Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói về những việc cần làm trong mùa An cư

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - An cư kiết hạ là truyền thống Phật giáo hiện hữu trên hai ngàn năm ở Việt Nam. Về phương diện hình thức, các trường hạ tổ chức cho Tăng Ni tập trung về an cư tại địa điểm đã quy định.

Nhưng theo tôi, phương diện nội dung quan trọng hơn, đòi hỏi Tăng Ni phải thực tu, thực chứng được một pháp phần nào sau mỗi mùa an cư. Nếu chỉ có hình thức suông, không thể hiện đúng tinh thần đạo; vì nội dung tu chứng mới chính là mô hình mà Đức Phật muốn truyền trao.

Trên tinh thần tu chứng ấy, trong mùa an cư, Tăng Ni cố gắng phát triển đạo tâm, đạo hạnh. Từ tâm đạo bên trong hiện ra hạnh đức bên ngoài, mới có sức cảm hóa người đi trên con đường thánh thiện.

Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy tuy cùng học chung trường lớp, tu cùng chùa, nhưng mỗi người làm được việc lớn nhỏ khác nhau. Thậm chí có người không làm được gì, vì mỗi người có phần tu chứng khác nhau. Trường lớp đào tạo chung như vậy, nhưng tự tu, tự học như thế nào để có sở đắc riêng, đó là điều tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni.

Chúng ta, những người xuất gia, tự nguyện lấy việc tu hành làm lẽ sống, không ai áp đặt chúng ta, cũng không ai làm thay cho ta được. Đức Phật cũng dạy mỗi người tự quyết định vận mạng của mình.

Về phần tự tu của riêng tôi, đặc biệt thời còn là học tăng, trong ba tháng an cư, tuyệt đối tôi không ra khỏi chùa. Quyết tâm lập hạnh giữ mình, tự nhắc với lòng rằng cấm túc an cư, nhất định không đi đâu, dù được phép. Ngoài ra, trong mùa an cư, không bao giờ cho phép mình không đi quả đường. Vì nhớ lời Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng ba tháng an cư không đi quả đường quá 10 ngày là mất tuổi hạ.

Chúng ta kiểm điểm sinh hoạt tu học của bản thân để tự biết mình thuộc thành phần nào trong ngũ chủng Tăng: Thánh Tăng, Hiền Tăng, phàm Tăng, nghiệp Tăng, ác Tăng. Nghiệp Tăng thì có bệnh, phải bỏ thời khóa, hoặc sợ tham thiền, trốn tụng kinh, không đi quả đường.
Ngoài thời khóa của trường hạ quy định, chúng ta nên tự tu với thời khóa riêng. Tu trong say mê, thích thú trắc nghiệm một pháp nào đó, mới giúp chúng ta sớm phát triển trí tuệ và đạo đức.

Sau thời công phu với đại chúng, tôi thường lạy thêm một thời sám hối, từ Hồng danh Bửu sám, đến lạy Ngũ bách danh, Tam thiên Phật, Vạn Phật. Tôi tự sắp xếp thời khóa sám hối riêng như vậy, vì xét mình nghiệp chướng nặng nề, cần hết lòng lạy Phật. Nhờ quyết tâm tu hành, dùng hạnh đức của Phật trang nghiêm thân tâm mà tiêu trừ nghiệp quá khứ, cảm nhận được lực gia bị của Phật và hiện hảo tướng, mới có thể gánh vác Phật sự thành công.

Thực tế cho thấy nhiều người khôn ngoan, học giỏi, nói hay, nhưng thiếu công phu hành trì, thiếu đức, lời nói suông, chẳng những không có sức thuyết phục, đôi khi còn phản tác dụng. Hơn nữa, khi gặp chướng duyên trên đường hành đạo, họ thường dễ bỏ cuộc. Trái lại, các Hòa thượng tu hành đạo cao đức trọng, không thuyết pháp vẫn dễ dàng cảm hóa được người qua tâm, qua đức độ.

Bên cạnh việc lạy sám hối, tôi dành nhiều thì giờ thọ trì đọc tụng kinh điển trong mùa an cư. Chúng ta không trực tiếp nghe Phật thuyết pháp nên cần đọc lại lời Phật dạy trong kinh. Từ bộ kinh nhỏ đến các bộ kinh lớn, cố gắng đọc đầy đủ để hiểu nghĩa sâu xa mà ứng dụng lợi lạc trong cuộc sống tu hành.

Tôi nhận thấy một số trường hạ không tụng các bộ kinh lớn, chỉ dành hai thời công phu sáng tối cho các đoạn kinh ngắn. Tụng thuộc lòng đến độ lờn cảm giác, miệng đọc làu làu mà tâm trí không phát hiện được gì mới lạ, cho đến nghĩ tưởng lăng nhăng đủ thứ. Thiết nghĩ tu lấy lệ như vậy không ích lợi gì.

Theo tôi, ngoài thời khóa tụng kinh tập thể, Tăng Ni phải siêng năng tự đọc các bộ kinh lớn như Bảo tích, Niết-bàn, Pháp hoa, Hoa nghiêm... Đọc đi đọc lại bằng tư duy cho chính mình nghe, không phải đọc cho Phật nghe. Đọc tụng để nghĩa lý kinh thấm sâu vào lòng, nhờ đó phá trừ được điên đảo vọng tưởng, tẩy sạch trần tâm, cảm nhận an lạc, giải thoát. Từ tâm thanh tịnh giải thoát ấy mới phát ra lời nói hòa hợp, việc làm tốt đẹp lợi ích cho người.

Một điểm khác không kém quan trọng trong thời khóa tu mùa an cư, tôi muốn nhắc đến vấn đề tham thiền. Xưa kia, Phật học đường thường quy định giờ thiền kéo dài nửa tiếng. Tôi nhận thấy những người không tha thiết tu, nghe tiếng kiểng thì bắt buộc lên thiền, nên ngồi uể oải, chỉ mong hết giờ xả thiền, xuống cho lẹ. Tu như vậy thực vô ích. Chúng ta ý thức đó là pháp tu nên phải nỗ lực thực sự.

Ảnh tác giả

Tôi thường tâm niệm đã mang chí xuất gia, phải tu cho thành đức, học cho thành tài. Đức khó thấy, nhưng có giá trị vĩnh viễn. Hạnh là việc làm bên ngoài thấy được. Cố gắng tu tạo hạnh và kết thành đức, bấy giờ chúng ta không làm nhưng tự động có sức thuyết phục người cảm mến, tin theo.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Người thực tu, trước khi thiền, đã chuẩn bị thân tâm và khi xả thiền, hưởng được niềm vui vô tận, không phải ngồi cho mệt mỏi, chờ hết giờ. Chúng ta cố gắng thực hành, tự kiểm tra xem hôm nay hành thiền có tiến bộ gì cho tâm linh hay hiểu biết không, hay là dậm chân tại chỗ. Nếu cảm thấy buồn ngủ, mệt, chúng ta tự tìm nguyên nhân để khắc phục cho ngày mai kết quả hành thiền được tốt hơn. Mỗi ngày suy nghĩ, cải tiến, thực hiện pháp tu tốt đẹp hơn, đó là con đường của người thực tu.

Theo kinh nghiệm, tôi thấy vấn đề ăn ngủ, lao tác ảnh hưởng rất lớn đến việc tham thiền. Làm việc quá sức rồi ngồi thiền chắc chắn phải mệt mỏi, buồn ngủ. Tôi thường tự kiểm tra, điều chỉnh ăn uống, ngủ nghỉ, lao động cho vừa phải, thích hợp với cơ thể, bấy giờ ngồi thiền cảm thấy nhẹ nhàng. Có khinh an mới giúp chúng ta hăng hái tiến tu.

Tôi nhận thấy những bạn đồng tu, ngồi thiền nửa giờ, kiểng đổ vẫn còn ngồi, là biết họ thực sự nhập định, một lúc sau mới từ từ xả định. Để ý sẽ thấy người này trên bước đường tu hành, làm nên đạo nghiệp, vì họ thực tu cho chính họ, không phải tu cho trường lớp, cho bổn đạo.

Trong mùa an cư, khẩu hiệu thường đặt ra là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Đối với tôi, pháp tu ban đầu của người sơ hạ, trau dồi giới đức bằng cách rèn luyện thể lực và tứ oai nghi cho đúng khuôn phép của người xuất gia là hình nghi đĩnh đạc; nghĩa là trước tiên chúng ta phải luyện thể lực sao cho sức khỏe tốt. Sức khỏe rất quan trọng vì nơi nào đạo cần chúng ta đến, chúng sanh mời chúng ta đi. Không khỏe làm sao phục vụ đạo, cứu giúp chúng sanh.

Tiến đến rèn cho được hảo tướng hay phạm tướng trang nghiêm. Đó là tướng đáng tin cậy, có sức thuyết phục người, trong đạo thường diễn tả là "Đường đường Tăng tướng, dung mạo khả quan".

Xưa kia, Hòa thượng Huệ Đăng tu ở núi Thiên Thai, một nơi hẻo lánh, chỉ có toàn tướng cướp, ít ai dám đến. Hòa thượng tu thiền và cũng là võ sư. Ngài hàng phục các tên trộm cướp dễ dàng mới có thể tu hành nơi đó. Chẳng những tu luyện sức khỏe phi thường, tinh thần ngài rất sáng suốt, phát huy chân tâm thanh tịnh, tạo thành lực thu hút Tăng Ni bốn phương đến tu học.

Trở lại thực tế, chúng ta chưa làm được như Tổ Thiên Thai, hay Tổ Hiếp Tôn Giả suốt đời không nằm, chỉ ngồi, tỏa sức sống mãnh liệt của hành giả an trụ thiền định. Tuy nhiên, chúng ta cũng có cách tập luyện tứ oai nghi.

Về tướng ngồi theo dáng thiền, ngồi như núi, không nhúc nhích. Tự mình rèn luyện cho được tướng này, ở trong phòng riêng một mình, chúng ta cũng tập ngồi trang nghiêm cho quen thành hạnh thành đức. Không phải bình thường phóng túng, ngồi kiểu nào cũng được và đợi đến khi có khách hay thiền mới ngồi trang nghiêm.

Đức Phật dạy chúng ta tu lúc nào cũng thúc liễm thân tâm, đến mức độ hành động trở thành tự nhiên, không phải đóng kịch để người cung kính cúng dường. Thành tựu được tướng ngồi trang nghiêm, tác động cho người nhìn thấy thương kính, phát tâm tu.

Ngoài ra, tập luyện tướng đi giải thoát, nhẹ nhàng như mây bay, khiến người sanh tâm kính tin Tam bảo. Khi Phật tại thế, Ngài chọn Mã Thắng và Kiều Trần Như có tướng đi giải thoát, được cùng đi khất thực với Ngài để đàn việt trông thấy đạo phong mà phát tâm.

Ngày nay trong thiền môn, chúng ta luyện tướng đi bằng cách đi kinh hành. Bước chân đều khoảng cách và nhịp mõ, tự nhiên người không lắc lư, luôn luôn đi thẳng và đi ngay. Bước đi kèm theo tiếng niệm Phật, nhưng chính yếu là niệm trong tâm chúng ta. Trong lòng nhớ nghĩ đến Phật nên tâm hồn thanh thoát, dễ hiện tướng giải thoát, nhẹ nhàng.

Từ bước đi, niệm Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cảm được hạnh đức của Phật, khiến ta liên tưởng đến Báo thân Phật hay Phật tại thế. Ngài nghĩ gì, nói gì, làm gì thì: “Con niệm Phật để lòng nhớ mãi, hình bóng Người cứu khổ chúng sanh, để theo Ngài trên bước đường lành”.

Nhờ cảm hạnh Phật, chúng ta lập hạnh làm theo Ngài, lấy suy nghĩ, lời nói, việc làm của Phật trang nghiêm bản thân mình, nên dần từng bước chúng ta cũng giống Phật. Có cảm đức độ của Phật, chúng ta mới dễ tiến tu.

Tôi thường tâm niệm đã mang chí xuất gia, phải tu cho thành đức, học cho thành tài. Đức khó thấy, nhưng có giá trị vĩnh viễn. Hạnh là việc làm bên ngoài thấy được. Cố gắng tu tạo hạnh và kết thành đức, bấy giờ chúng ta không làm nhưng tự động có sức thuyết phục người cảm mến, tin theo. Cổ nhân có nói: “Mỹ mạc mỹ hồ đức, duy hữu đức bất trị dân tùng”, nghĩa là cái đẹp của đạo đức thực vô cùng, không diễn tả được, không bắt buộc, nhưng người tự nguyện tuân phục, làm theo.

Tấm gương sáng ngời của Đức Phật cho thấy Ngài là bậc tối tôn, nhưng chỉ dùng đức cảm hóa người. Và kế tiếp là hình ảnh của chư vị Tổ sư cũng giáo hóa bằng đức độ. Điển hình như Thiền sư Phù Vân ở núi Yên Tử tu hành, dù cách triều đình thật xa, nhưng đức độ của ngài đã tác động cho vua Trần Thái Tông, khiến vua không ngại gian nan, cực khổ, vượt qua chín suối, mười đèo để được gặp Phù Vân. Diện kiến ngài thì bao lo âu, buồn phiền, khó khăn đều rũ sạch và thốt lên lời nguyện dũng mãnh tự đáy lòng: “Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận. Đội ơn tế độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay”.

Cảm đức từ bi nên nguyện ngàn kiếp được sống gần để nương theo đức của ngài mà tiến tu. Ơn tế độ cứu sống giới thân huệ mạng không kể xiết, dù có tan xương nát thịt cũng không hề nao núng.

Tóm lại, đó là một số kinh nghiệm tôi từng trải qua hơn 70 năm tu hành, xin thành tâm chia sẻ cùng quý pháp lữ đồng hành. Trong mùa An cư kiết hạ, tôi cầu mong Tăng Ni nỗ lực công phu tụng kinh, bái sám, kinh hành niệm Phật, thiền quán để rèn luyện cho được cơ thể khỏe mạnh, phạm tướng trang nghiêm, đức hạnh thánh thiện, tâm hồn trong sáng, giải thoát. Đó là thành quả tốt đẹp, xứng đáng nhận thêm một tuổi hạ, lớn thêm đạo đức trí tuệ, không phí công tu của chính mình, không cô phụ công ơn giáo dưỡng của thầy, Tổ, cũng như đền ơn được đàn việt đã phát tâm hỗ trợ cúng dường trong mùa An cư.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày