Cựu phóng viên chiến trường Nick Út: “Tôi là một Phật tử”

Cựu phóng viên ảnh chiến trường Nick Út với phóng viên Báo Giác Ngộ trong câu chuyện trải lòng ngày cuối năm tại vỉa hè đường phố Q.1, TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong
Cựu phóng viên ảnh chiến trường Nick Út với phóng viên Báo Giác Ngộ trong câu chuyện trải lòng ngày cuối năm tại vỉa hè đường phố Q.1, TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong
0:00 / 0:00
0:00
GNO -  “Tôi là một Phật tử” - Cựu phóng viên ảnh chiến trường của hãng thông tấn AP Huỳnh Công Nick Út, tác giả bức ảnh “Em bé Napalm” đã mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên báo Giác Ngộ như thế, trước thềm năm mới 2023.
Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Với bức ảnh “Em bé Napalm” - nhân vật chính cô bé Kim Phúc 9 tuổi chấn động thế giới, chỉ với một sát-na bấm máy đúng thời điểm, Nick Út đã truyền tải khá đầy đủ về sự khốc liệt của chiến tranh ở Việt Nam, bằng một cách mà không ngôn từ nào có thể thay thế. Bức ảnh không chỉ làm thay đổi cuộc đời nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc, đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

50 năm vẹn nguyên ký ức

* Chào ông, xin chúc mừng ông trong năm 2022 - tròn 50 năm bức ảnh “Em bé Napalm” ra đời (1972 - 2022). Ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông trong dịp đặc biệt này?

- Tôi xúc động, bức ảnh và ký ức về chiến tranh Việt Nam theo tôi đến tận bây giờ, không khi nào quên.

Tôi chụp hàng nghìn tấm hình về chiến tranh Việt Nam nhưng bức ảnh Kim Phúc để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Bởi tấm hình đó nói lên hết sự khủng khiếp trong chiến tranh: đồng bào chạy loạn, trẻ em chạy loạn, là người trong cuộc nhìn lại cảnh bom napalm ai không sợ hãi.

"Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc: “Nick Út là một phần quan trọng của cuộc đời tôi”. Ảnh: Trần Thế Phong

"Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc: “Nick Út là một phần quan trọng của cuộc đời tôi”. Ảnh: Trần Thế Phong

* Bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm” ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

- Ngày 8-6-1972, tôi theo cánh quân của Sư đoàn 25 (Quân đội Việt Nam Cộng hòa) tới một ngôi làng ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Bom napalm ác liệt đã thiêu rụi hoàn toàn khu thánh thất, rất nhiều người chết, trẻ em vừa khóc vừa chạy khỏi ngôi làng. Sau khi chụp một bức ảnh em bé 3 tuổi chết bên cạnh bà, tôi nhìn về phía thánh thất, tôi thấy Kim Phúc. Lúc đó tôi đặt câu hỏi với chính bản thân: Tại sao cô bé này không quần áo, da tay thì tuột ra hết vậy?

Kim Phúc lúc đó 9 tuổi, chạy trần truồng, vừa chạy vừa kêu la “Nóng quá! Nóng quá!”, vừa kêu cứu, khóc hét, tay và lưng đang cháy, may mắn bàn chân không cháy nên chạy được. Nhiệt từ bom napalm rất nóng, lên đến 1.200 độ C.

Sau khi chụp khoảnh khắc đó, tôi không chụp nữa, và tôi nghĩ, không cứu là cô bé chết, vì da cháy hết rồi. Khi đoàn báo chí Việt Nam Cộng hòa về lại Sài Gòn, những người lính cũng đi về, tôi đã không về theo vì tôi không có cách nào bỏ đi được, lương tâm không cho phép, tôi chở mọi người đến bệnh viện.

Quãng đường di chuyển đến bệnh viện căng thẳng trong từng giây, nửa tiếng đồng hồ di chuyển với tôi là cùng cực vì trên xe khi nghe Kim Phúc nói với anh ruột “Nóng quá! Anh ơi! Chắc em chết!”. Tôi có lúc không bình tĩnh được. Khi đó tôi 20 tuổi, nếu Kim Phúc không qua khỏi, chắc tôi cũng điên.

Tôi đưa các em đến bệnh viện. Bệnh viện Củ Chi từ chối nhận. Họ nói rằng, vì bệnh viện địa phương, Kim Phúc phỏng nặng không chữa được, yêu cầu chuyển viện lên Nhi Đồng. Tôi nghĩ rằng, không đủ thời gian để di chuyển như vậy và tôi đã lấy thẻ nhà báo - phóng viên Hãng AP ra tuyên bố: Nếu không cứu để mấy em này chết như vậy thì ngay ngày hôm sau, hình ảnh sẽ được đăng trên trang bìa cả thế giới đều biết. Họ cứu. Thâm tâm tôi lúc đó nghĩ, dù chỉ có 0,1% cơ hội cứu sống Kim Phúc cũng phải giành giật, dù hy vọng rất mong manh.

Em bé Napalm (1972-2022). Ảnh: Trần Thế Phong

Em bé Napalm (1972-2022). Ảnh: Trần Thế Phong

* Điều gì đã làm ông quyết định phải cứu người? Trong quá trình đó, ông gặp khó khăn gì không?

- Nhiều người cũng hỏi tôi “tại sao báo chí bỏ về rồi, lính cũng bỏ về mà Nick Út ở lại, anh không sợ Hãng AP đuổi sao?”. Thời đó tìm việc rất khó.

Tôi đã đấu tranh tư tưởng với bản thân rất nhiều, tôi cần việc nhưng tôi lựa chọn cứu người, cứu Kim Phúc quan trọng hơn. Bởi vì người mà chết rồi thì tôi ân hận cả đời, làm sao mà tôi sống nổi. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình nhờ vào tình yêu thương, sự tự vấn và lương tâm của con người.

Khi bức ảnh Kim Phúc được đưa về tòa soạn, mọi người sợ rằng nó sẽ không được dùng vì chính sách rất khắt khe của hãng thông tấn này đối với “hình khỏa thân”. Tuy nhiên, giá trị thông tin của bức hình này đã phá bỏ mọi luật lệ của AP. Đến ngày nay AP vẫn còn cảm ơn tôi.

Bức ảnh “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út được trao giải báo chí Pulitzer danh giá năm 1973, trở thành bức ảnh có sức ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại năm 2019.

Tình yêu thương và sự nhiệm mầu

* Chiến tranh khốc liệt nhưng vì sao ông chọn lĩnh vực phóng viên chiến trường gai góc này?

- Tôi bắt đầu chụp ảnh từ năm 15 tuổi, năm 16 tuổi chụp cho AP và có hơn 52 năm gắn bó với nghề, bây giờ vẫn sống với đam mê đó.

Thời chiến tranh khó kiếm công việc, anh tôi là Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên ảnh nổi tiếng của AP. Khi anh tôi mất thì tôi may mắn được Hãng AP thương mà nhận vào làm, chứ tôi nghĩ không cách nào vô Hãng AP được.

Anh tôi ghét chiến tranh lắm, mỗi lần chụp ảnh đồng bào chết nhiều, anh Huỳnh Thanh Mỹ nói: “Mong một ngày nào đó anh chụp được tấm hình nào thay đổi chiến tranh và không có chiến tranh nữa”. Mộng anh Mỹ là vậy, nhưng không thành. Anh đã chết trên chiến trường.

Tôi luôn nhớ, khắc ghi nguyện vọng của anh tôi và tôi có phát nguyện muốn thực hiện điều dở dang đó của anh. Cho nên, khi đưa Kim Phúc vào bệnh viện xong, lên xe tôi chắp tay vái, tôi nói với vong linh anh Mỹ của tôi rằng: “Anh Mỹ ơi, hôm nay em chụp cái hình bom napalm, cái hình mà em nghĩ sẽ thay đổi thế giới, thay đổi chiến tranh”. Điều hy hữu là khi tôi tráng cuộn phim, bức ảnh “Em bé Napalm” nằm ở vị trí số 7 - đúng số thứ tự của anh Bảy Mỹ ở gia đình mà anh em gọi thân mật.

Nick Út và Kim Phúc rung chuông cầu nguyện hòa bình tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Ảnh: Trần Thế Phong

Nick Út và Kim Phúc rung chuông cầu nguyện hòa bình tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Ảnh: Trần Thế Phong

* Điều ông cảm thấy hạnh phúc khi bức ảnh công bố là gì?

- Tôi tự hào vì bức ảnh “Em bé Napalm” trở thành một trong những bức ảnh góp phần làm thay đổi cả thế giới. Những người Mỹ sắp đi lính vào Việt Nam đã viết thư cho tôi, nói rất nhiều lời cảm ơn. Họ nói: “Chúng tôi chưa vào Việt Nam nhờ bức ảnh của anh Nick Út, nhờ anh mà chúng tôi không bị chết ở chiến trường Việt Nam”.

Bức ảnh góp phần cho biểu tình chống chiến tranh nổ ra khắp nước Mỹ. Tôi phải điều trần về bức ảnh này và tôi nhớ, Tổng thống Mỹ lúc đó ông Richard Nixon còn nói câu: “Cái hình này không phải bị thương do bom napalm, nếu bom napalm cô này chết rồi, hình này phỏng dầu nấu ăn”. Lời ông nói bị lên án nhiều. Vì ngày Mỹ bỏ bom napalm ở Tây Ninh ai cũng biết, nên không thay đổi được sự thật.

Điều tôi tâm đắc ở chỗ, giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của bức ảnh. Ảnh báo chí lúc nào cũng nói lên được sự trung thực, tính chân thật, dù là ảnh trắng đen nhưng chuyển tải được thông điệp, sự trần trụi của chiến tranh không gì có thể phủ nhận được.

"Cuộc đời không có gì chắc chắn bằng cái chết, ai rồi cũng sẽ phải chết. Thế nên tôi chọn sống hết lòng, chân thành và luôn suy nghĩ làm được gì có ích là làm, để không lãng phí đời người”.

Nick Út

* Liệu có điều gì ẩn đằng sau sự ra đời của các bức ảnh, mà ông chưa trải lòng?

- Là phóng viên chiến trường, tôi nhiều lần bị thương, riêng ở mặt là 3 lần.

Trên chiến trường nguy hiểm, tôi chắp tay cầu nguyện trời Phật, cho tai qua nạn khỏi. Khi bom đạn dội xuống, khi máy bay đang bị bắn rớt từ bầu trời xuống, đi trong lằn ranh sanh tử đó, không ít lần tôi nghĩ mình sẽ chết. Tôi chắp tay cầu nguyện, niệm Nam-mô A Di Đà Phật.

Thói quen niệm Phật đến bây giờ tôi vẫn duy trì, thực hiện. Ở bên Mỹ, vào ngày rằm và ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam là tôi đi chùa. Vào trước thời khắc giao thừa, trước mùng một Tết tôi đi chùa lễ Phật, xông đất và cầu nguyện sức khỏe, bình an cho tất cả.

Nick Út bên các chú tiểu. Ảnh: Trần Thế Phong
Nick Út bên các chú tiểu. Ảnh: Trần Thế Phong

* Trải qua hơn 60 năm cuộc đời, bước qua thời chiến và bước qua nhiều thăng trầm, điều gì trong ông vẫn không thay đổi giữa vô thường và xáo trộn của đời sống?

- Tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong tôi trước sau như một, không thay đổi. Tôi định cư ở Mỹ nhưng về Việt Nam khi sắp xếp được công việc, thời gian. Ngày xưa tôi chụp ảnh chiến tranh, bây giờ tôi chụp ảnh quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Khi tôi đăng ảnh về đất nước Việt Nam lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có nhiều bạn đã nhắn tin với tôi rằng, “từ bức ảnh của anh Nick Út, tôi sẽ đến Việt Nam du lịch. Việt Nam quá đẹp, quá tuyệt vời”.

Tôi vui, tự hào vì những bức ảnh của tôi dù trong thời kỳ nào cũng giúp ích cho đất nước mình, quê hương mình và truyền thông điệp tích cực đến cộng đồng, xã hội.

* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị này!

Nhiếp ảnh gia Nick Út thường xuyên về Việt Nam chụp ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ảnh: Trần Thế Phong
Nhiếp ảnh gia Nick Út thường xuyên về Việt Nam chụp ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ảnh: Trần Thế Phong

Em bé Napalm - Phan Thị Kim Phúc: “Nick Út là một phần quan trọng của cuộc đời tôi”

“Khi lần đầu thấy tấm ảnh Nick Út chụp tôi - 14 tháng sau vụ ném bom napalm, phản ứng của tôi là không thích. Tôi trách và ghét vì sao ông có thể chụp tôi bức hình trần truồng, khóc, xấu xí, mà tôi là bé gái nữa. Thêm nữa, tôi không muốn nhắc đến nỗi đau chiến tranh, quá khủng khiếp, 14 tháng ròng tôi sống trong đau khổ với 17 ca phẫu thuật. Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Tôi đã đấu tranh thật nhiều và may mắn vượt qua nhờ nghị lực.

Nhưng, sau này khi lớn lên thành một người mẹ, nhìn lại bức hình, và những cuộc hội ngộ cùng Nick Út, ông góp phần thay đổi suy nghĩ trong tôi.

Tôi không muốn con tôi chịu đau khổ như người mẹ của nó, không muốn thêm đứa trẻ nào phải chịu cảnh đau đớn đó, từ đó tôi không còn chạy trốn nó nữa. Có sự cổ vũ của Nick Út, tôi đã đối diện với nỗi đau, sự mất mát, quay lại làm việc xây dựng cho hòa bình. Tôi nghĩ rằng, mình không thể thay đổi quá khứ, nhưng với tình yêu có thể thay đổi tương lai.

Là em bé trong bức hình và tôi của hiện tại, Kim Phúc muốn gửi thông điệp, đó là: Mọi người hãy sống vì tình yêu thương, vì sự tha thứ, và trong hoàn cảnh nào cũng đừng bao giờ để mất sự hy vọng, đừng bao giờ bỏ cuộc. Trong hoàn cảnh khó khăn nào, hãy luôn tin rằng sẽ có một cánh cửa hạnh phúc chờ đón bạn phía trước”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày