Đại học có phải là con đường duy nhất?

GNO - Còn ít ngày nữa là kết quả trúng tuyển xét tuyển đại học đợt 1 (các trường đại học công bố trúng tuyển trước ngày 14-8 theo quy định của Bộ GD-ĐT) được các trường đại học công bố, sẽ có những thí sinh đủ điểm đậu và có những thí sinh chưa đủ điểm đậu đại học.

Trước kết quả thi chưa đậu đại học của con cái, những người thân trong gia đình cần có cách ứng xử thích hợp để bạn trẻ có cái nhìn tích cực, có định hướng trên con đường vào đời và trong cuộc sống của mình.

Từ chia sẻ Coi chừng đẩy con cái vào đường cùng... của bạn đọc Nguyễn Thị Hải, Giác Ngộ online có cuộc trò chuyện ngắn với chư tôn đức, chuyên gia tâm lý và các bạn trẻ, Phật tử.

* TT.TS.Thích Bửu Chánh, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM: Thất bại của người trẻ là chuyện bình thường

1tt.jpg

TT.Thích Bửu Chánh

Khi con cái thi rớt đại học thì cha mẹ phải bình tĩnh tìm hiểu lý do gì, mà con mình không thi đậu, có thể con mình làm không đúng theo yêu cầu đề thi chứ không nên đánh giá con mình dốt nát, hoặc không có trình độ. Các em còn trẻ, vì thế cha mẹ nên khuyến khích con mình học lại và thi lại.

Cha mẹ nên sử dụng tình thương để đối xử với con cái, và dựa theo nghiệp báo - nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp; theo đó, có thể con cái của bạn có nhân duyên nào đó như gây trở ngại cho việc học hành của người khác nên kiếp này gặp trắc trở trên đường học vấn, thi cử.

Cha mẹ không nên nghĩ con thi không đậu làm mất danh dự gia đình. Cha mẹ phải từ tốn khuyên con, an ủi, động viện đừng để con buồn bực, căng thẳng dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.

Đừng nghĩ học đại học là con đường cuối cùng vì trong thực tế, ở Việt Nam và thế giới có nhiều người thành công mà không qua con đường đại học - vì thế cha mẹ nên suy nghĩ ở nhiều khía cạnh khác nhau để khuyến khích con mình. Nếu con mình không muốn học thì đừng nên ép mà nên hướng học nghề. Vì có nhiều người tốt nghiệp đại học, tiến sĩ cũng thất nghiệp, nhiều khi bằng cấp cao nhưng gia đình không hạnh phúc.

Các bạn trẻ không nên nản lòng, thối chí mà phải cố gắng học lại, thi lại nếu đó là niềm mong ước của mình thì mình phải thật nỗ lực học lại và thi tiếp. Nhớ hồi xưa tôi thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 bị rớt nên phải ở lại học một năm, và sau đó tôi tiếp tục học lên đến tiến sĩ.

Trên cuộc đời ai cũng phải có sự vấp ngã, lúc đó phải tự mình đứng lên và đi tiếp con đường mình chọn. Chuyện thất bại của người trẻ là chuyện bình thường, vì các bạn còn rất trẻ, thất bại một lần không phải là thất bại.

* Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Duy - Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt: Bạn trẻ có thể chọn những bậc học thấp hơn

2tt.jpg

Ông Ngô Minh Duy

Vào mỗi kỳ thi sẽ có thí sinh đạt điểm yêu cầu và tất nhiên cũng có những thí sinh không đạt. Kết quả này chỉ có tính chất tạm thời chứ không có nghĩa là dấu chấm hết cho thí sinh.

Tuy nhiên, dường như quan niệm quá coi trọng bằng cấp, coi trọng việc đậu đại học, xem chuyện đậu đại học là chuyện sống còn, là danh dự của gia đình, dòng họ,… của các bậc phụ huynh đã vô tình tạo những áp lực thi cử cho con mình ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, trong những kỳ thi và trong cả những giấc ngủ của con.

Với quan niệm như thế, không đạt điểm trong kỳ thi đại học bản thân nó cũng là một sang chấn về tâm lý đối với trẻ. Vì thế, trẻ cần được hiểu, lắng nghe, chia sẻ và chấp nhận để tái cân bằng tâm lý, chứ trẻ không cần những lời sỉ vả, nhiếc mắng.

Nếu trẻ có các dấu hiệu như buồn, chán nản hầu như cả ngày, mất hứng thú, mất ngủ, tăng-giảm cân, thu mình lại ít giao tiếp với người khác thì các bậc phụ huynh cần tìm kiếm trợ giúp tâm lý từ các chuyên gia để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần phải điều chỉnh nhận thức “đại học không phải là “con đường tiến thân lập nghiệp duy nhất”. Trẻ cũng có thể chọn những bậc học thấp hơn hoặc học và làm những nghề mà mình yêu thích cũng có thể sống và thành công trong xã hội. Nếu các bậc phụ huynh không nhẹ nhàng, khéo léo trong tình huống này có thể dẫn đến việc trẻ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống và có những hành động thiếu sáng suốt.

Đối với các bạn trẻ - ý nghĩ của chúng ta dẫn đầu và quyết định trực tiếp đến lời nói và hành động theo hướng tích cực hay tiêu cực. Khéo lựa chọn những điểm tích cực trong những tình huống tiêu cực sẽ giúp các bạn có động lực vượt qua khó khăn. Thay vì đắm đuối và miên man trong những suy nghĩ không rõ ràng và càng nghĩ thì càng bế tắc, bạn có thể chia đôi mảnh giấy và hãy viết ra những điều được và mất trong những tình huống trên. Bạn sẽ thấy nhẹ lòng hơn và rõ ràng hơn.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng có thể chia sẻ những việc không vui với người mà mình yêu mến, bạn thân, thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý,… để được giúp đỡ kịp thời.

Ba má luôn rất tâm lý

Bạn Trương Thị Diễm Hương - nhân viên Công ty Sunico: Hồi xưa khi thi đại học, ba má không bao giờ gây áp lực cho mình cả, nhớ lúc đó mình thi rớt đại học nhưng đậu cao đẳng - vậy là ba má khuyến khích mình học cao đẳng. Ba má tâm lý lắm, không có la mắng mà toàn động viên. Sau này, khi đi làm cũng vậy, nhiều khi mình làm sai, ba má nhắc - rồi tự bản thân ngẫm nghĩ lại thấy ba má nói đúng nên tự mình sửa đổi.

Trần Thị Thảo - nhân viên kế toán tại Công ty SS Logistics: Mấy năm trước đi thi đại học, ba dẫn đi, thi xong ra ngoài mọi người hỏi nhiều quá - tự nhiên nước mắt chảy tùm lum, ba không nói gì mà cười ha hả, rồi động viên: thi xong rồi là tốt. Do ba biết sức con mình học chừng nào, nên cũng đoán biết được kết quả, ba nói “nếu rớt thì kiếm trường khác đăng ký học nguyện vọng 2, hoặc có thể học cao đẳng và chuẩn bị tâm lý năm sau thi lại nếu muốn học trường mình thích”.

Đối với mình - mỗi lần phạm lỗi, ba má la, mình ngồi im lặng, rồi nghĩ lại những lý do vì sao ba má la, biết lỗi rồi tự nhắc nhở mình, còn nếu ba má la sai, thì khi ngồi chơi với má sẽ nói lý do lúc đó mình ứng xử vậy.

N.Danh thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày