở của nhà chùa, phần đông mọi người ý thức được điều này để cùng nhau bảo tồn di tích và tạo sự trang nghiêm khi dâng hương lễ Phật.

 Bên cạnh đó, nhà chùa cũng ký kết với công ty bảo vệ để tăng cường lực lượng gìn giữ an ninh trật tự phía trước và trong khuôn viên chùa, đồng thời bảo vệ an toàn cho du khách đến lễ Phật, tránh tình trạng ăn xin, bán nhang, đèn quấy nhiễu hoặc kẻ gian lợi dụng móc túi hay cướp giật. Mỗi dịp lễ Tết, nhà chùa đặc trách khoảng từ 15 đến 20 nhân viên bảo vệ để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như gìn giữ cảnh quan nơi tôn nghiêm" - ĐĐ.Thích Minh Thông chia sẻ.

Thiết nghĩ, bất cứ ai đến chùa thăm viếng, lễ lạy cũng đều có niềm tin về Tam bảo với tấm lòng thành kính. Sự nhếch nhác trước cổng chùa hay những cảnh nhiễu nhương của thế tục đã làm cho nơi tôn nghiêm này mất sự thiêng liêng. Đó là hệ quả của sự yếu kém trong việc quản lý và bảo vệ cơ sở thờ tự mà trách nhiệm trực tiếp nằm ở các vị trụ trì hay Ban Quản trị của cơ sở ấy. Nếu chúng ta cứ quy trách nhiệm cho nhau thì không thể giải quyết vấn đề này một cách triệt để, trả lại sự tôn nghiêm cho chốn chùa chiền vào ngày thường cũng như những dịp lễ quan trọng trong năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày