Đại học Nalanda được hồi sinh

GN - Vào ngày 1-9-2014, Đại học Nalanda, một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy kiểu mẫu toàn cầu, sẽ được chính thức mở cửa tại thị trấn hành hương Phật giáo Rajgir ở bang Bihar, Ấn Độ. Ban đầu, có 40 sinh viên đã đăng ký hai khóa học sau đại học do khoa Nghiên cứu lịch sử, và khoa Môi trường sinh thái tổ chức đào tạo.
An-Do-1.jpeg
Logo của Trường Đại học Nalanda

Kế hoạch hồi sinh Trường Đại học Nalanda dựa trên tầm vóc của Trường Nalanda cũ đã được Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan công bố vào năm 2006. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các quốc gia ở Đông Nam Á, và các quốc gia Australia, New Zealand, Nga, Mỹ cũng đã đưa ra sự ủng hộ cho nỗ lực hồi sinh Trường Đại học Nalanda.  

Trang web chính thức của Đại học Nalanda cho biết, hiện trường đã có chín giảng viên đến từ các quốc gia khác nhau, trong đó sáu giảng viên thuộc khoa Nghiên cứu lịch sử và ba giảng viên thuộc khoa Môi trường và Nghiên cứu sinh thái. Hai khoa này sẽ hợp tác tích cực với Hiệp hội Châu Âu về Nghiên cứu thực địa châu Á (ECAF, Pháp), khoa Lịch sử của Trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.  

Trường đại học mới sẽ tập trung vào các ngành khoa học nhân văn, kinh tế và quản lý, hội nhập châu Á, phát triển bền vững, và các ngôn ngữ châu Á. Giai đoạn phát triển tiếp theo là tiến hành thành lập các khoa Kinh tế và Quản lý, Công nghệ thông tin trong số các khoa khác.

Từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ XII, Đại học Nalanda là một trung tâm học thuật xuất sắc và là một trong những trường đại học cổ xưa nhất trên thế giới. Vào thời điểm đó, Nalanda đã có 10.000 học viên, hầu hết là Tăng sĩ, đến từ Trung Hoa, Tây Tạng và những nơi khác. Nhiều học giả Phật giáo nổi tiếng đã đến học ở đây, trong đó có hai vị Tăng sĩ nổi danh người Trung Hoa là ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang. Tuy nhiên, Đại học Nalanda đã bị đạo quân xâm lược Hồi giáo phá hủy vào năm 1193. Trong nỗ lực phục hồi uy danh và di tích của Trường Đại học Nalanda, vào năm 1951, một hoc giả ưu tú của Phật giáo, sư Jagdish Kashyap, đã sáng lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Pali và đạo Phật ở bên cạnh khu di tích nguyên ủy. Trung tâm ấy gọi là Nava Nalanda Mahavihara, hiện nay vẫn còn tồn tại.

An-Do-2-550x277.jpg
Giáo sư Amartya Sen (trái) và nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ
S.M.Krishna (giữa) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore G.Yeo (phải)

Đại học Nalanda mới đã được hình thành bởi một nhóm các học giả quốc tế, trong đó có các giáo sư Đại học Harvard, ông Amartya Sen và ông Sugata Bose, với mục đích tạo ra một cơ sở đào tạo và nghiên cứu mang đẳng cấp quốc tế với các sinh viên và các nhà nghiên cứu xuất sắc, để thúc đẩy cho việc dạy và học cao hơn. Một khu đất rộng 446 mẫu Anh ở Rajgir, cách khu di tích Đại học Nalanda cổ khoảng 10 km, đã được lựa chọn vào tháng 11-2010 để chuẩn bị cho việc tạo dựng Trường Đại học Nalanda mới.  

Giáo sư Amartya Sen, hiệu trưởng của trường đại học, rất lạc quan về tương lai của ngôi trường. Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa Trường Đại học Nalanda mới phát triển và tiến hành công tác đào tạo, nghiên cứu. Đây chỉ là sự khởi đầu. Đại học Nalanda cũ đã mất 200 năm để đạt đến mức hưng thịnh. Chúng tôi có thể không phải mất 200 năm, nhưng có lẽ phải mất vài thập kỷ”.

Hoàng Lam
(theo Buddhistdoor International)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày